Tử vong do bệnh không lây nhiễm tăng nhanh, chiếm hơn 80%

Tỉ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 84% tổng số ca tử vong tại Việt Nam, chủ yếu do các bệnh về tim mạch, ung thư, đái tháo đường...

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ tại hội nghị khoa học với chủ đề "Nghiên cứu và ứng dụng trong y học", do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức ngày 23-10, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cảnh báo bệnh không lây nhiễm gia tăng cả số mắc và mức độ nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Nhiên

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cảnh báo bệnh không lây nhiễm gia tăng cả số mắc và mức độ nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Nhiên

Theo ông Thuấn, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về mô hình bệnh tật, đó là bệnh truyền nhiễm mới nổi và bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, tim mạch... Các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng cả về số lượng mắc cũng như mức độ nghiêm trọng. Hiện số người mắc bệnh trong cộng đồng rất lớn.

Do vậy, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các nghiên cứu y sinh cần tập trung vào bệnh dịch, sức khỏe dân số, quản lý bệnh tật và phát triển phương pháp điều trị mới. Bên cạnh đó, ứng dụng tiến bộ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y học.

Ông Thuấn cho biết để đối phó với những thách thức trên, Bộ Y tế đã xây dựng và đang triển khai các chiến lược, kế hoạch, hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn dân. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và Luật Dược sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ được xem xét thông qua.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện Luật BHYT theo hướng đề xuất quỹ BHYT chi trả cho khám sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh phổ biến như: Ung thư vú, ung thư cổ tử cung để giảm tỉ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam bệnh không lây nhiễm là nhóm bệnh tật có tỉ lệ mắc và tử vong cao nhất, cứ 10 người tử vong thì có hơn 8 người mắc bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ước tính, mỗi năm nước ta có khoảng 17 triệu người trưởng thành bị tăng huyết áp; 4,6 triệu người bị bệnh đái tháo đường; 2-6 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và hơn 182.000 ca mắc mới ung thư.

Nguyên nhân là do người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh và chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Tỉ lệ những người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp.

Chuyên gia khuyến cáo nên cập nhật công nghệ hiện đại để quản lý, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm

Chuyên gia khuyến cáo nên cập nhật công nghệ hiện đại để quản lý, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm

Tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết y học dựa bằng chứng ngày càng trở nên phổ biến. Các nghiên cứu trong lĩnh vực y tế đã tiếp cận trình độ khoa học công nghệ của thế giới, góp phần vào phòng chống dịch bệnh, dự phòng, chăm sóc sức khỏe và nâng cao hiệu quả quản lý bệnh nhân.

Hội nghị là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, cán bộ y tế tiếp tục cập nhật kiến thức y khoa, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ nghiên cứu y học đến thực hành ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh tật, nhất là các bệnh không lây nhiễm.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tu-vong-do-benh-khong-lay-nhiem-tang-nhanh-chiem-hon-80-196241023153059362.htm