Bạn có biết nếu kết hợp các thuốc này với nhau sẽ nguy hiểm tính mạng?

Nhiều người dùng thuốc thường chăm chăm vào tác dụng chữa bệnh mà không để ý tới những tác dụng phụ cũng như các tương tác thuốc… dẫn tới nguy hiểm.

Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý một lúc nên việc dùng nhiều loại thuốc là khó tránh khỏi. Do đó nguy cơ gặp tác dụng phụ và tương tác bất lợi của thuốc cũng cao hơn. Nhiều người cũng không biết về các tác dụng phụ khi kết hợp thuốc với các loại thuốc điều trị phổ biến như tăng huyết áp, các vấn đề về tim, kiểm soát lượng đường trong máu… Sự kết hợp này có thể gây tác dụng phụ hay tương tác thuốc nguy hiểm có khả năng đe dọa tính mạng.

Dưới đây là một số kết hợp thuốc cần lưu ý:

1. Kết hợp thuốc lợi tiểu + thuốc trị đái tháo đường

Kết hợp thuốc lợi tiểu furosemid/indapamide và thuốc trị đái tháo đường metformin có thể gây mất nước nghiêm trọng và huyết áp thấp.

Furosemide hoặc indapamide dùng cho các bệnh tim như suy tim hoặc huyết áp cao. Một số người cao tuổi dùng một trong những loại thuốc này thấy đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, có thể nhanh chóng rơi vào trạng thái huyết áp rất thấp và điều này sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ té ngã. Bên cạnh đó, nguy cơ té ngã của một người tăng lên khi bước vào độ tuổi 70 trở lên.

Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý một lúc nên việc dùng nhiều loại thuốc là khó tránh khỏi.

Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý một lúc nên việc dùng nhiều loại thuốc là khó tránh khỏi.

Thuốc metformin điều trị bệnh tiểu đường loại 2 cũng có thể gây ra tình trạng gọi là nhiễm toan lactic trong trường hợp bệnh nhân bị mất nước, có thể khiến họ cảm thấy kiệt sức, yếu ớt, cảm giác nóng rát ở cơ, cũng như buồn nôn và chuột rút.

Khi kết hợp cả hai loại thuốc này với nhau (uống cùng nhau) sẽ có nguy cơ cao hơn nếu bị mất nước, khiến họ có nguy cơ bị ngã cao hơn. Do đó, đòi hỏi bệnh nhân phải duy trì lượng nước uống vào ổn định khi dùng các loại thuốc này.

2. Thuốc trị dị ứng + thuốc an thần

Thuốc kháng histamin (trị dị ứng) kết hợp với thuốc an thần hoặc benzodiazepin có thể gây buồn ngủ nguy hiểm và tăng nguy cơ tai nạn (té ngã).

Các thuốc kháng histamin rất hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng, dị ứng theo mùa… nhưng chúng được biết là gây buồn ngủ (một số loại trong nhóm lại gây buồn ngủ hơn những loại khác).

Các thuốc benzodiazepin như temazepam, loprazolam, lormetazepam, diazepam và nitrazepam, thường được kê đơn để giảm lo âu, lo lắng, giúp thư giãn, bình tĩnh và an thần… Tất cả đều có tác dụng phụ tiềm ẩn là buồn ngủ và lú lẫn.

Do đó, việc dùng thuốc kháng histamine kết hợp với các loại thuốc này sẽ làm tăng tác dụng an thần của thuốc, gây buồn ngủ, tăng nguy cơ té ngã và các tai nạn liên quan đến sự cần tỉnh táo.

Bệnh nhân cũng nên cẩn thận khi lái xe trong khi dùng nhiều loại thuốc có tác dụng an thần, vì tác dụng này có thể rất nguy hiểm.

Dùng cùng lúc thuốc trị dị ứng + thuốc an thần làm tăng nguy cơ té ngã.

Dùng cùng lúc thuốc trị dị ứng + thuốc an thần làm tăng nguy cơ té ngã.

3. Thuốc thông mũi dạng uống + thuốc chống trầm cảm

Thuốc thông mũi dạng uống (pseudoephedrine) khi kết hợp với thuốc chống trầm cảm có thể gây kích ứng, phản ứng chậm và lú lẫn. Thuốc chống trầm cảm được sử dụng rất phổ biến, cũng có thể tương tác với các loại thuốc không kê đơn thông thường và có khả năng gây ra những hậu quả nguy hiểm.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) như fluoxetine, citalopram (cipramil), escitalopram (cipralex), paroxetine (seroxat) và sertraline (lustral)… được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm và lo âu, cũng có thể gây buồn ngủ, lú lẫn và làm chậm phản ứng.

Một loại thuốc khác có trong các sản phẩm trị cảm lạnh và cúm sẽ tương tác với một số thuốc chống trầm cảm. Ví dụ, dùng thuốc chống trầm cảm SSRI chọn lọc và thuốc thông mũi dạng uống (như pseudoephedrine hoặc phenylephrine) có thể gây cáu kỉnh, mất ngủ và ảnh hưởng đến huyết áp với các biểu hiện (lạ) như hành vi bất thường, gây lo lắng cho cá nhân và những người xung quanh.

Những bệnh nhân này đột nhiên bị lú lẫn do thuốc có thể trở nên cáu kỉnh bất thường và thậm chí hung hăng. Họ có thể có những thay đổi về tính cách, nói lan man và dễ mất tập trung khi trò chuyện…

Do đó, người bệnh (đặc biệt là người mắc bênh mạn tính, cao tuổi) không nên tự ý dùng thuốc và phối hợp thuốc. Khi dùng thuốc, điều quan trọng cần nắm được các nguy cơ (tác dụng phụ, tương tác thuốc) có thể xảy ra cho người dùng, để chủ động phòng ngừa và ứng phó thích hợp.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Cảnh giác 5 loại trà thảo dược có thể tương tác với thuốc điều trị | SKĐS

DS. Nguyễn Hải Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ban-co-biet-neu-ket-hop-cac-thuoc-nay-voi-nhau-co-the-gay-nguy-hiem-tinh-mang-16924080823183582.htm