Tư tưởng Thiền và phương pháp hành trì của Trần Thái Tông

Tư tưởng thiền của Trần Thái Tông là 'Phật tại tâm', kỳ thực, kể từ khi đức Phật thuyết pháp, nhất là khi Phật giáo Đại thừa phát triển, tư tưởng Phật tâm, Phật tính,… đã được diễn bày, chẳng phải đợi đến thời Trần mới có.

Mục lục bài viết

Tư tưởng thiền của Trần Thái Tông là “Phật tại tâm”, kỳ thực, kể từ khi đức Phật thuyết pháp, nhất là khi Phật giáo Đại thừa phát triển, tư tưởng Phật tâm, Phật tính,… đã được diễn bày, chẳng phải đợi đến thời Trần mới có.

Dẫn nhập

1. Trần Thái Tông – ông vua ngộ đạo

1.1. Con người hiện thực
1.2. Con người hướng thượng

2. Tư tưởng và phương pháp hành trì

2.1. Tư tưởng thiền học

a. Tư tưởng Phật tại tâm
b. Tinh thần phản quan

2.2. Phương pháp hành trì

a. Thiền định
b. Sám hối nghiệp chướng
c. Phương tiện tùy cơ

Kết luận

Tư tưởng thiền của Trần Thái Tông là “Phật tại tâm”, kỳ thực, kể từ khi đức Phật thuyết pháp, nhất là khi Phật giáo Đại thừa phát triển, tư tưởng Phật tâm, Phật tính,… đã được diễn bày, chẳng phải đợi đến thời Trần mới có.

Tác giả: Đại đức Thích Đạt Ma Thiền Tuệ Thanh
Học viên Thạc sĩ Phật học Khóa VI – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM

Dẫn nhập

Vào triều đại nhà Trần, Phật giáo phát triển rực rỡ, giáo lý Phật-đà được phổ khắp nhân gian, mọi tầng lớp người dân đều học hiểu và ứng dụng Phật pháp. Và tất nhiên, vua Trần Thái Tông là người đầu tiên của triều Trần đã góp phần không nhỏ cho sự hưng thịnh này.

Bằng việc tự thân nghiên tầm kinh điển, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày, tu hành có kết quả,… tất cả những điều này là hành động thiết thực để lan tỏa Phật pháp vào đời sống. Thử hỏi, một vị thiên tử, người lãnh đạo của toàn dân còn để tâm đến Phật pháp, học Phật pháp, ứng dụng hành trì, lẽ nào quần thần, dân chúng lại không lưu tâm?

Trần Thái Tông là một người thông minh, hiếu học; là vị vua tài đức vẹn toàn, lại có duyên sâu với Phật pháp. Từng từ bỏ hoàng cung, trốn vào núi Yên Tử, cầu xin xuất gia với Quốc sư Phù Vân. Sau, nghe lời khuyên của Quốc sư, Trần Thái Tông trở về kinh thành, vừa làm vua, vừa nghiên cứu kinh điển, khắc ghi lời dạy: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà biết đó là Phật thật”.

Nhân khi đọc kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, vua liền tỏ ngộ bản tâm; từ đó, ông soạn nhiều tác phẩm thiền học như: Kinh Kim Cang tam-muội chú giải, Thiền tông chỉ nam, Khóa hư lục, Thi tập… Là một thiền giả đắc đạo, nên trong lời văn của ông mang đậm hương vị của thiền. Đồng thời, ông là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Trần đưa Phật giáo vào việc an quốc trị dân, giúp cho dân tộc được sống an vui, hạnh phúc.

Trong phạm vi bài viết, chúng tôi đi sâu nghiên cứu về một số tư tưởng thiền học nổi bật, cùng với đó là phương pháp hành trì của vua Trần Thái Tông.

Vua Trần Thái Tông-Vị vua đầu tiên của nhà Trần.

