Từ vụ chặn ô tô, đánh người trên Vành đai 2: Chống trả thế nào là phòng vệ chính đáng?
Trước hàng loạt vụ việc người tham gia giao thông bị đối tượng côn đồ hung hãn, đe dọa, hành hung diễn ra thời gian qua, điều khiến nhiều người quan tâm là khi bị tấn công, việc chống trả ở mức độ nào thì được coi là phòng vệ chính đáng?
Sau khi clip vụ việc hai người đàn ông điều khiển xe máy SH tấn công người đi đường trên Vành đai 2 trên cao lan truyền trên mạng xã hội, cơ quan công an đã tạm giữ hình sự hai đối tượng là Trần Văn H (SN 1986, trú tại phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trịnh T (SN 1980, trú tại phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội).
Trước đó, khoảng 16h ngày 25/2, chị A, trú tại Hà Nội điều khiển ô tô đi trên đường Vành đai 2 trên cao hướng từ cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, khi đi đến đoạn phía trên cầu Mai Động, phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội thì bị xe SH màu da cam BKS 29H1 do H điều khiển chở T lạng lách tạt đầu xe ô tô, đập vào xe của chị A rồi chửi bới.
Sau đó, hai người đi xe máy tiếp tục di chuyển trên đường Vành đai 2 trên cao và gây gổ với 2 người đàn ông trong xe ô tô màu trắng, dẫn đến đánh nhau giữa đường.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của 2 người điều khiển xe SH không những vi phạm quy tắc an toàn giao thông đường bộ mà còn gây mất an ninh trật tự, xâm phạm đến tính mạng, tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Hành vi này còn thể hiện sự côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT.
Hành vi của 2 người đi xe ô tô xô xát với 2 người đi xe máy SH là hành vi phòng vệ nhằm ngăn chặn sự côn đồ, hung hãn của 2 đối tượng. Hành vi này sẽ không bị xử lý hình sự nếu có đủ căn cứ khẳng định đó là phòng vệ chính đáng.
Điều 22 BLHS 2015 quy định, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Như vậy, hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện:
Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội; Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;
Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại; Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại...
Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, pháp luật chỉ cho phép công dân phòng vệ, tự vệ khi có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực xảy ra. Việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề phải hết sức thận trọng, tỉnh táo. Bởi, nếu hành vi chống trả lại quá mức cần thiết thì người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vượt quá của mình.
Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe tài sản của mình hoặc của người khác thì mỗi cá nhân tham gia giao thông khi bị đe dọa, hành hung cần bình tĩnh xác định tình huống đã đến mức phải sử dụng vũ lực hay chưa và kiểm soát việc sử dụng vũ lực chỉ để chống trả ở mức độ cần thiết. Trường hợp gặp đối tượng hung hãn, có hung khí thì không nên đối mặt, cần đóng cửa phải chốt cửa xe và gọi người cứu giúp…