Từ việc không yêu cầu nộp giấy tờ đã tích hợp trên VNeID: Cần phân biệt công chứng và chứng thực
Theo chuyên gia, chứng thực khác với công chứng nên việc không yêu cầu nộp giấy tờ chứng thực vì đã tích hợp trên VNeID không đồng nghĩa với việc bỏ hoạt động công chứng.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 171 kết luận Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06.
Theo Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị trong tháng 4-2025, các cơ quan liên quan phải hoàn chỉnh việc điều chỉnh quy trình nghiệp vụ, cho phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử (trên ứng dụng VNeID-PV) tương đương với giấy tờ truyền thống khi thực hiện các thủ tục hành chính, không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, phải sao y, công chứng.
Đây là một tin vui đối với người dân, bởi lâu nay trong nhiều loại thủ tục hành chính, khi muốn sử dụng giấy tờ (như căn cước, giấy khai sinh...) thì người dân phải cung cấp bản sao đã được chứng thực.
Dù vậy, phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, nhiều bạn đọc cho biết khi theo dõi mạng xã hội, họ nhận được thông tin rằng không chỉ bỏ việc phải nộp giấy tờ đã chứng thực với một số loại đã tích hợp trên VNeID mà sắp tới đây sẽ không còn hoạt động công chứng nữa, văn bản giấy tờ không cần công chứng vẫn có hiệu lực. Vậy phải chăng sắp tới mua bán đất không cần công chứng?

Người dân làm thủ tục tại Phòng Công chứng số 4, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Công chứng, chứng thực là hai hoạt động khác nhau
Để làm rõ vấn đề bạn đọc nêu, PLO đã có những trao đổi với Công chứng viên Ninh Thị Hiền (Trưởng VPCC Ninh Thị Hiền).
Bà Hiền cho biết, với chỉ đạo của Thủ tướng, sắp tới đây ai đã tích hợp giấy tờ trên tài khoản định danh điện tử thì khi thực hiện thủ tục hành chính sẽ bớt được công đoạn chứng thực bản sao từ bản chính những giấy tờ này.
Tuy nhiên, người dân cần lưu ý công chứng và chứng thực là hai hoạt động khác nhau. Hiện nay, hoạt động công chứng vẫn đang được thực hiện theo quy định tại Luật Công chứng 2014 và kể từ ngày 1-7-2025 thì sẽ thực hiện theo Luật Công chứng 2024.
Cụ thể, theo luật này, công chứng là dịch vụ công do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng được nhà nước ủy nhiệm để chứng nhận tính xác thực (ý chí của chủ thể tham gia giao dịch, tài sản bất động sản, động sản...), tính hợp pháp của giao dịch (nội dung của hợp đồng hoặc hành vi pháp lý) mà luật quy định phải công chứng, luật giao Chính phủ quy định phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Đơn cử, theo quy định tại Luật Đất đai 2024, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cá nhân với cá nhân bắt buộc phải thực hiện công chứng. Khi đó, công chứng viên sẽ chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng như là quyền sử dụng đất đó có đủ điều kiện chuyển nhượng hay không, nội dung hợp đồng của trái với pháp luật hay không...
Trong khi đó, chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (như: UBND cấp xã, Công chứng viên...) căn cứ vào bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

Công chứng viên Ninh Thị Hiền. Ảnh: NVCC
Bà Hiền lấy ví dụ, người dân phô tô một bản căn cước và khi có yêu cầu, UBND xã hoặc công chứng viên sẽ dựa trên căn cước gốc để xác định bản sao (bản mà người dân đã phô tô) là đúng với bản chính. Khi đó người dân có thể sử dụng bản sao đã chứng thực này để nộp theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức.
"Như vậy, có sự khác nhau giữa công chứng và chứng thực bản sao từ bản chính, hai hoạt động này không phải là một. Do đó, với những hợp đồng, giao dịch theo quy định phải công chứng thì người dân vẫn phải thực hiện để đảm bảo chúng có hiệu lực", Công chứng viên Ninh Thị Hiền khẳng định.

Nhu cầu chứng thực sẽ giảm khi cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn thiện
Cũng theo bà Hiền, trong trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao và không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức trong thủ tục xử lý hồ sơ yêu cầu người nộp hồ sơ nộp bản sao có chứng thực và không yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, do các cơ quan này không tổ chức được người đối chiếu để xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
Bà Hiền đánh giá, khi các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bất động sản, hộ tịch... hoàn thiện, việc xác minh kiểm tra tính chính xác giấy tờ sẽ dễ dàng hơn và nhu cầu chứng thực sẽ giảm.
"Khi xã hội ngày càng phát triển thì các mối quan hệ pháp luật ngày càng đa dạng. Hoạt động công chứng không đơn thuần là quan hệ hành chính mệnh lệnh mà là công cụ hiệu quả giúp các bên tham gia giao dịch nhận diện được sự đúng đắn quy định của pháp luật; có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Từ đây giảm thiểu rủi ro và phòng ngừa tranh chấp, góp phần ổn định trật tự xã hội", bà Hiền nói.
6 chức năng chính của hoạt động công chứng
Thứ nhất, công chứng là dịch vụ công do nhà nước tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, hành vi pháp lý về chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thừa kế, thế chấp bất động sản; góp vốn bằng quyền sử đất, góp quyền sử dụng đất; hợp đồng hợp tác... nhằm phòng ngừa tranh chấp và góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ hai, sản phẩm của công chứng là văn bản công chứng, là chứng cứ, công cụ để người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng tài sản của mình. Văn bản công chứng là phương tiện chứa đựng ý chí, lời tuyên bố của các bên tham gia giao dịch trước bên thứ ba được nhà nước ủy nhiệm.
Thứ ba, công chứng là thể chế trung gian giữa nhà nước và người dân trong việc hướng dẫn, giải thích pháp luật liên quan đến hợp đồng, hành vi pháp lý để đảm bảo cho các giao dịch được xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt đúng với nội dung và hình thức giao dịch theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, công chứng là thể chế gìn giữ niềm tin cho xã hội. Khi tham gia giao dịch công khai trước bên thứ ba, các bên kìm chế hành vi bất hợp pháp, cẩn trọng các lời hứa. Lời hứa của các bên trong văn bản công chứng được pháp luật bảo vệ có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, là cơ sở để các bên tham gia giao dịch đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục liên quan đến giao dịch đã được công chứng.
Thứ năm, Liên Minh công chứng quốc tế (UINL) là tổ chức Quốc tế gồm có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam thành viên của tổ chức này từ năm 2013. Luật Công chứng của Việt Nam đã phần nào tiệm cận với các Nguyên tắc cơ bản của Hệ thống công chứng Latin. Văn bản công chứng của Việt Nam đã được hầu hết các quốc gia trong và ngoài Liên minh thừa nhận và có hiệu lực trên phạm vi toàn thế giới.
Thứ sáu, Luật Công chứng 2024 (có hiệu lực từ 1-7-2025) đã xây dựng cơ sở pháp lý về công chứng điện tử để đáp ứng về chuyển đối số của nền hành chính công. Bộ Tư pháp đang có những bước triển khai phù hợp về công chứng điện tử nhằm đáp ứng các giao dịch điện tử trong nền kinh tế số cũng như nâng cao, hiện đại hóa vai trò quản lý nhà nước về công chứng.
Công chứng viên NINH THỊ HIỀN