Từ việc nữ điều dưỡng cứu trẻ sặc sữa, nghĩ về kỹ năng sơ cứu trong cộng đồng

Thực tế cho thấy, nếu người bị nạn được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách có nhiều khả năng giữ được tính mạng, hoặc ngăn không cho tình trạng tổn thương xấu đi.

Những ngày qua, đoạn camera ghi lại cảnh nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo (ở Hải Phòng) cứu một bé sơ sinh bị sặc sữa, ngừng thở được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người cảm kích.

Trong đoạn clip, nữ điều dưỡng vừa thực hiện các thao tác cấp cứu vừa liên tục nói với đứa trẻ: "Cố lên, cố lên, cố lên con…".

Trong khi thực hiện các động tác sơ cứu, nữ điều dưỡng cũng trấn an người mẹ bên cạnh hãy ngừng khóc: "Chị đang cố gắng hết sức đây, chị là y tá nhi. Em đừng có khóc nữa để cho chị bình tĩnh. Đánh mạnh vào chân con đi cho con có phản xạ khóc đi xem nào".

Cách xử lý tình huống kịp thời, nhanh chóng của nữ điều dưỡng nhận được vô số lời khen từ cộng đồng mạng.

Hình ảnh nữ điều dưỡng sơ cứu trẻ sặc sữa được camera ghi lại (Ảnh chụp màn hình)

Hình ảnh nữ điều dưỡng sơ cứu trẻ sặc sữa được camera ghi lại (Ảnh chụp màn hình)

Từ thông tin chia sẻ của bố bệnh nhi cho biết, vào tối hôm xảy ra sự việc cháu bé bị sặc sữa, gia đình không biết cách sơ cứu nên khi thấy con có biểu hiện ngưng thở, tím tái đã vô cùng hoảng loạn, chỉ biết bế con chạy xuống nhà gọi xe để đưa đi cấp cứu. Thật may mắn cho gia đình khi "đúng lúc" gặp "đúng người".

Nếu không phải là người được đào tạo về sơ cứu như điều dưỡng Thảo, một người dân bình thường ở Việt Nam khó có thể thuần thục những kỹ năng cơ bản và sẽ không đủ sức lực, sự bình tĩnh, tự tin để sơ cứu cháu bé một cách nhanh gọn, chính xác như vậy.

Điều này cũng đang là nghịch lý, là lỗ hổng lớn về y tế ở Việt Nam khi kiến thức sơ cứu trong cộng đồng gần như bằng không.

Cấp cứu y tế bao gồm cấp cứu ngoại viện và cấp cứu nội viện. Cấp cứu trong bệnh viện là chuyện nội bộ của mỗi bệnh viện. Nhưng cấp cứu ngoại viện - hoạt động sơ cấp cứu ở bên ngoài trước khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện, giao cho bác sĩ - là chuyện của toàn xã hội, của mỗi người dân, của cả hệ thống 115 trên cả nước. Những yếu kém trong cấp cứu ngoại viện sẽ khiến sự an toàn, cơ hội sống của không ít người bị tước bỏ.

Những kỹ năng sơ cứu cơ bản như cầm máu, nẹp chân, hô hấp nhân tạo, thậm chí vài cái ấn tay vào lồng ngực cũng có thể cứu sống được một mạng người chỉ trong tích tắc. Nhưng người dân vẫn có xu hướng cho rằng, những kỹ năng này là công việc của nhân viên y tế.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều vụ tai nạn đuối nước, đột quỵ, điện giật, bỏng… rất nhiều trường hợp chỉ vì thiếu các kỹ năng sơ cứu mà để lại hậu quả nghiêm trọng.

Ngược lại, những trường hợp được sơ cứu kịp thời nên nạn nhân đã thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" trong gang tấc. Đơn cử như trường hợp một du khách Ấn Độ đến du lịch ở Đà Nẵng bất ngờ bị ngất xỉu, ngã xuống đất, ngừng tim, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ, đã lập tức được nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu tại chỗ một cách chuyên nghiệp, đã giúp du khách qua cơn nguy kịch.

Điều này cho thấy, kỹ năng sơ cứu ban đầu cần thiết như thế nào, nếu thêm nhiều người dân được trang bị các kỹ năng sơ cứu, cấp cứu tại chỗ thì cơ hội sống của người thân, của đồng nghiệp của họ sẽ tăng lên và ít để lại di chứng nhất.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn thương tích đang là một vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu, chiếm 16% gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), số người bị thương tích trung bình mỗi năm là gần 1.150.000 trường hợp, trong đó khoảng 300.000 trường hợp là trẻ em và vị thành niên từ 0 - dưới 18 tuổi. Số người tử vong vì thương tích trung bình là 33.500 người mỗi năm.

Đáng nói, nếu người bị nạn được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách có nhiều khả năng giữ được tính mạng, hoặc ngăn không cho tình trạng tổn thương hoặc bệnh lý diễn biến xấu đi, góp phần thúc đẩy quá trình lành bệnh, hồi phục.

Nếu mọi người, mọi cộng đồng, tổ chức, cơ quan, đơn vị đều được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu và những trang thiết bị sơ cấp cứu cơ bản thì hoàn toàn có thể chủ động thực hiện sơ cấp cứu cho chính mình hoặc những người xung quanh trong các trường hợp rủi ro không mong muốn trước khi có sự xuất hiện của các nhân viên y tế hoặc trước khi người bị nạn được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

Hiện nay, một số cơ quan, doanh nghiệp, trường học... tự bỏ tiền mời chuyên gia, tổ chức lớp học các kỹ năng sơ cứu ban đầu, là một tín hiệu mừng trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện.

Kiến thức sơ cứu không khó, khó nhất là xác định đây là phần việc nghiêm túc, một kỹ năng phải có để cứu mình, cứu người thân và hỗ trợ cộng đồng.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-viec-nu-dieu-duong-cuu-tre-sac-sua-nghi-ve-ky-nang-so-cuu-trong-cong-dong-332012.html