Tư vấn phong thủy: Cầu thang, từ ý đến hình

Nhà có tầng lầu thì phải làm cầu thang. Ít hay nhiều, tùy theo số tầng, và đẹp hay bình thường thì vẫn phải đảm bảo đi được. Dù chỉ thanh mảnh đơn sơ nép vào góc, hay uốn lượn hoành tráng giữa tiền sảnh, thì cầu thang vẫn luôn là một thành phần kiến trúc - nội thất gây ra nhiều tranh luận, nhất là về mặt phong thủy.

Sao lại vậy, khi cầu thang chỉ là một thành phần, chi tiết của không gian giao thông, dùng để đi lại. Sao lại khăng khăng đòi… đập, đòi thêm bậc hay bớt bậc để vô chữ Sinh chứ đừng dính chữ Tử, đòi sửa miệng cầu thang tránh hướng ra ngoài khiến tiền tài trôi tuột,… và vô số các kiêng kỵ khác.

Sao không cùng chia sẻ thông tin, kiến thức, đến nhận thức, để hiểu tính chất của Hình Thế toàn nhà, để biết vai trò cầu thang thế nào, nhằm bố trí hợp lý, và không gán ghép các âu lo vô căn cứ cho chi tiết này.

Biết bản chất để hiểu bản chất

Với nhiều nhà chuyên môn và gia chủ, khu cầu thang thường là nơi các bên mâu thuẫn quanh chuyện đếm bậc, chuyện chọn vị trí và hướng đi, rồi lựa vật liệu, kiểu dáng, độ hoàn thiện và gu thẩm mỹ... Điều ngạc nhiên ở đây là ai cũng biết, cầu thang không giữ nhiệm vụ làm đẹp hình khối để “đối thoại với bên ngoài”như mặt tiền, mà cũng chẳng giải quyết chuyện thoát nước, khói mùi, hay đảm bảo sinh hoạt riêng tư như phòng ngủ, nhà bếp, phòng tắm… vậy sao vẫn lắm bàn ra tán vô trong chuyện phong thủy cầu thang.

Thuở con người còn ở nơi hang động hay nhà thôn quê, nhà thường có một mặt sàn cùng với bộ mái trùm lên, kết cấu chưa đủ kiên cố và phong phú để làm nhiều tầng. Thang lên nhà sàn, nhà dài, nhà rông nơi sơn cước, thôn quê… từ ngoài bắc lên, hay thang trèo gác bếp, gác kho cất chứa đồ đạc bên trong thì sơ sài đơn giản, làm gì có chiếu nghỉ, lượn cong, lan can… như nhà hiện đại sau này.

Sự ra đời của các lý thuyết và ứng dụng phong thủy thời trước cũng “loanh quanh” trong các tình huống bài trí không gian của ngôi nhà thịnh hành, phổ biến thời đó. Dĩ nhiên Dịch học hay các triết lý nhân sinh thì bao la rộng lớn, thâm sâu đa tầng, nhưng khi ứng dụng vào tính huống cụ thể của đời sống tùy theo các thời kỳ khác nhau sẽ phải được hiểu và diễn giải tương ứng, không thể cứng nhắc, giáo điều. Thành ra nói cầu thang phải thế này, phải thế kia mới đúng phong thủy truyền thống, thì phải hỏi lại: phong thủy nào, phong thủy vào cái thuở - trong cái nhà không có cầu thang?

Kiểu dáng thang và không gian quanh khu thang phần nào quan hệ với kiểu thiết kế nhà đơn giản hay phức tạp, cổ điển hay hiện đại.

Kiểu dáng thang và không gian quanh khu thang phần nào quan hệ với kiểu thiết kế nhà đơn giản hay phức tạp, cổ điển hay hiện đại.

Do vậy, cần hiểu bản chất cầu thang về phong thủy theo nguyên tắc Âm Dương của Dịch học để vận dụng phù hợp:

- Nguyên tắc thống nhất trong đối lập tương đối: cầu thang vừa là cấu trúc bộ khung, vừa là môi trường sử dụng, đi qua mà không lưu lại.

- Nguyên tắc qua lại, chuyển hóa: cầu thang kết nối không gian mà cũng chia cắt không gian, chuyển tiếp khí và lan truyền tác động của Khí trong nhà.

Về mặt nội khí, cầu thang thuộc nhóm không gian dẫn truyền, tương tự hành lang, giếng trời, các khoảng trống đi lại… theo chiều ngang và chiều đứng, xiên của nhà, tựa như các mạch máu, bao phủ khắp “cơ thể” ngôi nhà, giúp liên kết, đem khí tươi, khí sạch đến và thải loại khí xấu, khí cũ đi. Một ngôi nhà bước vào thấy ngột ngạt, bức bí, đầy mùi đồ đạc, mùi khói bếp hay mùi ẩm mốc… có thể do thiếu quan tâm đến khả năng dẫn truyền khí, cách thông thoáng gặp vấn đề.

