Tự tử ở lứa tuổi học sinh: Nhận diện các nguy cơ để cùng con vượt qua khủng hoảng
Nếu dựa vào những ghi chép mà các em để lại, có thể thấy rằng nguyên nhân của đa phần các vụ học sinh tự tử thời gian qua là do trầm cảm hoặc không chịu được áp lực. Thực tế này đặt ra vấn đề, tình trạng trầm cảm ở học sinh tới mức độ nào thì sẽ biến thành hành vi tự hại chính mình? Cần làm gì để nhận diện các nguy cơ và giúp các em vượt qua thời khắc khó khăn này?
Sáng 31/3, một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng. Trước khi treo cổ tự tử, nữ sinh này có để lại thư và nhiều trang nhật ký nói về việc mình sắp đi xa. Ngày 1/4, nam sinh lớp 10 Trường THPT chuyên của Hà Nội cũng đã nhảy lầu tự tử và để lại thư tuyệt mệnh. Trước đó, vào tháng 2/2022, một học sinh lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh cũng đã nhảy lầu tự tử.
Nếu dựa vào những ghi chép mà các em để lại, có thể thấy rằng nguyên nhân của đa phần các vụ học sinh tự tử thời gian qua là do trầm cảm hoặc không chịu được áp lực. Thực tế này đặt ra vấn đề, tình trạng trầm cảm ở học sinh tới mức độ nào thì sẽ biến thành hành vi tự hại chính mình? Cần làm gì để nhận diện các nguy cơ và giúp các em vượt qua thời khắc khó khăn này?
Hoang mang dạy con trong thế giới bùng nổ thông tin
Cái chết đau lòng của nam sinh lớp 10 Trường THPT chuyên tại Hà Nội đã để lại nhiều xót xa, đau đớn. Từ sự việc đau lòng này, nhiều phụ huynh đã tự nhắc nhở mình “thay vì phán xét đúng sai, hãy lặng lẽ nhìn vào từng câu chuyện, từng nỗi đau để tự rút ra bài học cho chính mình”. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự hoang mang, lo lắng trong việc dạy con, đồng hành cùng con trong một thế giới ngập tràn thông tin như hiện nay.
Anh Đỗ Trung Tuyến, một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ: “Trước kia, tôi luôn nghĩ rằng chỉ cần bên cạnh con, cố gắng sống mẫu mực nhất có thể, rồi chúng sẽ nhìn theo và tự học. Nhưng trong những ngày tháng giãn cách xã hội, khi lũ trẻ phải học online, phải làm bạn với internet hàng ngày, tôi nhận ra chúng có quá nhiều hình mẫu để nhìn theo, ngoài bố mẹ. Một thế giới ngập tràn thông tin, một thế giới mà cơ hội biểu đạt được mở rộng đến vô cực sẽ tạo ra nguồn năng lượng khai phóng khổng lồ. Nhưng bên cạnh đó, thế giới này đã tước đi của người lớn chúng ta năng lực áp đặt các chuẩn mực giá trị đối với con cái mình. Bởi vì chính bản thân người lớn chúng ta cũng đang hoang mang với những giá trị bản thân mình đang có”.
Cũng theo anh Tuyến, nhiều người cho rằng, sự quan tâm con trẻ cần liều lượng phù hợp. Nhưng liều lượng như thế nào là phù hợp? Chúng ta có thể luôn kê đơn quan tâm cho con mình một cách chính xác? Chúng ta sẽ dựa vào thông số nào để kê đơn thuốc quan tâm? Dựa vào chiều cao, cân nặng, hay chỉ số IQ của từng đứa trẻ? “Mong muốn cuối cùng của chúng ta dành cho con cái mình là cho chúng một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc của chúng ta và hạnh phúc của bọn trẻ có thể chẳng giống nhau trong một thế giới đang trở nên hỗn mang giá trị” - anh Tuyến đặt vấn đề. Chị Nguyễn Thị Việt Hà, phụ huynh học sinh hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Hành trình làm người ngày càng trở nên mệt mỏi. Bây giờ nói gì cũng đều đã muộn. Câu chuyện đau lòng của nam sinh lớp 10 tại Hà Nội còn lại tấm gương phản chiếu để từng bố mẹ nhìn lại câu chuyện của mình”.
