Tư vấn tâm lý học đường: Còn chậm vào cuộc, còn ân hận nhiều
Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định, trong năm 2023, đẩy mạnh công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Dù đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng ngành giáo dục và các nhà trường không thể chậm trễ.
Chương trình phát thanh do chính các bạn học sinh thực hiện là nội dung mà Nguyễn Phú Hưng, học sinh THPT tại quận Long Biên, Hà Nội mong chờ trong mỗi tiết chào cờ đầu tuần. Đây là nơi mà Hưng và các bạn có thể gửi gắm những tâm tư, chia sẻ giấu tên, khi việc tiếp cận các phòng tham vấn tâm lý vẫn còn khá xa lạ:
"Em nghe thấy rất nhiều các trường khác bên Hà Nội rồi nhưng trường em chưa có phòng như thế. Thời đại 4.0 có khá nhiều xích mích bạn bè, với cả tâm lý bọn em chưa ổn định ở độ tuổi này, nên em nghĩ bất cứ ai cũng sẽ cần. Chuyên gia tâm lý sẽ có cái nhìn bao quát hơn về cả hai phía để có những lời khuyên tốt nhất cho học sinh", Hưng chia sẻ.
Giống như Hưng, nhiều học sinh ở các cấp học cũng lạ lẫm với khái niệm phòng tham vấn tâm lý học đường:
"Em nghĩ là trường em có, nhưng em chưa bao giờ gặp vấn đề về tâm lý nên chưa đến đó sử dụng bao giờ. Em không biết phòng đấy hỗ trợ được gì cho học sinh".
"Phòng tham vấn tâm lý học đường em đã từng nghe rồi, nhưng trường em chưa có phòng đấy. Em nghĩ cũng cần thiết, nhưng em thấy các cán bộ trong những phòng đó bây giờ chưa được sát sao lắm".
Tại Trường THCS Sài Đồng, quận Long Biên, bà Thẩm Thị Lý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đã được nhà trường quan tâm thực hiện, xây dựng phòng tham vấn riêng. Tuy nhiên, nhân sự cho vị trí này là một khó khăn.
"Vì không có giáo viên chuyên biệt nên phải sử dụng giáo viên ở các bộ môn hóa học và sinh học. Cũng có lúc các cô đang có tiết dạy chẳng hạn, việc trả lời không được cập nhật ngay lúc bấy giờ. Để hiệu quả hơn nữa thì cấp trên phải giao chỉ tiêu về mảng tư vấn học đường, việc giải đáp kịp thời và có tính chuyên sâu hơn", bà Lý cho hay.
ThS. Lê Thị Loan, nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục, Học viện quản lý giáo dục cho rằng, vấn đề mấu chốt trong công tác tham vấn học đường hiện nay là không có biên chế cho cán bộ chuyên trách, vị trí mà giáo viên kiêm nghiệm dù làm tốt nhưng cũng không thể thay thế.
"Các trường dùng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên công tác đoàn, tập huấn cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”, nó là một nghề cần phải được học, phải có kỹ năng, kinh nghiệm. Giải quyết được các mối quan hệ giữa học trò với học trò đã là tốt lắm rồi, còn học trò với thầy, ví dụ cách ứng xử của thầy chưa phù hợp thì bây giờ biết nhờ cậy ai? Chuyên gia tâm lý như những người bạn, những người ở giữa “phân xử”, họ có những kỹ năng để giúp các “cư dân” trong học đường giải quyết các vấn đề của họ", ThS. Lê Thị Loan cho biết.
Cũng nhìn nhận con người là yếu tố hàng đầu trong hoạt động tham vấn tâm lý, nhưng TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công nhấn mạnh vào trách nhiệm của nhà quản lý các cấp.
"Có rất nhiều trường đã thành lập các phòng tham vấn tâm lý học đường, tuy nhiên việc khai thác chưa hiệu quả, thậm chí nhiều trường chưa quan tâm, chưa đề cao. Điều quan trọng nhất là phải có pháp chế, thể chế rõ ràng, đưa công tác tham vấn học đường là những hoạt động bắt buộc, cần có biên chế chính thức tính trên số lượng học sinh. Ngay cả một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc trước đây có tỷ lệ trẻ em tự tử rất cao, chính phủ của họ đã phải thay đổi và quan tâm cho tâm lý học đường", TS Vũ Việt Anh nói.
PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, chủ trương thực hiện các phòng tham vấn tâm lý học đường là đúng đắn, nhưng việc thực hiện thiếu tâm huyết hoặc quy trình chưa đúng dẫn đến không hiệu quả ở một số nơi.
Nếu không có nguồn lực vật chất đầy đủ được đề cập trong kế hoạch tài chính của nhà trường thì rất khó để duy trì liên tục. Nhiều trường lại lấy phòng tham vấn tâm lý sử dụng cho mục đích khác, không gian không còn đảm bảo tính bí mật, không đem đến cảm giác an toàn cho học sinh, khiến nhiều em ác cảm với phòng tham vấn như là nơi tra hỏi, xử phạt hay chữa bệnh.
Để khắc phục những bất cập hiện nay, PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng: "Ngành giáo dục và đào tạo cũng đã có báo cáo đánh giá hiệu quả chủ trương xây dựng các phòng tham vấn tâm lý học đường, tuy nhiên kết quả chưa được công bố chính thức, chúng ta có thể chưa trung thực với chính bản thân khi nhìn nhận thực trạng để kịp thời đưa ra giải pháp. Bây giờ chúng ta cần áp dụng khoa học triển khai từ một chính sách, chủ trương trên mô hình lý thuyết vào thực tế từng địa phương sẽ gặp khó khăn, vướng mắc gì, sau đó có quyết tâm để giải quyết các điểm nghẽn đấy".