Để dẫn truyền khí tốt cần hệ thống nạp khí và lối dẫn khí (Khí Khẩu, Khí Đạo) hoặc tại vị trí cụ thể như giếng trời, cầu thang (lưu thông khí chiều đứng) và tiền sảnh, hành lang (dẫn truyền khí chiều ngang dọc) hoặc tại khoảng thông tầng, khoảng mở cửa… Với vai trò cấu trúc giao thông, cầu thang chính là chi tiết vừa dẫn truyền khí theo chiều ngang dọc, lại có thể theo cả chiều xiên, đứng. Bố trí phong thủy đúng chính là đặt để vị trí, cách đi, mở cửa thông gió quanh khu cầu thang… sao cho dẫn truyền khí tốt hơn.

Dung hòa cho cầu thang, từ Ý đến Hình

Lịch sử kiến trúc cho thấy các truyền tụng kiêng kỵ về cầu thang trong phong thủy truyền thống không nhiều, chủ yếu là nói về bậc cấp, hoặc dạng thang lên các tháp cổ, đền chùa. Còn khi nhà lầu xuất hiện, phú quý sinh lễ nghĩa, gán ghép nhiều quan điểm cho cầu thang gắn với tài lộc, vận mệnh… thì nảy sinh đủ thứ kiêng kỵ không đáng có.

Ví dụ như kiêng cầu thang đi thẳng ra cửa, kiêng làm thang xoáy tròn giữa nhà, kiêng cầu thang đi trước bàn thờ, kiêng bậc thang hở thoát tài… Tất cả nếu có lưu tâm về khoa học, công năng, kỹ thuật… kết hợp với triết lý Đông phương về nơi cư ngụ an lành thì hoàn toàn có thể diễn giải phù hợp.

Cụ thể như kiêng kỵ “cầu thang đi thẳng ra cửa là xấu về phong thủy” xuất phát từ trường phái Lý Khí sau này, cho rằng miệng cầu thang là Khí Khẩu, nếu dẫn thẳng ra cửa thì sẽ tán khí, hao tài. Phái Huyền Không cũng xác định cầu thang không được Trực Xung Đối Môn với cửa chính. Có thể hiểu vấn đề này về mặt khoa học khá rõ ràng:

- Nếu nhà chỉ có 1 cầu thang, mà lại nằm về trước, hướng ra cửa, thì đi lại nội bộ ắt bất tiện, mà người lạ bên ngoài lại dễ dàng xâm nhập lên tầng trên, thiếu an ninh. Nhưng nếu nhà chia ra cho thuê, công năng cần chào đón, thu hút khách, hoặc tầng trệt chỉ phụ trợ như để xe, kho… thì làm cầu thang đi ra trước và miệng thang ngay ở cửa ra vào là hợp lý. Kiểu cầu thang này cũng không phải là thang đóng vai trò trục chính đi hết các tầng nhà, hơn nữa cầu thang dạng này còn giúp thoát hiểm tốt hơn là cầu thang chạy lòng vòng ở bên trong. Tất nhiên, trong nhà vẫn phải có một trục cầu thang riêng để dùng cho việc di chuyển nội bộ.

Chọn chất liệu cho ốp lát thang đòi hỏi hiểu biết về quy cách kỹ thuật, độ an toàn, chứ không chỉ quan tâm đến giá cả, vẻ đẹp.

Chọn chất liệu cho ốp lát thang đòi hỏi hiểu biết về quy cách kỹ thuật, độ an toàn, chứ không chỉ quan tâm đến giá cả, vẻ đẹp.

- Trường hợp cầu thang của nhà ở thuần túy (không kinh doanh) mà đã “lỡ” thiết kế theo kiểu đi thẳng ra cửa, thì khắc phục cũng đơn giản: đặt một bình phong hay chậu cây cảnh trước miệng thang để đổi hướng giao thông, hoặc chỉnh phần xây dựng các bậc thang đầu tiên sao cho vài bậc xoay qua để không bị hình ảnh “trôi tuột” ra ngoài gây bất an tâm lý.

- Về mặt thẩm mỹ đi cùng công năng, ngay cả với cầu thang bên trong nhà, cầu thang hình chữ U... cũng cần xử lý vị trí bậc đầu tiên sao cho tạo vị thế bước lên thoải mái, rộng rãi. Nếu miệng thang quá gần sát không gian sinh hoạt thì cần dùng những lam che chắn một cách thẩm mỹ, an toàn cho người lên xuống và người sử dụng.

Mỗi đầu cầu thang đều nên có khoảng lùi nhỏ để làm nơi định hướng, nơi gặp nhau của các luồng người, luồng khí trên dưới ngang dọc. Ngoài ra, còn có thể đặt chậu cảnh hoặc chuông gió tại đầu cầu thang cũng giúp báo hiệu luồng người - luồng khí di chuyển để tránh va chạm.

