Tự viết cuốn sách trong thời đại 4.0 liệu có khó?

Trong giới làm sách hiện nay nổi lên phong trào tự xuất bản sách để phục vụ nhu cầu riêng, tuy nhiên, các tác giả tự thân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Talkshow Hành trình viết sách - Từ ý tưởng tới hiện thực vừa được Alpha Books tổ chức tại Đường sách 19/12 thu hút nhiều cây viết đã, đang cho ra đời đứa con tinh thần của mình.

Tham dự talkshow là những tác giả đã sở hữu cuốn sách riêng của mình: Andreas Stoffers - tác giả cuốn Refresh-20 ngày làm mới bản thân, Hồng Duyên - tác giả cuốn Quản trị nhân sự thời genZ và Phùng Thái Học - tác giả cuốn Hơi thở con sen.

Các diễn giả tại buổi talkshow.

Các diễn giả tại buổi talkshow.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books cho biết, trong giới làm sách hiện nay nổi lên phong trào tự xuất bản sách để phục vụ nhu cầu riêng. Xu hướng này tạo cơ hội cho các cá nhân không chuyên được làm sách. Tuy nhiên, các tác giả tự thân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Bình cho rằng, nhiều tác giả sách bán chạy hiện nay không phải là các tác giả chuyên nghiệp theo quan niệm truyền thống mà còn là những chuyên gia kinh tế, doanh nhân, bác sĩ, nhân viên văn phòng, sinh viên. Gia nhập ngành công nghiệp xuất bản chưa bao giờ là một điều dễ dàng khi thị trường ngày càng có tính cạnh tranh cao.

Nói về những ý tưởng bắt đầu viết một cuốn sách, anh Phùng Thái Học cho biết, khó khăn lớn nhất chính là tìm ra được dàn ý. Tổng thời gian viết chỉ mười mấy ngày thôi, nhưng làm dàn ý phải gần 2 năm.

Phùng Thái Học - tác giả của cuốn sách "Hơi thở con sen".

Phùng Thái Học - tác giả của cuốn sách "Hơi thở con sen".

"Trước khi viết tôi nghĩ rằng nó sẽ rất đơn giản, nhưng khi thực sự bắt tay vào làm mới thấy nó quá khác biệt. Với kinh nghiệm đi đào tạo về content, tưởng chỉ cần viết ra những tích lũy đó là xong. Nhưng không, viết những kinh nghiệm mình có được thành sách thực sự là quá trình cần phải chau chuốt, từng câu từng chữ", tác giả của cuốn sách Hơi thở con sen chia sẻ.

Thế nhưng, khi cuốn sách được ra đời, cảm giác đầu tiên của tác giả Phùng Thái Học chính là "nhẹ nợ". Anh cho biết trong thời gian cho ra đời cuốn sách bản thân cũng đã trải qua hết những cảm xúc tự hào, nhiều cảm xúc lẫn lộn, thế nên đến khi cầm cuốn sách trên tay anh cảm thấy cũng trọn vẹn.

“Đôi khi việc viết sách giúp bạn sống chậm lại, bởi vì khi viết sách, bạn sẽ phải đọc nhiều hơn, nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn, và tất cả sẽ giúp bạn hiểu biết kiến thức và hoàn thiện chính mình hơn”, anh Học nói.

Anh Học cũng nhận định, hiện thị trường có nhiều trend và chủ đề hot để viết. Theo anh có hai hướng viết sách: tích lũy câu chuyện (di sản mang tính cá nhân) và làm sách theo mối quan tâm của độc giả (theo hướng thời đại), và chúng ta có thể lựa chọn cả hai hướng, miễn nó phù hợp với khả năng của bản thân.

Hồng Duyên - tác giả cuốn "Quản trị nhân sự thời genZ".

Hồng Duyên - tác giả cuốn "Quản trị nhân sự thời genZ".

Với tác giả cuốn Quản trị nhân sự thời genZ, để ra một cuốn sách ngay từ khâu bản thảo, khó khăn đã xuất hiện. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chị nằm ở khâu cuối - khâu xuất bản sách.

Theo chị, sau khi hoàn thiện phần viết sách, đây là lúc tác giả cần đến sự hỗ trợ rất lớn của nhà xuất bản, từ việc biên tập cuốn sách đến việc in và phát hành sách.

Còn với anh Andreas Stoffers, một trong những khó khăn là ngôn ngữ bởi anh là người Đức. “Mặc dù tôi đã nói tiếng Việt khá ổn, nhưng viết sách là một chuyện hoàn toàn khác”, tác giả cuốn Refresh-20 ngày làm mới bản thân nói.

Andreas Stoffers - tác giả cuốn "Refresh-20 ngày làm mới bản thân".

Andreas Stoffers - tác giả cuốn "Refresh-20 ngày làm mới bản thân".

Nhưng rồi mọi khó khăn đã đều được giải quyết khi anh tìm được bạn đồng hành để hỗ trợ mình. Anh Andreas cho biết: “Alpha Books có tư vấn cho tôi dịch vụ chấp bút, và tôi thấy dịch vụ này rất hay, nhất là với người nước ngoài như tôi. Tôi cũng may mắn khi đã có sự đồng hành của người vợ yêu quý.

Sau khi hai vợ chồng xong phần bản thảo, ban biên tập của Alpha Books đã giúp đỡ chúng tôi chỉnh sửa rất nhiều. Tôi sống ở Việt Nam lâu năm và đã có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người trẻ ở Việt Nam, tôi muốn chia sẻ hành trình của chính mình để truyền cảm hứng cho các bạn”, Andreas Stoffers chia sẻ.

Andreas chia sẻ vui và tự hào khi cầm trên tay cuốn sách của riêng mình, anh đã cố gắng sử dụng nhiều ví dụ Việt để phù hợp với văn hóa Việt Nam. “Tôi nghĩ mình phải bắt đầu viết ngay từ bây giờ, vì nếu không phải bây giờ thì là không bao giờ", anh nói.

Tại buổi talkshow, ba tác giả đều có những những lời nhắn nhủ đến những cá nhân cũng muốn xuất bản cuốn sách của riêng mình nhưng còn đang gặp khó khăn trở ngại hoặc tâm lý chưa sẵn sàng. Mỗi người trong cuộc sống nên có ít nhất một cuốn sách, chỉ cần bạn thấy cuốn sách đó mang lại ý nghĩa lớn lao thì có thể tìm Nhà xuất bản để viết nên cuốn sách cho riêng mình.

“Khi bắt đầu viết, bạn hãy nghĩ về cuốn sách đó trong vòng 5 năm tới sẽ như thế nào”, các tác giả đưa ra lời khuyên.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tu-viet-cuon-sach-trong-thoi-dai-4-0-lieu-co-kho-2101574.html