Anh Nguyễn Khánh Thọ, một bác sĩ hiện là phụ huynh học sinh tại Hà Nội chia sẻ: Nhiều vụ việc học sinh tự tử trong thời gian qua có nguyên nhân sâu xa do bị trầm cảm. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là xã hội vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến căn bệnh này. Thậm chí, có những suy nghĩ lệch lạc xem những người có biểu hiện trầm cảm, căng thẳng chỉ là “sướng quá hóa rồ” hoặc “bày đặt tâm tư để thu hút sự chú ý”…
Trong khi đó, thực tế cho thấy, trầm cảm là một loại bệnh nguy hiểm, đặc biệt là trong xã hội hiện đại rất cần được quan tâm và điều trị kịp thời. Trầm cảm không buông tha bất cứ ai, có thể là cậu học sinh đang ôn thi, là một doanh nhân thành đạt, là diễn viên nổi tiếng, là một triệu phú đô la… “Điều cần làm làm hãy quan tâm đến nhau khi người thân có dấu hiệu bất thường về tâm lý. Không ai có thể bắt một người bị trầm cảm ngoài chính bản thân họ. Hãy nhớ điều này và đừng nói lời ác nghiệt đổ lỗi cho những người đang tận cùng đau đớn vì mất đi người thân do trầm cảm” - anh Thọ chia sẻ.
Nhận diện các dấu hiệu “cấp báo” thế nào?
PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Với các học sinh đang ở lứa tuổi vị thành niên, các em mang tâm lý muốn được người khác chấp nhận và tán thưởng nhưng lại thiếu hụt kỹ năng, nhất là kỹ năng đương đầu với áp lực và vượt qua thất bại để kiên định với mục tiêu cuộc sống của mình.
Thêm vào đó, các em mới trải qua một giai đoạn đầy áp lực do dịch bệnh, lại đối diện với tương lai cũng đầy áp lực, kết hợp cùng với tính chất dễ bị tổn thương của lứa tuổi. Sự biến đổi về tâm sinh lý trong giai đoạn vị thành niên cũng là một giai đoạn nhạy cảm dễ tổn thương ở những người trẻ. Sự nhạy cảm quá mức với cái được gọi là thể diện cũng khiến các em sẵn sàng hy sinh cuộc sống chứ không chịu chấp nhận sự chối bỏ và chê bai của người khác.
Chính vì vậy, một em học sinh được mọi người gắn nhãn là học giỏi, kỳ vọng, sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn những học sinh khác khi gặp thất bại học đường. Có những học sinh sau khi được cứu đã tâm sự rằng, tự tử là con đường cuối cùng để em phản kháng lại những áp lực kỳ vọng của cha mẹ vào thành tích học tập cũng như lịch học chính, học thêm dày đặc mà cha mẹ dành cho em.
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, về khía cạnh tâm lý, những học sinh tự tử thường có niềm tin sai lệch thúc đẩy những hành động tiêu cực. Đối với một số em, thế giới được nhìn nhận hoặc là toàn màu đen, hoặc là toàn màu hồng. Một sự kiện dù tốt đến mấy nhưng sau khi bị các em phát hiện ra một khiếm khuyết sẽ trở thành một sự kiện xấu xa, tồi tệ.
Một số em khác lại có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề, xem một lỗi nhỏ như một tai họa lớn hoặc là luôn tự ám thị mình sẽ không có khả năng chịu đựng được. Tất cả những thời điểm như vậy rất dễ xảy ra những hành vi dại dột. Tự tử cũng thường xảy ra khi đứa trẻ không tìm được ý nghĩa của cuộc sống, cảm thấy bản thân vô tích sự, vô giá trị, không được định hướng mục tiêu cuộc đời. “Với những câu chuyện đã và đang xảy ra tôi muốn nhấn mạnh rằng sự "bỏ mặc", "không quan tâm" của cha mẹ cũng góp phần gây ra chấn thương tâm lý với các em” - PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, nếu phụ huynh quan tâm đến con cái của mình có thể nhận ra sớm các dấu hiệu như con thỉnh thoảng nói rằng: "Con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu", hay "Chả có gì quan trọng cả!", "Mọi việc đều vô ích thôi!", hoặc "Con chả còn gặp ai nữa đâu mà nói"...
Mặt khác, phụ huynh cũng có thể nhận diện qua các hành động khác lạ của con như: Sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự và nói sẽ cho người này món này, người khác món kia mà mình yêu quý; tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, hay làm cách hành động như để trả ơn bố mẹ.
Ngoài ra, có một số dấu hiệu chỉ báo trầm cảm mà các bậc cha mẹ cần quan tâm như: Các con thay đổi cách ăn uống và ngủ nghỉ; trốn tránh bạn bè, gia đình và bỏ những thói quen thường nhật; có hành động cục cằn, thô lỗ hoặc bỏ đi khỏi nhà; cẩu thả trong cách ăn mặc; thay đổi cá tính một cách bất ngờ; thường xuyên chán nản, không tập trung được việc gì, từ chối không đi học; hay phàn nàn về những đau đớn thể xác, mất hứng thú về những thú vui cá nhân.
Bên cạnh đó, cũng có nhưng dấu hiệu "cấp báo" như nói đùa sẽ chết; viết truyện viết thơ về cái chết; có những hành vi tự hủy hoại bản thân; nói tạm biệt với gia đình; tìm kiếm những vũ khí hoặc phương tiện độc hại có thể sử dụng để tự tử.