Thông tư 31 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức đưa công tác tư vấn tâm lý đi vào trường học. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, hoạt động này chỉ mang tính hình thức, chưa hiệu quả ở nhiều nơi.
Trong bối cảnh bạo lực học đường vẫn nhức nhối, tỷ lệ học sinh trầm cảm, tự tử ở mức báo động thì ngành giáo dục, nhà trường và các địa phương cần có những “bước đi” cụ thể, ngay lập tức, thay vì nói mãi về những khó khăn hay nuối tiếc về sự chậm trễ.
Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: "Không thể tiếp tục chần chừ”.
Khoảng 14-18% học sinh từng có ý định tự tử, 10-16% học sinh thường cảm thấy cô đơn, 16% học sinh nam và 28% học sinh nữ rối loạn lo âu. Đó là những con số “biết nói” về sự cấp thiết triển khai hoạt động tham vấn tâm lý học đường, trong bối cảnh học sinh ngày nay không chỉ chịu áp lực, căng thẳng về học tập, định hướng tương lai, mà còn bị bủa vây bởi các vấn nạn bạo lực học đường cũ và tệ nạn xã hội mới, những nội dung xấu, độc gần như không được kiểm soát trên Internet, hay thông tin cá nhân, hình ảnh riêng tư bị lộ, lọt tràn lan,…
Những áp lực ấy đè nặng lên lứa tuổi chưa phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý và chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng xử lý. Vậy khi bế tắc, các em sẽ tìm đến ai để nhờ cậy? Thầy cô và cha mẹ ít khi là sự lựa chọn, bởi những mối quan hệ, tình bạn, tình yêu,… không dễ dàng chia sẻ với người thường đưa ra lời khuyên, yêu cầu mang tính áp đặt.
Các phòng tham vấn tâm lý ở trường học cũng không nhiều, khi nhiều học sinh chưa từng nghe tới khái niệm, không biết trường mình có hay không, hoặc nếu có thì vẫn chỉ là các giáo viên kiêm nghiệm, chưa đem lại cho các em niềm tin về khả năng giải quyết vấn đề.
Khó khăn, rào cản trong việc triển khai hoạt động tham vấn tâm lý học đường đã được đề cập từ lâu, đó là sự thiếu thốn về điều kiện vật chất, cơ chế tuyển dụng và lương chi trả cho cán bộ chuyên trách. Nhưng có lẽ rào cản lớn nhất là sự lúng túng, ngại thay đổi mô hình, ngại học tập, ngại thích nghi… của chính đội ngũ quản lý. Bởi với nhiều trường coi trọng hoạt động tư vấn tâm lý, hiệu trưởng và các giáo viên đủ tâm huyết (dù chỉ làm công việc kiêm nghiệm), thì việc nắm bắt diễn biến tâm lý học sinh vẫn được thực hiện tốt, kịp thời phát hiện, ngăn chặn bạo lực học đường hay các trường hợp rối loạn lo âu.
Do vậy, để hoạt động tham vấn tâm lý học đường đạt hiệu quả thực chất, trước hết cần thay đổi tư duy nhà quản lý. Muốn vậy, ngành giáo dục các cấp cần thường xuyên kiểm tra hoạt động của từng nhà trường, coi tham vấn tâm lý như một tiêu chí đánh giá khen thưởng - kỷ luật quan trọng như các kết quả chuyên môn khác.
Những báo cáo, tổng kết cần được cụ thể hóa bằng số liệu cụ thể thay vì những cụm từ chung chung theo kiểu “đã đạt những kết quả tích cực”, không thể nhìn nhận đúng thực tế để có giải pháp phù hợp.
Khi tư duy của người đứng đầu thay đổi thì các trường hoàn toàn có thể tạm khắc phục những khó khăn trước mắt. Như vấn đề nhân sự là việc lựa chọn những giáo viên có năng lực và tâm huyết tham gia hoạt động tham vấn tâm lý, đi kèm những chính sách đãi ngộ phù hợp để họ gắn bó, có trách nhiệm với công việc. Mô hình cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng trường khi có hoạt động trên thực tế, để từ đó thực sự thu hút học sinh, dỡ bỏ tâm lý e ngại và cởi mở chia sẻ các vấn đề bản thân gặp phải.
Về lâu dài, ngành giáo dục cần có cơ sở pháp lý liên quan, trong đó, các nội dung cấp bách gồm: cơ chế định biên cho nhân sự thực hiện, mô hình hoạt động, quy chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp cùng với mã ngành nghề - những yêu cầu mang tính định hướng và thực thi trong thực tiễn.
Ngoài ra, việc nâng cao và phát triển hơn nữa lĩnh vực tâm lý học đường cần bắt đầu từ công tác đào tạo. Chỉ khi đào tạo được nguồn nhân lực mạnh thì mới đảm bảo chuyên sâu về nghề nghiệp và thực hành hiệu quả hơn.
Bạo lực, rối loạn lo âu là điều khó tránh khỏi trong môi trường học đường, nhưng những hậu quả đau lòng sẽ không xảy ra với các em nếu có sự quan tâm, phát hiện và xử lý kịp thời của người lớn. Trong đó, tham vấn tâm lý học đường là việc không thể tiếp tục chậm trễ, cần đẩy mạnh để sẽ giúp học sinh có thêm “người bạn” thông thái, đủ khả năng giải quyết nhiều vấn đề, người đồng hành dẫn đường đi đúng đắn thay vì mắc kẹt trong “ngọ cụt” không tìm được lối thoát./.