Từ vụ bảo vật quốc gia bán đấu giá ở Pháp, ĐBQH đề xuất cấm xuất khẩu cổ vật

ĐBQH Thích Bảo Nghiêm cho rằng, hoạt động kinh doanh cổ vật đang diễn ra phổ biến nhưng rất khó kiểm soát. Tương tự, ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng lo lắng về việc bảo vật quốc gia bị thất thoát, bị bán ra nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình luật ra Quốc hội

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình luật ra Quốc hội

Chiều 18-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trình ra Quốc hội, luật sửa đổi tập trung vào 3 nhóm chính sách.

Trong đó, dự thảo luật quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, dự luật chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, còn sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đồng thời, dự thảo luật cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài.

Về nội dung này, đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trong cơ quan thẩm tra có ý kiến cho rằng, quy định không được kinh doanh đối với bảo vật quốc gia là giới hạn quyền sở hữu tài sản của công dân theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Hơn nữa, quy định trên cũng chưa bảo đảm tính thống nhất trong nội dung dự thảo luật. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thảo luận tổ

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thảo luận tổ

Thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh vấn đề quản lý bảo vật quốc gia cần được coi trọng để tránh các di sản văn hóa, cổ vật, bảo vật… bị thất thoát, bị bán ra nước ngoài.

Ông dẫn chuyện vừa qua Việt Nam phải mua lại bảo vật quốc gia bị đấu giá ở Pháp, gây dư luận trái chiều.

“Chúng ta coi các loại bảo vật này là có một không hai, nhưng mà nước ngoài bán đấu giá buộc chúng ta phải mua lại với giá cao. Do đó, việc quản lý bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, riêng cần phải quy định rạch ròi, cụ thể để không làm thất thoát, hay lọt ra nước ngoài”- đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm thảo luận tổ

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm thảo luận tổ

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Thích Bảo Nghiêm cũng bày tỏ sự quan tâm đến hoạt động kinh doanh cổ vật đang diễn ra trên thị trường hiện nay. Bởi theo đại biểu, hoạt động kinh doanh di vật, cổ vật đang diễn ra rất phổ biến, nhưng rất khó kiểm soát.

Vì thế, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm mong sớm có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh, dịch vụ di vật, cổ vật. Trong đó, đề nghị dự thảo luật quy định về điều kiện để được tạo ra bản sao di vật, cổ vật và trách nhiệm của người làm các bản sao…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tổ

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tổ

Cũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 18-6, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này có phạm vi tác động lớn, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, vì vậy phải tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa với các luật khác (như Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…).

“Dự thảo Luật cần quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có), đồng thời phát huy tối đa vai trò của chủ sở hữu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-vu-bao-vat-quoc-gia-ban-dau-gia-o-phap-dbqh-de-xuat-cam-xuat-khau-co-vat-post580103.antd