1. Trần Thái Tông – ông vua ngộ đạo

1.1. Con người hiện thực

Trần Thái Tông, húy là Trần Cảnh (1218 – 1277), con trai thứ của Trần Thừa. Được vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi vào năm 1225, Trần Cảnh đã lập nên vương triều nhà Trần, trị vì đất nước, đánh đuổi giặc xâm lược Nguyên – Mông, giữ yên bờ cõi cho đất nước.

Trong lịch sử huy hoàng của Trần Thái Tông, vẫn còn đó vết mực đen không thể phai nhòa. Việc Trần Thủ Độ, người chú ruột của Trần Thái Tông, ép giáng Lý Chiêu Hoàng xuống làm công chúa, lập chị dâu Thuận Thiên (đang mang thai con của Trần Liễu) làm hoàng hậu.

Hành động này khiến cho Trần Liễu phẫn uất, nổi loạn, lưu lại vết nhơ cho muôn đời: “Vua là người khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể mở nghiệp, truyền sau, đặt giềng giăng mối, chế độ nhà Trần tốt đẹp. Song quy hoạch việc nước đều do Thủ Độ làm, mà trong chốn buồng the có nhiều điều hổ thẹn”[1].

Xét cho cùng, đây đều là mưu toan cơ nghiệp của Trần Thủ Độ, chẳng phải ý riêng của Trần Thái Tông. Cũng chính vì điều này, khiến cho Trần Thái Tông canh cánh nỗi lòng, dằn vặt bất an; nữa đêm trốn hoàng thành, vào núi Yên Tử, tìm đến chỗ Quốc sư Phù Vân cầu xin xuất gia tu hành.

1.2. Con người hướng thượng

Hình ảnh con người hướng thượng trong Trần Thái Tông được thể hiện qua bốn phương diện: 1. Trốn hoàng cung, vào núi Yên Tử, tìm đến chỗ Quốc sư Phù Vân cầu xin xuất gia tu hành; 2. Nghe lời khuyên của Quốc sư, vừa làm vua vừa nghiên cứu kinh điển để tu tập; 3. Tỏ ngộ bản tâm khi duyệt đọc kinh Kim Cang; 4. Tu tập miên mật, biên soạn Lục thời sám hối khoa nghi để tự mình thực hành sám hối, tiêu trừ nghiệp chướng.

Sách Toàn tập Trần Thái Tông chép:

Phàm là đấng nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi[2].

Trần Thái Tông sau khi nghe lời khai thị của Quốc sư Phù Vân, liền ý giáo phụng hành. Theo Trần Thủ Độ trở về kinh thành, vừa làm vua để an nước trị dân, vừa nghiên cứu kinh điển để an thân định tâm. Trần Thái Tông thấu suốt yếu chỉ tu thiền qua lời dạy của Quốc sư: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà biết, đó là Phật thật”[3] (Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật).

Cụ thể, nhân khi đọc kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, ông liền tỏ ngộ bản tâm. Từ đó, ông bắt đâu trước tác, trước thuật các sách như Thiền tông chỉ nam, Kinh Kim Cang tam-muội chú giải, Khóa hư lục,…

Tinh thần hướng thượng của Trần Thái Tông còn được thể hiện rõ nét qua việc tự mình soạn ra thời khóa tu tập sám hối nghiệp chướng từ nhiều đời. Thời khóa một ngày chia ra làm sáu thời, mỗi thời sám hối tội lỗi của mỗi căn (gồm sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Ông viết: “Sau đó lại nghĩ rằng: phàm những nghiệp chướng tích tụ đều do sáu căn tạo thành… Vậy trẫm phỏng theo ý ấy, chia sáu căn thành sáu thì, mỗi thì sám hối một căn. Trẫm tự tay viết ra lời lễ sám, gọi là Lục thì lễ Phật sám hối khoa nghi”[4].

Có thể nói, Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Trần, dựng lập vương triều trong một bối cảnh êm thắm, không mang mầm tranh đoạt. Lại là người có am hiểu Phật pháp, tự mình ứng dụng tu hành có kết quả, đồng thời hướng dẫn mọi người xung quanh hữu duyên cũng được phần lợi ích.

