Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, những quan điểm về văn hóa pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận để nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tầm nhìn vượt thời đại
Văn hóa pháp quyền là toàn bộ những giá trị mà con người tạo ra, được biểu hiện và thẩm thấu trong hoạt động xây dựng nhà nước pháp quyền. Nói đến văn hóa pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nói đến cái hay, cái đẹp, các giá trị bền vững trong hoạt động xây dựng, tổ chức quyền lực nhà nước; tổ chức, điều hành, quản lý xã hội bằng pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng thuật ngữ “chế độ pháp trị”. Trong “Việt Nam yêu cầu ca”, Người khẳng định: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Đây là tư tưởng đặc sắc về văn hóa pháp quyền, phản ánh nội dung cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới - nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và là một tư tưởng nhất quán, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại và có giá trị lâu bền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc trưng cơ bản nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền được biểu hiện ở việc xây dựng một nhà nước kiểu mới, trong đó tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước kiểu mới chính là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhà nước pháp quyền là biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ.
Dân chủ vừa là bản chất của nhà nước pháp quyền vừa là điều kiện, tiền đề của chế độ nhà nước. Vì vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa pháp quyền gắn liền với xây dựng và thực thi một nền dân chủ, đảm bảo quyền lực chính trị thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Toàn bộ quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân ủy quyền cho bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm phụng sự lợi ích của nhân dân. Bộ máy nhà nước được thiết lập là bộ máy thừa hành ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước là công bộc của nhân dân.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền, quyền lực của nhân dân còn được biểu hiện bằng việc nhà nước chịu sự kiểm tra, giám sát, định đoạt của nhân dân. Người khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ... Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân”. Chính phủ chỉ có một mục đích là: “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền, quyền con người là tiêu chí đánh giá tính pháp quyền của chế độ nhà nước. Mọi hoạt động của nhà nước đều phải xuất phát từ sự tôn trọng và đảm bảo quyền con người, tạo mọi điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình theo đúng các quy định của luật pháp.
Pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng văn hóa pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở các quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp mà còn thấm đượm một tấm lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thấm đượm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vì thế, pháp quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh là pháp quyền đặc biệt, pháp quyền nhân nghĩa - một thứ nhân nghĩa có nội hàm mang đậm tính dân tộc và dân chủ sâu sắc.
"Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người"
Trong thực tế, Người đã kết hợp chặt chẽ việc quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật với việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng. Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là cơ sở để xây dựng, thực hiện pháp luật. Nền pháp quyền của ta là một nền pháp quyền hợp đạo đức, có nhân tính. Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người”.
Sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở quan niệm xử lý các hành vi phạm pháp, nguyên tắc “có lý”, “có tình”. Tính nghiêm minh và hiệu lực của luật pháp không chỉ phụ thuộc vào sự đúng đắn của pháp luật mà trong quan hệ thực tế còn phụ thuộc vào cái tâm của chính người đại diện cho pháp luật. Quan điểm trên trở thành nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền.
Yếu tố cốt lõi, bản chất nhất của nhà nước pháp quyền là pháp luật giữ vị trí tối cao, ngự trị trong toàn xã hội. Ngay trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, phức tạp của ngày đầu giành được chính quyền, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”.
Sau năm 1954, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều quy định trong Hiến pháp năm 1946 không còn phù hợp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương sửa đổi và ban hành Hiến pháp mới - Hiến pháp năm 1959. Ngoài hai bản Hiến pháp, từ năm 1945 đến 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo soạn thảo, ký quyết định công bố 16 đạo luật và 1.300 văn bản dưới luật. Khối lượng văn bản pháp luật đó luôn thể hiện rõ việc đề cao tính nhân đạo và nhân văn, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của nhà nước mà nhân dân là chủ và do nhân dân làm chủ.
Một nét đặc sắc khác trong tư tưởng về văn hóa pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc khẳng định quyền lực là thống nhất, nhưng có sự phân công, kiểm tra, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo Người, trong nhà nước đó có nhiều cơ quan quyền lực nhà nước khác nhau, từ trung ương đến địa phương, nhưng các cơ quan quyền lực các cấp này chỉ là người thi hành mệnh lệnh, thực hiện ý chí của nhân dân, nghĩa là mọi quyền lực chính trị trong nhà nước ta đều là của nhân dân.
Là người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm thấy được hậu quả của tình trạng lạm quyền cũng như tính tất yếu của việc kiểm soát quyền lực. Hiến pháp năm 1946 được soạn thảo và ban hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã áp dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản về phân công quyền lực ở khía cạnh kỹ thuật tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, trong đó bao hàm cả cơ chế "kiềm chế quyền lực".
Một điều rất đáng chú ý trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền chính là việc xây dựng bộ máy quản lý nhà nước trong sạch, gọn nhẹ, có hiệu lực, thể hiện và thực hiện trên thực tế quyền lực của nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân; thực hiện dân chủ hóa, công khai hóa và minh bạch.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ trực tiếp thực thi luật pháp phải thật sự công tâm và nghiêm minh. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “gương mẫu chấp hành pháp luật của nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia”.
Cán bộ, đảng viên là người trực tiếp thực thi luật pháp, đại diện cụ thể cho “cán cân công lý”; vì thế, Người yêu cầu ở họ phải có phẩm chất đạo đức cần thiết: phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, phải gần dân, giúp dân, học dân, hiểu dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng, trong sạch.
Người luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, thực sự là “công bộc” của nhân dân; chăm lo xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Bản thân Người là tấm gương sáng nhất về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, lời nói đi đôi với việc làm và trở thành một đặc trưng rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền.