Tự truyện một con heo - Như ly nước mát trong ngày hè

HNN - Tình cờ bắt gặp Tự truyện một con heo của Lý Lan ở hiệu sách, tôi bất chợt nhớ đến Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài - tác phẩm khiến mình từng say mê suốt tuổi thơ. Đó cũng là lý do tôi chọn mua sách cho con.

 Bìa sách “Tự truyện một con heo”

Bìa sách “Tự truyện một con heo”

Không quá xa lạ về cái tên Lý Lan khi bà là một dịch giả và tiểu thuyết gia, gắn với nhiều thế hệ qua dịch phẩm Harry Potter (J.K.Rowling). Bà cũng là cây bút viết truyện thiếu nhi, trong đó Ngôi nhà trong cỏ từng đoạt giải A cuộc thi sáng tác cho nhi đồng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984. Năm 2009, nhà văn trở lại với Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen. Lần này, Tự truyện một con heo đã mang lại cho Lý Lan giải Hiệp sĩ Dế Mèn.

Chuyện kể về Tí Heo, một chú heo rừng nhỏ đi lạc. Ký ức mờ nhạt, nó chỉ nhớ mình bị rớt ra từ cái nách rậm lông của một bợm nhậu, sau đó bị chó Nô Nô lôi đi, thả vào vườn nhà của bà Trời đất ơi ở cái xóm trọ bình dân nằm bên rìa thành phố. Giữa xóm trọ xô bồ, Tí Heo lưu lạc phải đương đầu với bao biến động, có khi suýt bị bắt để… quay thịt. Nhờ vợ chồng bà Trời đất ơi, hai chị em là Thúy và Thanh chăm sóc, luôn được chó Nô Nô và con dê già yểm trợ nên Tí Heo đã có chỗ ăn ở yên ổn.

Dần dần, Tí Heo nhận ra rằng, cuộc sống rất cần tự do. Theo thời gian, Tí Heo tích lũy được nhiều bài học và dũng cảm chọn lựa cuộc sống cho chính mình. Sống mà không phải bắt chước theo ai, là phương châm được đặt ra và chú heo rừng non nớt ngày nào đã từng bước trở nên có bản lĩnh, quyết định chọn cuộc đời đầy phiêu lưu phía trước nhằm thực hiện khao khát được trở về với núi rừng, về nơi cội nguồn của giống loài mình.

Thật thú vị khi đọc Tự truyện một con heo và liên tưởng với Dế Mèn phiêu lưu ký, mỗi tác phẩm mang phong cách riêng nhưng đều giàu giá trị nhân văn và sức hút vượt thời gian. Bối cảnh của Tự truyện một con heo là Sài Gòn hiện đại, từ ngoại ô với cỏ cây đến phố thị tấp nập xe cộ. Hành trình của heo rừng con là cuộc phiêu lưu từ chuồng trại ra thành phố, đối mặt với những tình huống hài hước nhưng nguy hiểm. Cuộc phiêu lưu tập trung vào việc khám phá thế giới và tìm kiếm tự do cá nhân.

Trong khi đó, Dế Mèn phiêu lưu ký có bối cảnh là thế giới côn trùng ở vùng nông thôn, được xây dựng như một xã hội thu nhỏ với các loài vật như châu chấu, bọ ngựa, ếch, chim... Hành trình của Dế Mèn dài hơn, trải qua nhiều chặng, từ kiêu ngạo dẫn đến sai lầm (gây ra cái chết của Dế Choắt) đến chuộc lỗi và trở thành “hiệp sĩ” bảo vệ công lý. Hành trình của Tí Heo ngắn gọn, tập trung vào trải nghiệm cá nhân, còn Dế Mèn là một câu chuyện sử thi với nhiều bài học đạo đức và xã hội.

Đều sử dụng ngôn ngữ dễ tiếp cận với trẻ em, nhưng Lý Lan thiên về sự vui tươi, phóng khoáng, còn Tô Hoài mang tính triết lý, sâu sắc hơn. Tự truyện một con heo hiện đại và ngắn gọn, trong khi Dế Mèn phiêu lưu ký có cấu trúc dài hơn, phức tạp hơn, như một tiểu thuyết.

Ai đã một thời say mê tác phẩm của Tô Hoài, đọc sách của Lý Lan sẽ có thêm những cảm nhận, chiêm nghiệm từ một góc nhìn khác đầy thi vị về thế giới động vật và con trẻ. Còn các em nhỏ nếu chưa tiếp cận với Dế Mèn phiêu lưu ký, cũng có thể đến ngay với Tự truyện một con heo vui tươi, ngắn gọn, mang lại tiếng cười và cảm giác ấm áp. Nó như một ly nước mát trong ngày hè, dễ thưởng thức, khơi gợi ước mơ và sự hồn nhiên ở trẻ nhỏ.

An Nhiên (giới thiệu)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/tu-truyen-mot-con-heo-nhu-ly-nuoc-mat-trong-ngay-he-156017.html