Chính bằng chỗ ngộ, bằng tâm thiền giác sáng nơi chính mình, Trần Thái Tông đã để lại cho người sau nhiều tác phẩm Thiền học có giá trị; bên cạnh đó, ông còn khơi nguồn tư tưởng thiền học đặc trưng, làm nền tảng căn bản cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sau này.

Để rõ hơn, chúng ta sẽ nghiên cứu về một số tư tưởng thiền học nổi bật của Trần Thái Tông, cùng với phương pháp hành trì, là cơ sở lý luận nền tảng để tạo nên một Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

2. Tư tưởng và phương pháp hành trì

2.1. Tư tưởng thiền học

a. Tư tưởng Phật tại tâm

Từ sau khi nhận được diệu chỉ tu hành từ lời dạy của Quốc sư Phù Vân: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà biết, đó là Phật thật”, Trần Thái Tông đã khéo ứng dụng trong đời sống sinh hoạt của mình có kết quả. Minh chứng cụ thể, ông vừa làm vua, lo toan trăm việc cho dân cho nước, lãnh đạo quân dân chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập cho dân tộc; dư ra chút ít thì giờ trong ngày, Trần Thái Tông sắp xếp thời khóa tu tập, dốc chí tu thiền, sáng lại Phật thật sẵn có nơi bản tâm mình.

Có lẽ hình ảnh này là thân giáo cụ thể nhất để vua Trần Nhân Tông, vị Sơ tổ khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, học tập và thực hành theo.

Sau khi ngộ bản tâm qua câu kinh “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, Trần Thái Tông đã trước thuật tác phẩm Kinh Kim Cang tam-muội chú giải, nhằm nói lên chỗ thông đạt của mình đối với kinh Kim Cang, đồng thời cũng là vì lòng bi mẫn, thương lớp người sau mà làm luận này.

Ông viết: “Trẫm nghe bản tính lắng mầu, chân tâm trong lặng, tròn khuyết đều dứt, chẳng phải tính trí hay tìm được mối manh; tan hợp trọn quên, tai mắt đâu thể dự vào vang bóng; có không chung lại, đạo tục san bằng; sừng sững riêng còn, siêu nhiên không gì ngoài. Đây là trọng yếu tính Kim cang vậy”[5].

Nghĩa là, bản chất của tính Kim Cang là siêu nhiên, sừng sững, tròn sáng mà lặng trong, bặt tất cả tướng đối đãi, đạo tục đều quên. Tính này nơi phàm, nơi thánh đều sẵn đủ, đó chính là Chân Phật mà Trần Thái Tông đã nhận ra qua lời dạy của Quốc sư.

Phật giáo du nhập vào các nước, tùy theo bối cảnh xã hội mà có sự ứng biến khác nhau, phù hợp với căn cơ, thời đại mà vẫn giữ được cốt tủy của đạo Phật. Như nói, tư tưởng thiền của Trần Thái Tông là “Phật tại tâm”, kỳ thực, kể từ khi đức Phật thuyết pháp, nhất là khi Phật giáo Đại thừa phát triển, tư tưởng Phật tâm, Phật tính,… đã được diễn bày, chẳng phải đợi đến thời Trần mới có.

Cụ thể, đức Phật đã từng khẳng định: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”[6], hay trong kinh Quán Vô lượng thọ, đức Phật có nói: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”[7]. Nói thế để khẳng định rằng, khi một hành giả tu hành đạt đạo, tỏ ngộ bản tâm, ngôn hạnh đều khế hợp với lời Phật, Tổ chỉ dạy.

b. Tinh thần phản quan

Thế nào là phản quan? Phản quan (返觀), nghĩa là soi lại, xét lại; hay nói một cách cụ thể hơn theo tinh thần Thiền tông, đó là ‘phản quan tự kỷ’, tức soi lại chính mình. Sao phải soi lại chính mình mà không nên soi xét người khác? Đây cũng chính là diệu chỉ tu hành trong Phật giáo, đặc biệt Thiền tông luôn đề cao tinh thần phản quan. Đức Phật đã chỉ rõ, mỗi người đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai, đều sẵn có tính Kim Cang thanh tịnh, kiên cố. Mỗi người tự có thì mỗi người phải tự ngộ mới được.

