Từ vụ bắn pháo sáng trên sân Hàng Đẫy: Đừng để án kỷ luật chỉ như 'bắt cóc bỏ đĩa'!

Chỉ có 'đánh' trực tiếp vào quyền lợi các đội bóng tại giải đấu mà họ tham dự mới là cách làm triệt để nhất để cảnh cáo và hạn chế những sự việc tương tự diễn ra trong tương lai. Những án phạt của bóng đá quốc tế cho thấy rõ điều đó. Thế nhưng những lãnh đạo của bóng đá Việt Nam dường như vẫn còn ngại ngần trong việc đưa ra những mức kỷ luật nặng tay, triệt để.

Nhìn từ thế giới

Ngày 12-4-2005, trận tứ kết Champions League lượt về giữa hai đội bóng thành Milan. Như thường lệ, những chùm pháo sáng tại San Siro xuất hiện như là đặc sản của bóng đá Italia nói chung và trận derby della Madonnina nói riêng. Nhưng lần này, mọi thứ đã đi vượt tầm kiểm soát.

Khi trận đấu trôi qua khoảng 2/3 thời gian, thủ thành Dida của AC Milan nhận nguyên một quả pháo sáng vào vai và đổ gục xuống sân. Đó là đòn trả đũa của các CĐV Inter sau khi trọng tài Markus Merk từ chối một bàn thắng của họ. Sau khi nghiên cứu tình hình, ông Merk quyết định dừng trận đấu ở phút 72 khi tỷ số vẫn đang là 0-0.

Croatia từng gặp “nạn pháo sáng” ở Euro 2016.

Croatia từng gặp “nạn pháo sáng” ở Euro 2016.

Án phạt sau đó UEFA dành cho Inter là nặng nhất tính đến thời điểm ấy. Nerazzurri phải nộp phạt 132.000 bảng, phải thi đấu 4 trận sân nhà không có khán giả và bị xử thua 0-3. Sau đó, Serie A đã siết chặt an ninh trong các sân đấu để hạn chế vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Đó chỉ là một trong những trường hợp mà đội bóng phải chịu trách nhiệm khi không thể đảm bảo an ninh trên các khán đài. Những vụ việc tương tự cũng thường xuyên xảy ra trên khắp thế giới. Ngay tại những giải đấu lớn, chuyện các CĐV ném pháo sáng xuống sân cũng từng xuất hiện.

Ở Euro 2016, trong trận đấu giữa Croatia và CH Czech tại vòng bảng, các CĐV quá khích của Croatia đã ném hơn 10 quả pháo sáng vào sân khiến trọng tài Mark Clattenburg phải cho tạm dừng trận đấu. Sau đó, liên đoàn bóng đá Croatia NHS đã phải nộp phạt 100.000 euro cho UEFA. Sự trừng phạt ấy vẫn còn là may mắn cho Modric và các đồng đội khi kết quả trận đấu được giữ nguyên.

Nhìn ra thế giới để hiểu rằng ngay cả những giải đấu tầm cỡ như Champions League hay Euro, việc bảo đảm an ninh 100% cũng là rất khó khăn. Tuy nhiên với các đội bóng để xảy ra sự cố trên khán đài, án phạt dành cho họ đủ sức để răn đe.

Sau trận Croatia – CH Czech, các lãnh đạo của NHS đã quyết tâm thanh trừng nạn hooligan bằng cách đề nghị phối hợp với chính phủ và các cơ quan chức năng. Đến World Cup 2018, nơi Croatia lọt vào đến trận chung kết, hình ảnh các CĐV của họ đã được cải thiện đáng kể.

Năm 2015, trận đấu giữa Malaysia và Saudi Arabia trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 tạm ngưng giữa chừng vì các CĐV Malaysia ném pháo sáng xuống sân. Ngoài phạt tiền và cấm 1 trận sân nhà, Malaysia bị xử thua 0-3.

Trở lại với Việt Nam, câu hỏi được đặt ra sau sự cố ở sân Hàng Đẫy là liệu án phạt mà CLB Hà Nội phải nhận đã đủ sức nặng để hạn chế hay chấm dứt những hình ảnh xấu xí đã tồn tại ở V.League trong suốt một thời gian dài mà không được giải quyết triệt để.

