Từ 'Tư cách người cách mệnh' đến yêu cầu nâng cao đạo đức cách mạng hôm nay
Chủ đề rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập trong các bài nói, bài viết từ trước khi thành lập Đảng cho đến dịp kỷ niệm thành lập Đảng cuối cùng của Người. Hôm nay Đảng đang yêu cầu mạnh mẽ 'nâng cao đạo đức cách mạng' và nhấn mạnh trách nhiệm 'quét sạch chủ nghĩa cá nhân'.
Những lời căn dặn năm xưa
Đầu Xuân Canh Ngọ 1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện trọng đại, một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là kết quả tất yếu đáp ứng yêu cầu của lịch sử cần có một Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo phong trào yêu nước. Trước đó, từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã có tác phẩm nổi tiếng Đường Cách mệnh chuẩn bị các điều kiện về chính trị, tư tưởng, lý luận cho việc thành lập và thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Trong Đường Cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc nêu ở trang đầu: “Tư cách một người cách mệnh”1. Người chỉ ra những phẩm chất căn cốt với một người cán bộ cách mạng: Phải có lý tưởng cách mạng - “Giữ chủ nghĩa cho vững”; đặt nhiệm vụ cách mạng vì dân, vì nước lên trên hết - “Vị công vong tư”; phải cần kiệm - “Ít lòng tham muốn về vật chất”; luôn học hỏi - “Nghiên cứu, xem xét” và “Không hiếu danh, không kiêu ngạo”, với mình thì sẵn sàng “Hy sinh” và “Nói thì phải làm”, “Cả quyết sửa lỗi mình”, “Giữ nghiêm kỷ luật” nhưng với người khác phải “khoan thứ”. Cách làm việc phải “Xem xét hoàn cảnh kỹ càng”, “Quyết đoán”, “Dũng cảm”, “Phục tùng đoàn thể”.
Từ những ngày đầu của chính quyền mới, khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo rất sớm những nguy cơ suy thoái đạo đức của cán bộ. Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945). Người đã vạch rõ và kịch liệt phê phán những khuyết điểm: Trái phép; cậy thế; hủ hóa; tư túng; chia rẽ; kiêu ngạo. Năm 1947, trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nguyên nhân của các căn bệnh đó là Chủ nghĩa cá nhân. Sau này Người còn nhiều lần nhắc lại chủ đề chống Chủ nghĩa cá nhân trong nhiều bài viết, bài nói của mình.
Ngày 7/6/1968, khi góp ý kiến về việc làm sách Người tốt Việc tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một luận điểm quan trọng: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”2. Trong lần kỷ niệm thành lập Đảng cuối cùng của mình, trước khi những dòng trong Di chúc: “Trước hết nói về Đảng…” được công bố, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân3 đăng Báo Nhân Dân ngày 3/2/1969. Người nhấn mạnh: “Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta đã tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang. Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác”4 và “Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế”5. Tuy vậy, từ khi trở thành Đảng cầm quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên được giao trọng trách giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước với danh vị cùng những đặc quyền, đặc lợi lại mắc “căn bệnh” chủ nghĩa cá nhân đã thoái hóa, biến chất. Hiện tượng này đã xuất hiện và Người thấy rằng phải nghiêm túc cảnh báo sớm các nguy cơ.
Để Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”6. Với từng cá nhân, phương cách tốt để chữa “căn bệnh” chủ nghĩa cá nhân được Người nhiều lần chỉ rõ là tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc, với tinh thần đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. “Mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”7.
Yêu cầu mới hôm nay
Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là mối nguy hiểm tiềm tàng làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính nhân dân, làm cho dân không tin vào đường lối của Đảng, không tin những điều đảng viên nói. Chủ nghĩa cá nhân đặc biệt nguy hiểm và khó chống vì nó là kẻ thù vô hình, lại nằm trong chính bản thân mỗi con người, nó “như vi trùng sinh ra nhiều bệnh khác” với những biến chứng phức tạp, đa dạng, khôn lường. Chủ nghĩa cá nhân nguy hiểm còn bởi những “căn bệnh” do nó gây ra dễ mê hoặc con người, tạo cho những kẻ mắc phải những niềm sung sướng, mãn nguyện, dù là giả tạo, tạm thời, nên nhiều khi biết mà khó tránh.
Những lệch lạc đạo đức trong các chuẩn mực và lối sống đã và đang diễn ra - trên hết, trước hết và nguy hiểm hơn, ở những người có chức có quyền. Những người đó mang danh “đày tớ” của nhân dân nhưng đã “tự chuyển hóa” với nhiều bộ mặt khác nhau. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi v.v. Tình trạng thiếu trật tự kỷ cương, tệ quan liêu, xa dân, hành dân, nạn “tham nhũng vặt” phổ biến, lãng phí của công, bộ máy cồng kềnh hoạt động kém hiệu quả... chưa được khắc phục.
Vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, tư cách của người cán bộ cách mạng trở nên bức thiết. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”8. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn kiện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII, Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quy định của Bộ Chính trị về 19 điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương v.v. Tháng 5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới với năm điều cơ bản: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Dân chủ, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Đó là cơ sở để cán bộ, đảng viên tự thân phấn đấu, rèn luyện. Để chống Chủ nghĩa cá nhân, những điều cần nhấn mạnh là phải tăng cường kỷ luật Đảng; tăng cường hiệu lực pháp chế; làm trong sạch, củng cố và hoàn thiện bộ máy để chủ nghĩa cá nhân không có đất phát triển. Tuy vậy, mọi cố gắng đang/cần tiếp tục và việc rèn luyện (để) nâng cao đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên của chúng ta còn cần đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Khi bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhiều yêu cầu mới đặt ra đối với năng lực, trí tuệ và tư cách, phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Đảng đang lãnh đạo tập trung tái cơ cấu, xây dựng tổ chức hệ thống chính trị “tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả”. Nhiệm vụ đó gắn liền với sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để phát huy cao nhất tài năng, cống hiến của mỗi người và cũng đặt ra những yêu cầu mới về tiêu chuẩn cán bộ và chuẩn mực về tư cách. Đồng thời với công việc đó là sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Trong các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là “nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang là vấn đề đặt ra cấp thiết. Về phẩm chất của cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tiên quyết đầu tiên: “Có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết”9.
Những nội dung đó đã kế thừa từ “Tư cách một người cách mệnh” cũng như “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn năm xưa nhưng đã được phát triển lên tầm cao mới trong bối cảnh hoàn toàn mới. Nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là một trong những “điều kiện cần” để chúng ta tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới./.
Hồ Chí Minh: Toàn tập - Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 280.
Hồ Chí Minh: Toàn tập - Sđd, t. 15, tr. 672.
Hồ Chí Minh: Toàn tập - Sđd, t. 15, tr. 546
Như Chú thích 3.
Như Chú thích 3.
Hồ Chí Minh: Toàn tập - Sđd, t. 15, tr. 547.
Hồ Chí Minh: Toàn tập - Sđd, t. 5, tr. 279.
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 180.
https://dangcongsan.vn/thoi-su/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-682050.html truy cập lúc 14h45, ngày 08/12/2024.