- Tương tự với chuyện đặt giường ngủ hoặc chỗ làm việc dưới dạ cầu thang thì bất lợi là điều dĩ nhiên, bởi luồng người di chuyển bên trên sẽ gây tiếng động và bụi bặm, nhất là đối với dạng cầu thang có thiết kế hở bậc hay xương cá. Tuy nhiên, tận dụng gầm thang làm tủ kho chứa đồ, làm gọn ghẽ không gian trong nhà thì lại nên khuyến khích, nhất là với điều kiện nhà hẹp, nhà chật, miễn sao sử dụng không bị “đụng đầu” và ẩm thấp tối tăm.

Thời của hình thức, thang cần thức thời

Cùng với thời đại phát triển thông tin, hình ảnh không gian sống được chia sẻ mỗi giây mỗi phút trên toàn cõi mạng, cầu thang cũng không nằm ngoài “phong trào” khoe nhà, khoe mình. Tốt khoe, xấu che là lẽ thường tình, nhưng đừng để các luồng quan điểm sai lệch, mê tín, chạy theo trào lưu vô lối mà quên mất những nguyên lý căn bản luôn cần nắm để làm cầu thang: an toàn, tiện dụng, hợp lý, thẩm mỹ. Cầu thang đóng vai trò đi lại, nhưng cầu thang cũng không thuần túy chỉ để lên xuống, mà còn là điểm nhấn quan trọng về tổ chức không gian và thẩm mỹ cho ngôi nhà.

“Hình nào thì Khí ấy, Khí nào thì Lý ấy” là triết lý phong thủy nhắc về sự tương quan trong không gian, không để Hình bên ngoài át Khí bên trong, không để sự rực rỡ khoa trương bề ngoài làm lu mờ vai trò ổn định, bình an, tiện dụng của các thành phần cấu thành nên không gian sống, trong đó có cầu thang.

Lý thuyết về phong thủy Huyền Không quan niệm cầu thang cần vị trí tọa lạc ở phương sinh hay vượng khí. Điều này về mặt khoa học là hợp lý vì không gian cầu thang là nơi tập trung cũng như phân bố người ra các tầng, nếu đặt ở góc xấu, tối tăm, bất tiện... thì sẽ ảnh hưởng đến công năng và thẩm mỹ toàn nhà. Chất liệu và màu sắc của cầu thang do tính đặc thù (đi lên, xéo, xoáy tròn hay giật bậc…) sẽ vừa tạo ảnh hưởng lại vừa chịu tác động của ánh sáng và kết cấu. Khi đi dần từ thấp lên cao, người “trong” cầu thang và người “ngoài” cầu thang có quan sát, cảm nhận khác nhau.

Yếu tố cân bằng Âm Dương khi dùng màu sắc, chiếu sáng và vật liệu trong khu cầu thang vì vậy thay đổi theo chiều cao, độ thoáng sáng từng nhà, không có khuôn mẫu cố định. Những màu sáng, phản chiếu rõ (mang tính Dương) nên dùng ở vùng dưới thấp, còn màu tối và âm tính hơn sẽ bố trí ở các tầng cao để cân bằng lại với Dương quang mạnh trên cao. Khả năng chuyển tiếp màu theo chiều cao cũng cần lưu ý, tránh những chuyển màu - chuyển vật liệu quá đột ngột hoặc thiếu quy luật, có thể gây nhiễu loạn trường khí buồng thang và tạo ảo giác, mất tập trung cho người di chuyển. Ví dụ tường cầu thang nên bố trí các mảng miếng có tính tương đồng theo độ nghiêng - giật bậc của thang.

Những xử lý ô cầu thang kiểu thô mộc, công nghiệp… đòi hỏi sự tương thich, phù hợp với đối tượng sử dụng, không dễ áp dụng đại trà.

Những xử lý ô cầu thang kiểu thô mộc, công nghiệp… đòi hỏi sự tương thich, phù hợp với đối tượng sử dụng, không dễ áp dụng đại trà.

Phần lan can, tay vịn, chi tiết mặt bậc cũng vậy, nên đồng bộ và dẫn dắt nhẹ nhàng để tạo sự quan sát bình ổn cho người đang di chuyển. Nếu treo tranh trong thang thì chỉ nên treo tại các vị trí có thể đi lại, nhìn ngắm ổn định như chiếu nghỉ, chiếu tới, sảnh tầng… và tranh ảnh mang tính trang trí, hạn chế chi tiết rối mắt, đột biến bất ngờ. Có thể kết hợp với mảng gạch, đá để định vị không gian của tầng, nhờ vậy trục thang trở nên hấp dẫn và tránh sự nhàm chán, trì trệ về dẫn truyền khí.

“Hình nào thì Khí ấy, Khí nào thì Lý ấy” là triết lý phong thủy nhắc về sự tương quan trong không gian, không để Hình bên ngoài át Khí bên trong, không để sự rực rỡ khoa trương bề ngoài làm lu mờ vai trò ổn định, bình an, tiện dụng của các thành phần cấu thành nên không gian sống, trong đó có cầu thang.

Bài: KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cau-thang-tu-y-den-hinh-44648.html