Tư tưởng của Lê-nin sống mãi

Thắng lợi của cuộc cách mạng ở Việt Nam và sự trưởng thành của Đảng cộng sản Việt Nam đã cho thấy sự soi đường đúng đắn của lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lê-nin được vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta, là kim chỉ nam cho hành động cách mạng Việt Nam.

Sinh ngày 22/4/1870 ở Xim-biec (nay là tỉnh Uli-a-nốp) trong một gia đình trí thức trung lưu, tên khai sinh là Vla-đi-mia I-lích Uli-a-nốp. Thuở thiếu thời, Lê-nin đã bộc lộ là người có trí tuệ uyên bác, có nghị lực tự học rất cao; thời thanh niên, sớm tiếp cận chủ nghĩa Mác, được tuyển thẳng vào Trường Đại học Tổng hợp Kazan, học Khoa Luật.

Mùa thu 1895, Lê-nin thành lập Hội Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Năm 1900, Lê-nin thành lập Đảng, rồi ra nước ngoài hoạt động và lập ra tờ báo “Tia lửa”. Tháng 4/1905, Đại hội lần thứ III Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga tại Luân-đôn bầu Ủy ban Trung ương do Lê-nin đứng đầu. Tháng 11/1905, Lê-nin bí mật trở về Xanh-pê-téc-bua để lãnh đạo cách mạng Nga. Tháng 12/1907, Lê-nin sống ở nước ngoài, hoạt động trong thời kỳ bí mật, lãnh đạo tờ báo Pra-vda (Sự thật). Thời kỳ này, Lê-nin soạn thảo xong Đề cương Mác-xít về vấn đề dân tộc. Ngày 16/4/1917, Lê-nin đến Petrograd trình bày Luận cương Tháng Tư, đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô-viết!”. Đầu tháng 10/1917, Lê-nin từ Phần Lan bí mật trở về Xanh-pê-téc-bua, lập kế hoạch khởi nghĩa vũ trang.

Tối ngày 6/11/1917, Lê-nin trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đến rạng sáng ngày 7/11/1917, toàn thành phố Xanh-pê-téc-bua nằm trong tay những người khởi nghĩa và đến đêm ngày 7/11/1917, Cách mạng tháng Mười Nga đã toàn thắng. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời. Năm 1919, Quốc tế Cộng sản được thành lập tại Mát-xcơ-va dưới sự lãnh đạo của V.I.Lê-nin. Tại Đại hội II (1920) Quốc tế Cộng sản, Lê-nin đã trình bày “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”…

Lê-nin đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản.Lê-nin là người mác-xít đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết. Lê-nin là người đã kế tục, bảo vệ và phát triển một cách xuất sắc, toàn diện chủ nghĩa Mác trên các mặt triết học duy vật biện chứng, kinh tế chính trị học mác-xít, chủ nghĩa xã hội khoa học trong điều kiện mới - điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Lê-nin đã phát triển chủ nghĩa Mác lên một giai đoạn mới. Cùng với việc đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng, trào lưu lý luận sai trái, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác, Lê-nin còn bổ sung, phát triển nhiều luận điểm cụ thể của chủ nghĩa Mác cho phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như sự phát triển của khoa học đương thời…

Đối với cách mạng Việt Nam, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc khỏi đêm trường nô lệ, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Lê-nin, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc, đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng ta cũng kiên quyết bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đấu tranh chống mọi thủ đoạn xuyên tạc, đổi trắng thay đen của mọi kẻ thù tư tưởng; chống mọi biểu hiện xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

V.I.Lê-nin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất; lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực; người sáng lập ra Nhà nước Xô viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Lê-nin là tấm gương sáng ngời để những người cộng sản chân chính trên toàn thế giới phấn đấu học tập, noi theo; tư tưởng, lý luận của Lênin vẫn sống mãi cùng thời gian, vẫn là ngọn cờ lý luận cách mạng soi sáng con đường giải phóng nhân dân lao động và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội cho các dân tộc trên toàn thế giới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lê-nin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sỹ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học cách mạng nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”. Lê-nin đã đi xa, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của Người vẫn là tấm gương sáng ngời để những người cộng sản chân chính trên toàn thế giới phấn đấu học tập, noi theo; tư tưởng, lý luận của Người vẫn sống mãi cùng thời gian, là ngọn cờ cách mạng soi sáng con đường giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và sự nghiệp xây dựng CNXH của các dân tộc trên toàn thế giới.

Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh của Lê-nin, là dịp để chúng ta tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến vĩ đại của ông đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới; đồng thời, hiểu sâu sắc hơn những bài học kinh nghiệm trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới. Qua đó, có thêm bản lĩnh kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin; học tập và làm theo, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

M.T

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tu-tuong-cua-le-nin-song-mai-3168790.html