Những án phạt “hòa cả làng”

CLB Hà Nội nhận án phạt thi đấu 2 trận trên sân nhà không có khán giả, phạt 70 triệu đồng vì để CĐV đốt pháo sáng và 15 triệu đồng vì để CĐV ném đồ vật và chửi bới, Ban kỷ luật VFF cũng phạt 85 triệu đồng với CLB Nam Định, trong đó 70 triệu đồng vì để CĐV có hành vi đốt pháo sáng, 15 triệu đồng vì CĐV có hành vi chửi bởi. CĐV Nam Định cũng không được tới sân khách trong phần còn lại V.League mùa này.

So sánh với án phạt mà Hà Nội và Hải Phòng tại vòng 6 cũng vì sự việc tương tự, hai đội bóng phải nộp phạt 70 triệu đồng, ban đầu Hà Nội bị cấm 1 trận sân nhà nhưng sau đó đã kháng án thành công. Như vậy án phạt lần này có nặng hơn nhưng cũng khó có thể nói rằng nó có đủ sức nặng để các đội bóng phải thay đổi. V.League chỉ còn 4 vòng, Hà Nội cũng chỉ còn đúng 2 trận sân nhà nữa. Ngay cả khoản phạt thêm 15 triệu chẳng bõ bèn lắm với đội bóng Thủ đô.

Cần biết rằng mức phạt 70 triệu đồng đã “kịch khung” cho hành vi đốt pháo sáng trên khán đài. Trong mùa giải này, trận Viettel và Sông Lam Nghệ An tại Hàng Đẫy cũng xuất hiện pháo sáng, nhưng mỗi đội chỉ bị phạt 20 triệu đồng.

Chưa có trường hợp nào một đội bóng bị xử thua hay trừ điểm vì để xảy ra sự cố trên sân. Có lẽ, chỉ án phạt này mới đủ sức làm các CLB phải thật sự nghiêm túc trong việc đảm bảo an ninh trong các trận đấu.

Lấy ví dụ như CLB Hà Nội, chiến thắng 6-1 trước Nam Định giúp họ củng cố vững chắc ngôi đầu bảng với khoảng cách 5 điểm trước CLB TP.HCM. Nếu bị xử thua trong trận đấu tại Hàng Đẫy, Hà Nội sẽ chỉ còn lợi thế 2 điểm khi V.League còn 4 vòng đấu và chắc chắn gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc đua vô địch.

Nếu không sớm có những hành động quyết liệt, sớm thôi, bóng đá Việt sẽ phải hứng chịu những hậu quả khủng khiếp hơn những gì chúng ta đã thấy ở Hàng Đẫy. Giả dụ như việc pháo sáng xuất hiện tại Mỹ Đình trong một trận đấu của ĐTQG và Việt Nam phải nhận án kỷ luật nặng từ AFC, lúc đó có hối hận cũng không còn kịp nữa!

Sức chứa của sân Hàng Đẫy là 15.000 khán giả, trong đó mỗi trận đấu tại V.League thì đông nhất cũng chỉ khoảng 2.000 CĐV đội khách có mặt trên sân. Việc đảm bảo an ninh trên thực tế không đến mức quá khó khăn. Theo lời kể của một số CĐV có mặt tại Hàng Đẫy khi xảy ra sự cố, các nhân viên an ninh cũng không quá gắt gao trong việc kiểm tra những đồ dùng mà khán giả đem vào sân. Lý giải của những người liên quan là có thể pháo sáng được giấu trong người các CĐV nữ nên rất khó phát hiện!

Năm 2017, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) xử phạt VFF 10.000 USD do CĐV VN đốt pháo sáng trên sân quốc gia Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019. Một năm sau, VFF tiếp tục phải nộp khoản tiền phạt 12.500 USD do khán giả Việt Nam đã đốt pháo sáng trong trận bán kết ASIAD 18 giữa Olympic Việt Nam và Olympic Hàn Quốc ngày 29-8. Những tiền lệ này khiến hình ảnh bóng đá Việt Nam trở nên xấu xí và nhiều khả năng sẽ nhận án phạt rất nặng nếu xảy ra sự việc tương tự.

Đơn Ca

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao/tu-vu-ban-phao-sang-tren-san-hang-day-dung-de-an-ky-luat-chi-nhu-bat-coc-bo-dia-561548/