Cho đến Quốc sư Phù Vân cũng từng khuyên vua Trần Thái Tông: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà biết, đó là Phật thật”. Quốc sư chỉ rõ, Phật không có ở bên ngoài, chẳng thể tìm Phật nơi núi non, thành thị, ngay cả vị thầy hướng đạo cho mình cũng không có quả Phật dư nào để trao tặng cho học trò. Phật ngay nơi chính mình, tâm thanh tịnh, vắng lặng mọi vọng niệm mà sáng biết rõ ràng, ngay đó là Phật thật, chẳng nên tìm nơi khác.

Sau khi tỏ ngộ, Trần Thái Tông cũng khuyên người tu hành, giáo ý không khác chư Phật Tổ: “Hoặc có người vùi đầu trong ăn uống, qua mất một đời. Hoặc có người trên đường tu hành lầm lẫn, mà không thức tỉnh. Đâu biết tính giác Bồ-đề mỗi mỗi viên thành, nào hay căn lành Bát-nhã người người đầy đủ. Chớ luận đại ẩn tiểu ẩn, thôi phân tại gia xuất gia… Nếu hay phản chiếu hồi quang, đều được kiến tính thành Phật”[8].

Dù là chúng sinh đang đắm chìm trong ngũ dục, nhưng vẫn có đó một tự tính giác sáng viên mãn, căn lành Bát-nhã tự sẵn đủ nơi mỗi người. Không luận là người xuất gia hay tại gia, chẳng kể người tu nơi thâm sơn cùng cốc hay nơi phố thị phồn hoa. Chỉ cần khéo hồi quan phản chiếu, xoay lại soi xét nơi mình, định rõ tà chính, thấu suốt chân vọng thì đều được kiến tính thành Phật.

2.2. Phương pháp hành trì

Có thể nói, Khóa hư lục là tác phẩm trình bày một cách đầy đủ nhất về phương pháp hành trì. Vậy nên, người viết tập trung khai thác phương thức tu tập của Trần Thái Tông được đề cập đến trong tác phẩm này.

a. Thiền định

Mở đầu Luận tọa thiền, Trần Thái Tông viết: “Ôi! Những người học đạo, chỉ cần thấy tính. Dù thọ hết thẩy tịnh giới, nếu không tọa thiền sức định khó sinh. Định lực chẳng sinh, tức vọng niệm chẳng diệt, mà muốn thấy tính, quả thật là khó”[9]. Ông nói, việc bổn phận của người tu Phật là phải lấy ‘kiến tính’ làm điều trên trước. Muốn được kiến tính chẳng phải việc dễ dàng, nhưng cũng chẳng phải là việc khó làm.

Bởi, nếu dễ thì sao hiện nay người tu Phật vẫn chưa có phần tương ưng? Chư vị Cổ đức, các bậc Thiền tổ từ đước đã kiến tính, ngộ tâm rất nhiều, như thế thì đâu thể nói là khó. Khó hay dễ nằm ở chỗ công phu, phước duyên của từng hành giả. Trần Thái Tông lại nói, dù người đã thọ giới đầy đủ, nhưng nếu không tọa thiền thì không có định lực. Người không có định lực thì không thể làm chủ tâm ý, bị vọng niệm chi phối, sinh diệt tương tục.

Như vậy, muốn điều phục tâm, hàng phục tâm thì phải có định lực. Muốn định lực phát sinh cần phải thực hành thiền định. Người tu thiền không hạn cuộc trong thời khóa ngồi, mà trong bốn oai nghi đều có thể ứng dụng; tuy nhiên, tư thế ngồi kiết già vẫn thù thắng hơn hết. Cho nên, Trần Thái Tông nói: “Song đi đứng nằm ngồi đều là thiền, không phải chỉ riêng ngồi. Nhưng vì đi thì cất bước, đứng thì nhọc nhằn, nằm thì mờ mịt mà yên tĩnh, yên tĩnh thì cái nghĩ sinh, nghĩ sinh thì niệm khởi. Muốn dứt các niệm, nên tập ngồi thiền định”.

