Từ vụ anh shipper bị xử tội tham ô tài sản: Ai là chủ thể của tội này?

Theo quy định của BLHS 2015, xử lý tội phạm tham nhũng (trong đó có tội tham ô tài sản) ở cả khu vực tư nhân, doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Như PLO đã đưa tin, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm lần hai đã tuyên phạt y án ba năm tù về tội tham ô tài sản đối với Bành Tất Hoài (nhân viên giao hàng, shipper) vì có hành vi chiếm đoạt 27,1 triệu đồng tiền hàng của Công ty Cổ phần Giao hàng tiết kiệm - Chi nhánh TP.HCM.

Trong vụ án này tội danh của bị cáo Hoài là vấn đề gây tranh cãi; bởi theo quan điểm của VKS, Hoài phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, bạn đọc lại đặt ra câu hỏi: Một anh nhân viên giao hàng sao lại phạm tội tham ô?

Vậy ai là chủ thể của tội tham ô tài sản?

Từ trước giờ, có lẽ nhiều người cho rằng chỉ những người làm trong các cơ quan đơn vị Nhà nước (cán bộ, công chức...) mới bị xử lý về tội danh này. Điều này có thể hiểu vì quy định tại BLHS năm 1999 (nay đã hết hiệu lực) mới chỉ dừng lại với các hành vi tham nhũng trong khu vực công, mà chưa ghi nhận về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư nhân.

Tuy nhiên hiện nay, theo BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) thì chủ thể của tội phạm về tham nhũng đã mở rộng ra khu vực tư nhân.

Cụ thể, đối với tội tham ô tài sản, khoản 6 Điều 352 BLHS 2015 quy định "Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này".

Bị cáo Bành Tất Hoài tại phiên tòa phúc thẩm. ẢNH: SONG MAI

Bị cáo Bành Tất Hoài tại phiên tòa phúc thẩm. ẢNH: SONG MAI

Trong đó, khoản 2 Điều 352 BLHS 2015 đã nêu rõ người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

"Do một hình thức khác" được HĐTP TAND Tối cao hướng dẫn là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó.

Như vậy, dù ở khu vực tư nhân hay nhà nước, dù là cán bộ hay anh giao hàng thì nếu có hành vi tham ô tài sản, đủ yếu tố cấu thành tội phạm đều sẽ bị xử lý bằng tội tham ô tài sản.

Thực tế xét xử cũng cho thấy rất nhiều vụ án người phạm tội là người lao động ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp và được giao nhiệm vụ quản lý tài sản (nhân viên điểm bán hàng được giao quản lý, chăm sóc khách hàng, quản lý số tiền của khách hàng nộp về sau đó phải chuyển về cho công ty trong 1 khoảng thời gian nhất định…) nhưng có hành vi tham ô, sau đó đều bị xét xử về tội tham ô tài sản.

Đối với trường hợp của shipper Bành Tất Hoài, HĐXX phúc thẩm xác định Hoài là người được Công ty CP Giao hàng tiết kiệm - Chi nhánh TP.HCM tuyển dụng, giao công việc cụ thể là thông qua tài khoản công ty cấp để truy cập ứng dụng giao hàng. Hoài có nhiệm vụ giao hàng cho khách, nhận tiền và nộp về công ty; nếu không giao được phải trả hàng về kho.

Theo HĐXX, trong phạm vi, nhiệm vụ của mình, bị cáo Hoài có quyền thu tiền của khách hàng, trường hợp khách hàng không trả tiền có quyền từ chối khách hàng; bị cáo quản lý số tiền trong thời gian quy định để nộp về công ty.

Do đó, có đủ căn cứ xác định Hoài là người có chức vụ, quyền hạn; lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản mà bị cáo có trách nhiệm quản lý. Hành vi của bị cáo đã cấu thành tội tham ô tài sản.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-vu-anh-shipper-bi-xu-toi-tham-o-tai-san-ai-la-chu-the-cua-toi-nay-post729654.html