Tư tưởng đối phó khiến kết quả cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước còn thấp
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), do nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, chưa quyết liệt thực hiện, còn tư tưởng đối phó nên kết quả cổ phần hóa, thoái vốn thấp.
Cổ phần hóa vẫn duy trì tốc độ ..."rùa bò"
Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng.
Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang rất chậm chạp. Ảnh minh họa.
Trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cổ phần hóa trong năm 2020. Có 01 doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2021 là Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Về thoái vốn, trong năm 2021 đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng.
Trong đó thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; Các Tập đoàn, Tổng công ty thoái vốn tại 14 doanh nghiệp với giá trị 1.612 tỷ đồng, thu về 4.317 tỷ đồng.
Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa và thoái vốn theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Tốc độ thoái vốn, cổ phần hóa chậm, vì sao?
Đánh giá về tình hình cổ phần hóa và thoái vốn năm 2021, đại diện Cục Tài chính cho biết: Tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt yêu kế hoạch cầu đề ra
Số liệu từ Cục này cho biết thêm, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ là 1.404 tỷ đồng; Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 không đáp ứng yêu cầu thu 40.000 tỷ đồng từ bán vốn nhà nước năm 2021 theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2547/QĐ-BTC ngày 30/12/2021 chuyển 1.000 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN, đạt 2,5% kế hoạch).
Trong Quý I/2022, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nộp về Quỹ dự kiến đạt 229 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, hệ thống cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ; kịp thời được sửa đổi, bổ sung làm cơ sở để các doanh nghiệp triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Việc không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn là do các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thoái vốn, cổ phần hóa chậm một phần do nguyên nhân khách quan. Đó là doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai, công tác bán vốn nhà nước phụ thuộc vào thị trường, do tình hình của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán, công tác xác định giá trị doanh nghiệp…).
Nhưng bên cạnh nguyên nhân khách quan, các tồn tại, bất cập làm chậm quá trình cổ phần hóa thời gian qua, còn do nguyên nhân chủ quan. Đó là nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt triển khai, thực hiện. Còn tư tưởng đối phó dẫn đến kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối thấp.
Đó là công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.
Và việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, giải pháp đầu tiên lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp nói đến, đó là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Cục Tài chính doanh nghiệp đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu rà soát, lập kế hoạch triển khai cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp và có giải pháp giao nhiệm vụ cho nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, doanh nghiệp chủ động triển khai thực hiện ngay trong Quý I/2022.
Đồng thời kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện. Phấn đấu đạt ít nhất 248.000 tỷ đồng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn theo Nghị quyết của Quốc hội giao.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thực hiện nghiêm việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, các doanh nghiệp và địa phương để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý nhà, đất, nhất là tại các địa phương.
Đẩy nhanh việc chuyển giao phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn về SCIC để thực hiện thoái vốn theo đúng quy định.
Các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN rà soát những vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh để có phương án xử lý dứt điểm trước khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.
Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.