Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục: Chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống

Kỷ nguyên mới đặt ra những yêu cầu ngày càng cao với sự nghiệp giáo dục. Hơn bao giờ hết, cần quán triệt sâu sắc, tiếp tục vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục.

Ngày 12-5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2025), 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư đầu tiên gửi học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo (15-9-1945 – 15-9-2025) và 80 năm thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục, nay là Bộ GD&ĐT (28-8-1945 – 28-8-2025).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đi trước thời đại

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, khẳng định: "Trong con người, vấn đề quyết định là công tác giáo dục, đào tạo, để có đội ngũ chất lượng cao phục vụ đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới".

 Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: MOET

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: MOET

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương bày tỏ mong muốn những giá trị trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo sẽ lan tỏa, biến hóa mạnh mẽ vào chủ trương, đường lối chính sách, vào thực tiễn tổ chức, vận hành nền giáo dục Việt Nam, góp phần làm nên những thắng lợi mới của nền giáo dục, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao - nguồn động lực quan trọng nhất để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Giáo dục và đào tạo đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Qua đó, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, để đất nước có được cơ đồ, uy tín và vị thế trên quốc tế như ngày nay.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương

GS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên qua và vượt lên những chỉ dẫn cụ thể, thiết thực.

Xuất phát từ yêu cầu của đời sống đất nước, tư tưởng của Người là tầm nhìn xa, trông rộng, đi trước thời đại, dự cảm và định hướng tương lai.

Kỷ nguyên mới đặt ra những yêu cầu ngày càng cao với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Để hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, hơn bao giờ hết, cần quán triệt sâu sắc, tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nền giáo dục Việt Nam.

Trước hết, cần hướng giáo dục, đào tạo phục vụ trực tiếp, hiệu quả yêu cầu phát triển tăng tốc, bứt phá của đất nước trong kỷ nguyên mới. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có phẩm chất, năng lực, thật sự là chủ thể kiến tạo kỷ nguyên mới.

Cùng với đó, cần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, quốc tế hóa giáo dục, đào tạo; đưa giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, có những đóng góp nổi bật vào hệ giá trị giáo dục toàn cầu.

Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong kỷ nguyên mới, GS.TS Phùng Hữu Phú lưu ý rằng cần khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư cuối cùng Người gửi ngành giáo dục nhân dịp đầu năm học năm 1968 - trước lúc Người đi xa: Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và Nhân dân.

"Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, cần phát huy đầy đủ, dân chủ xã hội chủ nghĩa; các ngành, các cấp Đảng, chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục lên những bước phát triển mới", ông Phú nhấn mạnh.

Tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục

Phát biểu bế mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh sự kiện hôm nay một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của giáo dục trong việc rèn luyện nhân cách, phát triển con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng quan trọng về nhân tính, thể hiện cái nhìn rất nhân bản về con người: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

"Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm giáo dục không chỉ trang bị kiến thức, mà giáo dục cần chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, trong đó đức là nền tảng", ông Sơn nói.

Cùng với đó, giáo dục nhằm phát triển con người một cách toàn diện gồm cả đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm, chính …

Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kế thừa chắt lọc từ tinh hoa truyền thống văn hóa giáo dục của dân tộc, vừa thâu thái (thu lượm, góp nhặt) những tư tưởng giáo dục tiên tiến của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhấn mạnh vai trò của tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học mọi nơi mọi lúc, học của mọi người là phương cách để phát triển con người, để con người luôn thích ứng, đáp ứng các yêu cầu của công việc và của thời đại.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MOET

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MOET

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tự học không chỉ nhấn mạnh về trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển ngoại ngữ, tiếp cận tri thức vô tận... mà một phương diện tự học rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phát triển con người và nhân cách.

Đó là “tự giáo”, tức là tự phát triển bản thân, tự tu, tự dưỡng, tự điều tiết, tự sỉ, tự nhục, biết hổ thẹn và phải liêm chính, để con người phải thay đổi, đáp ứng yêu cầu của cách mạng thời đại, đó là tự phát triển con người của chính mình. Tự học đó mới là chiều sâu và đặc sắc.

Trong bối cảnh mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh Đảng và Nhà nước xác định giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đã và đang có nhiều chính sách quan trọng, đột phá. Ngành giáo dục sẽ tiếp tục thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; tư tưởng, triết lý, tinh thần giáo dục, tinh thần học tập và tự học, học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngành giáo dục sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ thêm di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục; làm theo, thực hiện và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học.

Song song đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân mới phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ; tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-giao-duc-chu-trong-ren-luyen-dao-duc-nhan-cach-loi-song-post849363.html