Từ vụ bé gái 6 tuổi tử vong do nghi bị bạo hành: Cha mẹ cần kiểm soát giận dữ để phòng ngừa bạo lực
Ngày 17/9, dư luận bàng hoàng khi biết tin bé gái L.H.A. 6 tuổi ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) tử vong do nghi bị bạo hành. PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng Khoa Các khoa học Giáo dục – Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong thời gian giãn cách, trẻ em chịu nhiều áp lực; các cha mẹ cần kiểm soát sự giận dữ, phát hiện 'điểm sôi cảm xúc' để phòng ngừa bạo lực.
Giãn cách xã hội, trẻ em bị bạo lực gia tăng
Chiều ngày 17/9, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có báo cáo nhanh về việc cháu L.H.A (phường Xuân Đỉnh) bị tử vong. Diễn biến sự việc, khoảng 11 giờ ngày 16/9, cháu L.H.A - Học sinh lớp 1, trường Tiểu học Xuân Đỉnh- bị bố L.T.C đánh. 16 giờ cùng ngày, cháu L.H.A được mẹ cho ăn một bát cháo và uống 1 viên thuốc Paradol. Cháu A. bị nôn nhiều nên gia đình đưa vào Viện Nhi cấp cứu. Bệnh viện xác định cháu A đã tử vong trước khi đưa vào viện và trên người có dấu hiệu bị đánh. Hiện nay, UBND quận Bắc Từ Liêm giao Công an quận phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra xác minh làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vụ việc đáng tiếc xảy ra đối với bé gái 6 tuổi do nghi bị bạo hành, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng trong thời gian giãn cách xã hội, trẻ em có nguy cơ chịu nhiều tác động căng thẳng trong đó có từ chính các thành viên trong gia đình và bạo lực gia đình.
PGS Trần Thành Nam cho biết, đến cuối năm 2020, tỷ lệ căng thẳng về tài chính của các gia đình khi bị giãn cách tăng tới 70% và có nhiều phụ huynh mất khả năng cầm cự vì vậy bạo lực trẻ em cũng tăng lên rất nhiều. Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, quý 1/2021 cho thấy, ¾ số trẻ em tham gia mẫu khảo sát đó đã cho biết đã trải qua ít nhất một hình thức bạo hành, bạo lực trong gia đình. Những khu vực kinh tế khó khăn, trình độ học vấn của cha mẹ thấp hơn thì các em bị bạo lực nhiều hơn. Khảo sát về tỷ lệ tìm kiếm tư vấn trợ giúp các vấn đề bạo lực gia đình ở từng quốc gia, ví dụ như ở Australia, một số nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam tăng lên 75% so với thời gian bình thường.
Các tổ chức bảo vệ trẻ em cũng đã dự báo xu thế này. Đặc biệt là đối với tình hình căng thẳng tài chính và bị giãn cách quá lâu, nếu nhiều hơn 6 tuần là có những vấn đề liên quan đến căng thẳng. Trong giai đoạn này, đứa trẻ cũng có căng thẳng và có hành vi mang tính chất chống đối lại.
Rất cần chương trình giáo dục giúp cha mẹ cân bằng cảm xúc
PGS.TS Trần Thành Nam cũng chỉ ra việc khi bố mẹ căng thẳng, thường có 3 dạng phản ứng: Huy động năng lực để chống lại sự căng thẳng đó; nguy cơ dẫn đến bạo hành con cái có thể do mất kiểm soát hành vi của mình; cha mẹ trở nên bị tê liệt về mặt nhận thức, dự báo tình huống dẫn đến các nguy cơ mất an toàn cho trẻ em.
“Giai đoạn này, cần thiết có những chương trình giáo dục mang tính chất cộng đồngđể giúp cha mẹ cân bằng lại cảm xúc của họ; cũng như để tất cả cộng đồng ý thức được nguy cơ xâm hại và bạo hành trẻ em ở trong giai đoạn này là cực kỳ lớn. Và, hướng dẫn cho cộng đồng nhận diện và phát hiện những biểu hiện nghi ngờ và sau đó báo đến các tổ chức và các đường dây nóng, ví dụ như Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111” – PGS Trần Thành Nam khuyến nghị.
Ông Trần Thành Nam cũng chỉ ra một biện pháp nữa đó là vừa giáo dục đến tận từng gia đình, vừa giáo dục và nâng cao ý thức của các con, hướng dẫn các con tìm kiếm sự trợ giúp. Để thực hiện được việc này, trong thời gian giảng dạy trực tuyến, giáo viên phải tích hợp những nội dung phòng chống bạo lực gia đình (hay còn gọi là nguy cơ xâm hại trẻ em) đến tận từng gia đình. Qua đó, cha mẹ học sinh ý thức được cả những vấn đề của mình và của con để phòng ngừa, đảm bảo an toàn của trẻ cũng như là tránh bạo lực gia đình.
Trước thực tế có những phụ huynh rất bức xúc khi hỗ trợ con học trực tuyến, nhất là đối với trẻ em năm nay vào lớp 1, Trưởng khoa Cáckhoa học Giáo dục Trần Thành Nam đã đưa ra lời khuyên. Theo đó, cha mẹ muốn đồng hành với con cái thì phải khỏe. Có nghĩa, cha mẹ phải biết được những kiến thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung, để đầu tiên chăm sóc cho bản thân và sau đó là chăm sóc cho con.
“Phụ huynh cần biết cập nhật cho mình một số kiến thức làm cha mẹ tích cực ở trong bối cảnh này; ở cách thức kiểm soát sự giận dữ, cách thức phát hiện “điểm sôi cảm xúc” của mình và phải phòng ngừa “điểm sôi cảm xúc” đó bằng cách giữ khoảng cách với con.
Cha mẹ đứng trước hành vi sai của con thì phải ứng xử cho phù hợp bằng cách đi ra một không gian khác, phòng khác. Thậm chí, cha mẹ cắn môi, cắn lưỡi cảm thấy hơi bị đau một chút để xao nhãng cảm xúc tức giận. Và sẽ hiểu rằng sau cảm xúc tức giận đấy nó là cái gì và mình có đang bị mất cân bằng hay không. Nếu trong điều kiện cha mẹ mất cân bằng thì hãy cách ly ra khỏi những người dễ tổn thương như trẻ em để tránh gây ra bạo lực” – PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.