Từ trend phong trào đến trend bền vững: Lộ trình cho sản phẩm Việt
A.I
(XUÂN KTSG) – Trong thời gian qua tại Việt Nam, mạng xã hội đã liên tục tạo ra những làn sóng tiêu dùng độc lạ và trở nên “viral” (lan tỏa) rộng khắp. Các sản phẩm và món ăn như gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu, trà chanh giã tay, mì thanh long, cà phê muối… đã được cộng đồng mạng và người tiêu dùng háo hức săn tìm. Nhiều chuyên gia nhận định, việc tạo ra những nội dung có khả năng trở thành trend (xu hướng) như thế là một cách tiếp cận cần nhân rộng để quảng bá các sản phẩm Việt nói chung và nông sản Việt nói riêng. Thế nhưng…
Bên cạnh mặt tích cực là sự lan tỏa nhanh chóng thích hợp cho việc “giải cứu”, thực tiễn cũng đã cho thấy những trào lưu tiêu dùng theo kiểu “đu trend” ấy đều có chung một kết cục là “bạo phát bạo tàn”. Điều này chứng minh, nội dung viral có thể quảng bá nhanh chóng sản phẩm mới nhưng “đu” theo những trend độc lạ này không phải là một mô thức kinh doanh vững bền. Doanh nghiệp một khi chạy theo những trào lưu này có thể sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro không lường trước được.
Trước hết, việc chạy theo các xu hướng ngắn hạn thường dẫn đến sự giảm giá trị trong thông điệp truyền thông. Các chiến dịch marketing tạo xu hướng thường quá tập trung vào việc lồng ghép các yếu tố đang “hot” – nóng sốt, câu view, mà thiếu đi sự đầu tư vào việc nâng cao hình ảnh thương hiệu. Về lâu dài, cách làm này sẽ làm mất đi bản sắc và suy giảm uy tín thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.
Dưới góc độ tài chính, rủi ro về đầu tư và hoàn vốn trong việc theo đuổi các trend ngắn hạn là vấn đề lớn mà doanh nghiệp cần quan tâm. Khi một sản phẩm hay dịch vụ trở thành trend, các doanh nghiệp thường đầu tư lớn vào sản xuất, quảng cáo và marketing để tận dụng cơ hội. Tuy nhiên, do tính chất thoáng qua của các xu hướng này, nhu cầu thị trường có thể giảm mạnh ngay khi trend bắt đầu phai nhạt, khiến doanh nghiệp khó kịp thu hồi vốn đã bỏ ra chứ chưa nói đến khả năng có lãi.
Trong khi những xu hướng tiêu dùng thoáng qua nói trên liên tục trở thành tâm điểm, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam lại dường như không mặn mà lắm với xu hướng tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm mà thế giới đang hướng đến. Tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm là việc lựa chọn sản phẩm và dịch vụ dựa trên sự cân nhắc về tác động đến môi trường, sức khỏe, và xã hội.
Điều này bao gồm việc ưu tiên các sản phẩm được sản xuất một cách có trách nhiệm, sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm và rác thải, cũng như tôn trọng quyền lợi của người lao động và động vật. Sự minh bạch và trách nhiệm xã hội ngày càng trở thành các yếu tố cốt lõi trong mô hình kinh doanh hiện đại. Báo cáo mới nhất của Deloitte năm 2023 cho thấy tại Anh ngày càng có nhiều người tiêu dùng dựa vào dấu chân carbon (carbon footprint) và bao bì bền vững để ra quyết định mua hàng.
Ngược lại, trong bối cảnh sản xuất và tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển biến của bao bì sản phẩm từ đơn giản, thô sơ sang cầu kỳ và đắt đỏ, nhất là trong những túi quà bánh dịp lễ Tết. Các ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp, thay vì chú trọng vào việc tận dụng nguồn nguyên liệu bền vững, sản xuất sạch – ít ô nhiễm, minh bạch trong quy trình sản xuất và nguồn gốc nguyên liệu… để xây dựng niềm tin, hỗ trợ người tiêu dùng lựa chọn có trách nhiệm thì đa phần dường như chỉ tập trung vào việc làm mới và nâng cấp bao bì. Xu hướng này không những không giúp được nông sản Việt vươn xa mà còn khiến tăng giá thành sản phẩm, gây lãng phí tài nguyên và mất đi hình ảnh thân thiện môi trường.
Do đó, xu hướng tiêu dùng bền vững trong dài hạn chính là một trend quan trọng để doanh nghiệp theo đuổi. Việc chú trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm với xã hội sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tạo ảnh hưởng tích cực, đồng thời xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững. Câu chuyện về ống hút bột gạo nhanh chóng vươn ra thế giới là minh chứng thành công của việc “đu” theo trend kiểu này.
Mạng xã hội chắc chắn sẽ tiếp tục là kênh thông tin quan trọng trong việc định hình thói quen và xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Trung Quốc là quốc gia điển hình về việc tận dụng thành công sức mạnh của mạng xã hội, dùng người có khả năng ảnh hưởng (KOL) để livestream xúc tiến quảng bá, tiêu thụ các đặc sản địa phương và các sản phẩm của các dự án xóa đói giảm nghèo…
Thái Lan mới đây cũng bắt đầu triển khai chính sách “One Family One Soft Power” (Mỗi gia đình là một quyền lực mềm) để phát triển kinh tế số. Cơ quan phụ trách về chuyển đổi số của Thái Lan chịu trách nhiệm đào tạo người dân trở thành một “content creator” (người sáng tạo nội dung).
Do đó, Nhà nước cần có vai trò chủ động hơn trong việc định hình và hỗ trợ việc triển khai chính sách bền vững thông qua mạng xã hội. Thông qua các chiến dịch truyền thông và giáo dục, Nhà nước có thể khuyến khích thái độ tiêu dùng có trách nhiệm trong cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của công dân vào các sáng kiến bảo vệ môi trường. Các chiến dịch sáng tạo trên mạng xã hội, kết hợp với storytelling (kể chuyện) hấp dẫn và chia sẻ kiến thức hữu ích, sẽ giúp lan tỏa những thông điệp quan trọng này đến một lượng lớn người dùng, từ đó thúc đẩy sự thay đổi trong cách tiêu dùng của cộng đồng.
Tại Hội nghị P4G 2021, Thủ tướng Việt Nam đã nhấn mạnh rằng kinh tế tuần hoàn là chìa khóa cho việc ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững sau Covid-19. Mong sao các nội dung và xu hướng được chào đón nồng nhiệt trong năm mới sẽ là những phong cách tiêu dùng thông thái, hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững và lành mạnh.