Tư vấn tâm lý: Hãy chủ động tìm đến với học sinh

Ở môi trường học đường, các vấn đề học sinh gặp phải rất đa dạng, nhất là vấn đề về tâm lý. Điều này cho thấy sự cần thiết của công tác tư vấn tâm lý ở trường học.

 Thầy, cô giáo cần quan tâm, tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho các em là việc làm rất quan trọng (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Lê

Thầy, cô giáo cần quan tâm, tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho các em là việc làm rất quan trọng (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Lê

Theo hướng dẫn của Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở các trường phổ thông hiện nay đều có thành lập tổ Tư vấn tâm lý học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý trường học. Trong một buổi hội thảo về “nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường” tổ chức tại Huế vào tháng 7 vừa qua, có ý kiến cho rằng: “Ngày càng có nhiều học sinh gặp phải khó khăn, vướng mắc, căng thẳng tâm lý”; “học sinh ngại đến phòng tư vấn”; “buồn vì học sinh không tìm đến với phòng tư vấn”... vì lo sợ các bạn biết chuyện, hoặc không muốn làm phiền thầy cô. Thậm chí có học sinh và phụ huynh còn che dấu không muốn hợp tác với nhà trường. Có nhiều trường hợp bản thân học sinh mới gặp vấn đề về tâm lý nhưng thầy cô, bạn bè ít quan tâm sẽ không nhận ra, nên dễ dẫn đến các em bị tổn thương bởi những lời nói, hành động của các bạn cùng lớp. Chính vì vậy, việc sàng lọc, tầm soát sức khỏe tinh thần của học sinh ngay từ đầu năm học để chủ động hơn trong việc tư vấn và hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho các em là việc làm rất quan trọng.

Bên cạnh việc sàng lọc, tầm soát sức khỏe tinh thần, trong nhà trường nên có phòng tư vấn tâm lý và đường dây nóng, hộp thư… để khi cần các em có thể trao đổi, chia sẻ và được hỗ trợ kịp thời. Thầy cô làm công tác tư vấn cần thông qua các kênh thông tin trong nhà trường để nắm bắt tình hình sức khỏe tâm lý của học sinh, chủ động tìm đến với các em để tư vấn, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, từ đó ngăn ngừa được những tác động, việc làm và hậu quả tiêu cực xảy ra. Mặc dù rất ít gặp, nhưng vẫn có một vài trường hợp học sinh cần can thiệp chuyên sâu thì nhà trường cùng gia đình phải phối hợp với các chuyên gia, trung tâm tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, cơ sở y tế, cơ quan tư pháp và bảo vệ pháp luật để trị liệu tâm lý, can thiệp, xử lý kịp thời.

Đối với học sinh trung học phổ thông, sự thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi cùng với những tác động của các trang mạng xã hội, đồng thời phải thường xuyên đối mặt với nhiều căng thẳng, áp lực từ việc học tập, từ gia đình, từ các mối quan hệ xã hội khác làm cho các em gặp phải những khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề xảy ra với bản thân, gia tăng nguy cơ gây ra các hệ lụy nguy hiểm. Một trong những hệ lụy nghiêm trọng nhất là việc học sinh tự sát, tự hủy hoại bản thân mình. Bởi vì khi học sinh không được hỗ trợ tâm lý đúng cách và kịp thời, các em có thể dần trở nên khép kín, tách biệt với xã hội, không được chia sẻ, thấu hiểu sẽ dần làm cho các em trở nên bế tắc và tuyệt vọng. Vậy nên, cha mẹ hãy quan tâm đến các con, đặc biệt là các con ở tuổi vị thành niên, thầy cô hãy quan tâm đến học sinh, hãy chủ động tìm đến với các em, đừng để các em khi tìm tới thầy cô thì đã quá muộn.

Trên thực tế, người làm công tác tư vấn tâm lý ngoài những khó khăn khi phải tìm hiểu và tư vấn cho học sinh thuộc về chuyên môn, còn gặp nhiều khó khăn từ rào cản của phong tục, tập quán vùng miền, từ sự thiếu phối hợp của gia đình học sinh. Nhiều nơi phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong tư duy, lối sống của người dân hay một vài bố mẹ không muốn nhà trường, thầy cô biết vấn đề mà con họ gặp phải. Thầy giáo Lê Hồng Quang - giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý học sinh, Trường THCS và THPT Hồng Vân, huyện A Lưới cho biết: “Đối với học sinh người dân tộc thiểu số, các em còn rụt rè, thiếu tự tin, sống khép kín, không muốn bộc lộ suy nghĩ của mình nên việc tìm hiểu và tư vấn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, rào cản về phong tục, tập quán, lối suy nghĩ của người dân tộc cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác tư vấn tâm lý”.

Để công tác tư vấn tâm lý học sinh có hiệu quả thì việc nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan, tổ chức có đủ chức năng, điều kiện can thiệp, hỗ trợ là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý phải có đủ kiến thức, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm và tình yêu dành cho học trò. Cô giáo Nguyễn Thị Quyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ chia sẻ rằng: “Sẽ rất khó khăn cho giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, bởi vì tôi luôn tâm niệm rằng mình không thể cho đi những gì mà bản thân mình không có, nếu mình không có kiến thức, không có kỹ năng thì mình sẽ không thể làm tốt công tác này. Cho nên thầy cô giáo làm công tác tư vấn phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, phương pháp, phải tạo được lòng tin, tình yêu thương của học sinh dành cho mình, khi đó công tác tư vấn tâm lý mới thực sự có hiệu quả”.

Nguyễn Thị Hoa Phượng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tu-van-tam-ly-hay-chu-dong-tim-den-voi-hoc-sinh-146327.html