Ông chỉ ra ưu khuyết của từng oai nghi đối với việc tu tập thiền định, từ đó khẳng định, người tu tập thiền định phải khéo ngồi thiền. Điều cốt yếu của người tu thiền chính là làm chủ được vọng niệm, có định lực để chuyển hóa nghịch cảnh. Từ chỗ làm chủ vọng niệm, tiến đến vô niệm, an trú nơi chân tâm thường hằng nơi chính mình.

b. Sám hối nghiệp chướng

Tổng quát, Trần Thái Tông đưa ra hai phương cách sám hối. Về sự tướng, ông soạn Khoa nghi lục thời sám hối, mỗi ngày có sáu thời sám hối, mỗi thời sám hối một căn (gồm sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Trần Thái Tông nói về duyên khởi soạn Khoa nghi lục thời sám hối như sau: “Phồn hoa dụ dỗ bên ngoài, thị dục mê hoặc ở trong.

Miệng thì chán ngán vị ngon, thân phải đeo mang vàng ngọc… phỏng theo ý ấy, lấy sáu căn phân làm sáu thời, mỗi thời lễ sám một căn. Chính Trẫm chế nghi văn sám hối này, gọi là “Khoa nghi sáu thời lễ Phật sám hối”[10].

Ông cho rằng, mỗi căn tạo nghiệp thiện ác bất đồng, đã là chúng sinh tức sống nơi cõi dục này, khi chưa ngộ đạo suốt tột bản tâm thì vẫn còn lầm tạo nghiệp bất thiện, vẫn còn loay hoay trong việc vay trả, trả vay trong dòng chảy sinh tử vô tận.

Về lý tính, ông soạn văn Bình đẳng sám hối, chỉ ra tự tính bản lai thanh tịnh, bình đẳng. Bởi do nghiệp thức mênh mang mà tạo vọng nghiệp: “Pháp tính như như, không có niệm lự chừng mảy tóc. Chân nguyên trong lặng, xưa nay bặt cả bụi nhơ. Bởi chợt khởi vọng duyên, hiện thành thân huyễn”[11]. Đã lỡ tạo vọng nghiệp, khởi vọng duyên, thọ huyễn thân rồi thì nên hướng về chân tâm, pháp thể mà phát tâm bình đẳng sám hối. Phật dạy:

“Tất cả biển tội lỗi,

Đều từ vọng tưởng sinh.

Nếu người muốn sám hối,

Ngồi ngay niệm thật tướng”[12].

Nghĩa là, tất cả tội lỗi đã gây tạo đều do vọng tưởng sinh ra. Cụ thể, người thấy vật quý sinh tâm tham, khởi niệm muốn lấy về làm của riêng, vì vọng tưởng tham muốn chiếm lấy làm tư tài, liền theo niệm mà hành động, từ đó tạo thành nghiệp. Từ việc nhỏ mà suy ra việc lớn.

Nghiệp do vọng tạo, nên nghiệp cũng là vọng. Đã là vọng tức không thật, và vốn dĩ thật tính của vạn pháp là không, nên nghiệp cũng tính nó cũng là không; vì tự tính của nghiệp là không nên chúng sinh mới có thể sám hối để tiêu trừ, chuyển hóa nghiệp. Cách sám hối rốt ráo là quán bình đẳng tính, nhớ nghĩ về thật tướng của nghiệp. Thật tướng cũng chính là tướng không.

c. Phương tiện tùy cơ

Trong tác phẩm Khóa hư lục, Trần Thái Tông có đề cập đến pháp tu niệm Phật, chia thành ba loại tương ưng với ba hạng căn cơ khác nhau: “Bậc thượng trí thì tâm tức là Phật, chẳng nhờ tu thêm… Bậc trung trí ắt nương niệm Phật. Chú ý chuyên cần, niệm niệm chẳng quên, tự tâm thuần thiện… Bậc hạ trí thì miệng siêng niệm lời Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sinh về nước Phật. Ngày đêm siêng năng tu hành, không có thối chuyển. Sau khi mạng chung, tùy niệm thiện đó được sinh về nước Phật”[13].

