Tư vấn hướng nghiệp cho phạm nhân: Mở cánh cửa tái hòa nhập cộng đồng

Sở GD&ĐT Đắk Lắk vừa phối hợp tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho hơn 1.000 phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù năm 2025.

Học viên là người chấp hành án phạt tù được được đào tạo, cấp Chứng chỉ sơ cấp. (Ảnh: TT)

Học viên là người chấp hành án phạt tù được được đào tạo, cấp Chứng chỉ sơ cấp. (Ảnh: TT)

Trong hai ngày 24 và 25/5, tại Trại giam Đắk Tân (huyện M’Đrắk) và Trại giam Đắk Trung (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức Chương trình tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho phạm nhân chuẩn bị thi hành xong án phạt tù năm 2025.

 Tổ tư vấn nghề nghiệp. (Ảnh: TT)

Tổ tư vấn nghề nghiệp. (Ảnh: TT)

Từ học nghề đến khởi nghiệp – hành trình làm lại cuộc đời

Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 1.000 phạm nhân đang chấp hành án tại hai trại giam thuộc Bộ Công an đóng tại tỉnh Đắk Lắk.

Tại đây, người tham dự được tiếp cận các chính sách dành cho người tái hòa nhập cộng đồng, thông tin về hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh và xu hướng thị trường lao động hiện nay.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Đắk Lắk, người chấp hành xong án phạt tù có thể tham gia học nghề tại các cơ sở GDNN hoặc Trung tâm GDNN – GDTX cấp huyện, thị xã, thành phố. Những nơi này thuận tiện về vị trí địa lý, phù hợp điều kiện học tập và có đội ngũ giáo viên hướng dẫn nghề nghiệp theo năng lực, sở thích và hoàn cảnh cá nhân của từng người.

 Đại diện Sở GD&ĐT, lãnh đạo Trại giam Đắk Trung trao Chứng chỉ sơ cấp cho học viên là người đang chấp hành án. (Ảnh: TT)

Đại diện Sở GD&ĐT, lãnh đạo Trại giam Đắk Trung trao Chứng chỉ sơ cấp cho học viên là người đang chấp hành án. (Ảnh: TT)

Đặc biệt, sau khi hoàn thành chương trình học nghề, người lao động sau cải tạo có thể xin việc tại địa phương hoặc tự khởi nghiệp với sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, chính sách miễn, giảm học phí, cấp chứng chỉ nghề sơ cấp và giới thiệu việc làm miễn phí cũng giúp giảm bớt rào cản tâm lý, tài chính trong quá trình tái hòa nhập.

Gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tiễn địa phương

Theo TS Lê Thị Thảo - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông và Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, tỉnh Đắk Lắk hiện có 45 cơ sở GDNN, bao gồm 4 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN và 27 cơ sở có tham gia hoạt động đào tạo.

Mỗi năm, các cơ sở này tuyển sinh hơn 40.000 học viên với các ngành nghề gắn chặt nhu cầu thực tế địa phương như: nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí, điện dân dụng, công nghệ thông tin, dịch vụ du lịch, chế biến món ăn, may mặc...

 Người chấp hành án tại Trại giam Đắk Tân đặt câu hỏi về việc làm đối với đơn vị đào tạo. (Ảnh: TT)

Người chấp hành án tại Trại giam Đắk Tân đặt câu hỏi về việc làm đối với đơn vị đào tạo. (Ảnh: TT)

Theo đánh giá từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Trường Trung cấp Tây Nguyên – hai đơn vị trực tiếp tham gia chương trình, các cơ sở đào tạo đã chú trọng đầu tư trang thiết bị dạy học, cập nhật giáo trình, đổi mới phương pháp theo hướng thực hành – thực tế.

Các ngành nghề như sửa chữa xe máy, nghề mộc, trồng rau sạch, kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, chăn nuôi – thú y… được xây dựng phù hợp với điều kiện tiếp cận của người lao động sau cải tạo, nhất là khi trở về sinh sống tại các vùng nông thôn.

 Đại diện đơn vị đào tạo nghề ghi lại câu hỏi của các phạm nhân tại Trại giam Đắk Trung. (Ảnh: TT)

Đại diện đơn vị đào tạo nghề ghi lại câu hỏi của các phạm nhân tại Trại giam Đắk Trung. (Ảnh: TT)

Thực tế thời gian qua, Trại giam Đắk Tân và Trại giam Đắk Trung đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề sơ cấp như kỹ thuật xây dựng, nấu ăn, điện dân dụng, đan lát, may công nghiệp... Nhiều phạm nhân đã được cấp chứng chỉ nghề ngay tại trại, tạo tiền đề vững chắc để bước vào hành trình ổn định cuộc sống sau khi mãn hạn tù.

Trong phần giao lưu, nhiều phạm nhân cũng bày tỏ quan tâm đến thủ tục đăng ký học nghề, điều kiện hỗ trợ học phí, quy trình tư vấn và giới thiệu việc làm sau khi trở về cộng đồng.

Những thắc mắc này đã được đại diện các đơn vị liên quan trực tiếp giải đáp, tạo thêm niềm tin và động lực cho những người đang chuẩn bị tái hòa nhập.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-van-huong-nghiep-cho-pham-nhan-mo-canh-cua-tai-hoa-nhap-cong-dong-post732670.html