Tử vong sơ sinh ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao và nhiều thách thức đặt ra

Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn trong giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, có vấn đề thiếu trầm trọng nhân lực.

Mục tiêu giảm 1/3 số trẻ sơ sinh tử vong

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Ước tính của Liên Hợp quốc, năm 2021, cứ 1.000 trẻ sinh ra ở Việt Nam thì có gần 10 trẻ sơ sinh tử vong. Vì thế, mỗi ngày Việt Nam có 39 trẻ sơ sinh tử vong.

Không chỉ tử vong sơ sinh ở mức cao, mà chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9/1.000, dưới 1 tuổi là 12,1/1.000 (nghĩa là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi và 1 tuổi thì lần lượt có khoảng 19 và 12 trẻ tử vong). Trong khi đó, ở nước Đông Nam Á là Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8/1.000. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1-2/1.000.

Việt Nam còn rất xa với chỉ số tử vong trẻ em của các nước, nhất là ở vùng nông thôn, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi cao hơn gấp 2 lần so với thành thị; ở vùng dân tộc thiểu số, chỉ số tử vong trẻ cao gấp khoảng 7 lần so với thành thị.

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam dù đạt nhiều thành tựu song còn nhiều khó khăn.

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam dù đạt nhiều thành tựu song còn nhiều khó khăn.

Theo kết quả của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2019, tỉ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vẫn cao gấp 3 lần so với cả nước, một số nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh. Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 - 49 tuổi mang thai có đến cơ sở y tế khám thai năm 2019 là 88%, tăng 17,1% so với năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ này của phụ nữ Kinh là hơn 99%.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 - 49 tuổi sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ năm 2019 chỉ còn 9,5%, giảm mạnh tới 26,8% so với năm 2015 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với tỷ lệ dưới 0,5% của phụ nữ Kinh. Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 - 49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, tăng tới 22,8% so với năm 2015, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh là trên 99%.

Đáng chú ý là mức chênh lệch giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn lên tới 12,8% (thành thị là 98% và nông thôn là 85,2%). Đồng thời chênh lệch giữa các vùng kinh tế - xã hội cũng khá lớn. Tây Nguyên có tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế là 84,2%, thấp hơn tới 14,2% so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 98,4%.

Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn trong giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, có vấn đề thiếu trầm trọng nhân lực. Cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức rất thiếu và có tới 30% bác sĩ đa khoa đang làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tuyến huyện.

Cùng đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh còn hạn chế ở vùng khó khăn. Công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn, bản gặp khó khăn do không còn được hưởng trợ cấp như trước đây gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Như tại Tuyên Quang, theo tiêu chuẩn cần 250 cô đỡ thôn bản/y tế thôn bản cho 46 xã vùng sâu, vùng xa, nhưng hiện chỉ còn 7 cô đỡ thôn bản còn hoạt động. "Chúng tôi đặt mục tiêu giảm 1/3 số trẻ sơ sinh tử vong nhờ vào các can thiệp tích cực", ông Khoa nói.

Giải pháp can thiệp cụ thể

Dù có nhiều khó khăn song không thể phủ nhận những thành tựu mà ngành y tế đạt được trong nỗ lực giảm tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trong những năm qua. Tỉ suất tử vong mẹ (liên quan tai biến sản khoa) đã giảm sáu lần trong 30 năm qua, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn khoảng 40/100.000 trẻ đẻ sống những năm gần đây. Tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng đã giảm gần bốn lần, từ mức 44‰ xuống còn khoảng 12‰. Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân cũng đã giảm mạnh từ mức 33% năm 2000 xuống còn dưới 11% ở thời điểm hiện tại.

BS Đỗ Thị Lệ Quyên, Phó Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc tuyên truyền về "Làm mẹ an toàn" và "Nuôi con bằng sữa mẹ địa phương còn gặp khó khăn do địa bàn đi lại xa và vất vả, bên cạnh đó trợ cấp cho y tế thôn bản còn ít. Người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ tại các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn do vẫn còn tồn tại những tập tục cổ hủ, lạc hậu như đẻ tại nhà. Hiện, tỷ lệ sinh tại nhà của Tuyên Quang là 0.36 %, chủ yếu ở bà con dân tộc Mông. Năm 2023 có 1 ca chết mẹ, chết trẻ em dưới 5 tuổi cũng ở nhóm dân tộc này.

TS Trần Đăng Khoa cho biết, hiện để giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đang tích cực triển khai các giải pháp can thiệp, đó là chăm sóc bà mẹ trước khi sinh, theo dõi, quản lý thai nghén ít nhất 4 lần. Nếu được khám, quản lý thai sẽ hạn chế được các tai biến, nguy cơ xảy ra trong quá trình mang thai, giúp giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.

Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng phương pháp kangaroo với trẻ nhẹ cân, non tháng nguy cơ mắc nhiều bệnh; tăng cường thực hiện biện pháp chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh thiết yếu, như bú mẹ ngay giờ đầu sau sinh, trẻ có điều kiện nuôi dưỡng tốt, giảm nguy cơ tử vong trong tháng đầu.

Ngoài ra, tăng cường giáo dục dinh dưỡng, tập huấn, đào tạo, chăm sóc dinh dưỡng 1,000 ngày đầu đời. "Đứa trẻ từ trong bụng mẹ được chăm sóc dinh dưỡng tốt, dinh dưỡng tốt trong thai kỳ sẽ giảm nguy cơ ốm yếu, giảm nguy cơ tử vong", lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em khẳng định.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-vong-so-sinh-o-viet-nam-van-con-o-muc-cao-va-nhieu-thach-thuc-dat-ra-169231001095936085.htm