Ông chỉ rõ, với bậc thượng căn thượng trí, thì nghe qua câu “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật” liền đốn ngộ tự tính, tự tin ngay tâm mình là Phật, không cần tu thêm pháp khác, không cần tìm Phật nơi khác, thành Phật là thành tựu trọn vẹn bản tâm thanh tịnh sẵn có nơi mình. Với bậc trung căn, dùng câu Phật hiệu như phương tiện, dùng kim lễ gai độc, xong rồi kim cũng không cần giữ nữa. Niệm Phật cũng vậy, cần niệm đến chỗ buông xả, niệm đến vô niệm mới thành tựu.

Ở đây, có một bước trung chuyển, từ ác niệm (vọng tưởng điên đảo) chuyển thành thiện niệm (niệm Phật), từ thiện niệm hóa thành không, như thế mới được tương ưng với cái vui Niết-bàn, Thường-lạc-ngã-tịnh.

Còn bậc hạ căn, Trần Thái Tông nói, phải siêng năng một lòng hướng về đức Phật A-di-đà, miệng luôn niệm danh hiệu ngài, phát nguyện sinh về cõi Tây phương, đến khi mạng chung được sinh về cõi Cực Lạc, sinh ra từ thai sen thanh tịnh, tiếp tục nghe pháp, học pháp, hành pháp cho đến khi đại triệt đại ngộ, viên tròn quả Phật mới thôi.

Ở đây, chúng tôi đưa pháp tu này vào phần Phương tiện tùy cơ, với lý do:

Cơ duyên Trần Thái Tông tìm đến Phật pháp là pháp môn Thiền, qua lời khai thị của Quốc sư Phù Vân, ứng dụng tu hành có kết quả.

Trong tác phẩm Khóa hư lục, gồm 22 mục, duy nhất có một phần nhỏ (mục 12. Niệm Phật luận) nói về pháp môn niệm Phật. Trong khi đó, phần lớn nội dung Khóa hư lục chủ yếu nói về pháp tu Thiền.

Trần Thái Tông ngộ tâm qua bản kinh Kim Cang, từ đó cơ dụng lưu xuất bén nhạy. Rõ ràng nhất chính là những lời đối đáp của vua Thái Tông khi có người đến hỏi đạo, được ghi chép lại trong tác phẩm Khóa hư lục (phần Ngữ lục vấn đáp).

Trước thuật nhiều tác phẩm mang tư tưởng Thiền học: Kinh Kim Cang tam-muội chú giải, Thiền tông chỉ nam, Thi tập, Bình đẳng lễ sám văn, Khóa hư lục. Cho đến Khoa nghi lục thời sám hối, văn phong mà Trần Thái Tông sử dụng đều mang đậm chất thiền:

“Rừng Thiền sực nức nước trầm hương,

Vườn tuệ chiên-đàn giống khác thường.

Dao giới vê thành hình chóp núi,

Lò tâm tỏa ngát khắp mười phương”[14].

Kết luận

Trần Thái Tông là một ông vua Phật tử, có tâm học đạo tha thiết, hết lòng nghiên cứu nội điển, ứng dụng giáo lý thiền qua lời dạy của Quốc sư Phù Vân vào đời sống hằng ngày. Là người có trí tuệ và thật tâm tu hành, thể hiện bằng việc vừa làm vua trị nước an dân, vừa thực hành thiền để an thân định tâm; mặc dù công việc triều chính rất bận rộn, nhưng ông vẫn có thể sắp xếp ổn thỏa, thời khóa tu tập rõ ràng, vậy nên việc tu hành có kết quả như nguyện.

Trong phạm vi của bài nghiên cứu, chúng tôi chỉ lược trình bày hai tư tưởng thiền học nổi bật của vua Trần Thái Tông: tư tưởng Phật tại tâm, tinh thần nhập thế; cùng với ba phương pháp tu trì được đề cập đến trong tác phẩm Khóa hư lục, mặc dù chưa đầy đủ trọn vẹn, nhưng phần nào đã khái quát được tư tưởng chủ đạo của Trần Thái Tông là thiền, phương pháp tu chính yếu của ông là thiền định, kết hợp với việc sám hối sáu căn để tiêu trừ nghiệp chướng, trợ duyên trên con đường tu chứng.

Bên cạnh đó, chúng tôi mạnh dạn đưa pháp tu niệm Phật mà Trần Thái Tông có đề cập trong phần Niệm Phật luận, vào mục phương tiện tùy cơ mà không đưa pháp tu này vào phương pháp hành trì chính của ông, mặc dù trước đó đã có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phương pháp niệm Phật là một trong những pháp tu chính mà Trần Thái Tông đã thực hành.

Tác giả: Đại đức Thích Đạt Ma Thiền Tuệ Thanh
Học viên Thạc sĩ Phật học Khóa VI – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú thích và khảo chứng (tái bản 2022), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

2. Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM.

3. Nguyễn Huệ Chi – Đỗ Văn Hỷ – Trần Thị Băng Thanh – Phạm Tú Châu soạn thảo (1988), Thơ văn Lý-Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. Khoa học Xã hội.

4. Ban Văn Hóa Thường Chiếu (2013), Thanh Từ toàn tập, tập 25, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. Thích Thanh Kiểm (1992), Khóa hư lục, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành.

6. 陳太宗御製課虛,慧光書院影印 (2018), no. 25.

7. 《大般涅槃經》卷7, CBETA 2024.R1, T12, no. 374.

8. 《佛說觀無量壽佛經》:CBETA 2024.R1, T12, no. 365.

9. 《普賢觀經義疏》卷2, CBETA 2024.R1, X35, no. 650.

CHÚ THÍCH:

[1] Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú thích và khảo chứng (tái bản 2022), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 329.

[2] Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, tr. 38

[3] 陳太宗御製課虛: “ 山本無佛,惟存乎心。心寂而知是名真佛”,慧光書院影印 (2018), no. 25, p. 305.

[4] Nguyễn Huệ Chi – Đỗ Văn Hỷ – Trần Thị Băng Thanh – Phạm Tú Châu soạn thảo (1988), Thơ văn Lý-Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 158.

[5] Ban Văn Hóa Thường Chiếu (2013), Thanh Từ toàn tập, tập 25, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 427.

[6] 《大般涅槃經》卷7:「一切眾生皆有佛性」(CBETA 2024.R1, T12, no. 374, p. 404c4-5).

[7] 《佛說觀無量壽佛經》:「是心作佛,是心是佛」(CBETA 2024.R1, T12, no. 365, p. 343a21)

[8] Ban Văn Hóa Thường Chiếu (2013), Sđd, tr. 127.

[9] Thích Thanh Kiểm (1992), Khóa hư lục, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành, tr. 57.

[10] Ban Văn Hóa Thường Chiếu (2013), Sđd, tr. 232-233.

[11] Ban Văn Hóa Thường Chiếu (2013), Sđd, tr. 417.

[12]《普賢觀經義疏》卷2:「一切業障海皆從妄想生若欲懺悔者端坐念實相」(CBETA 2024.R1, X35, no. 650, p. 213a1-2 // R55, p. 362a12-13 // Z 1:55, p. 181c12-13).

[13] Ban Văn Hóa Thường Chiếu (2013), Sđd, tr. 214.

[14] Thích Thanh Kiểm (1992), Sđd, tr. 161.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-tuong-thien-cua-tran-thai-tong.html