Từ vụ chồng Hàn đánh vợ Việt gãy xương sườn: Làm gì khi bị chồng đánh?
'Làm gì khi bị chồng đánh?' là một câu hỏi mang tính bị động. Nó cũng có thể là câu hỏi mà cô gái bị người chồng Hàn Quốc đánh gãy xương sườn muốn có câu trả lời.
Trong hôn nhân, các cặp đôi có thể đến với dựa vào tình yêu, thậm chí có những người cưới mà chẳng cần phải yêu.
Theo lẽ tự nhiên thì hôn nhân là sự kết hợp của hai cá thể có một ước nguyện được chung sống hòa bình với nhau trọn đời. Thế nhưng, sau khi chung tay kí vào tờ giấy đăng kí kết hôn, "anh là chồng và tôi là vợ" bắt đầu hàng trăm thứ trách nhiệm và ràng buộc không tên đổ ập lên đầu nhau.
Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến chuyện vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt". Đó có thể là tiền, sự bất hòa trong cách cư xử của cả hai, nguyên nhân về ngoại tình, nguyên nhân về sự suy đồi đạo đức của một trong hai người hoặc cả hai... hay trong vụ việc chồng Hàn đánh vợ Việt gãy xương sườn, theo như người chồng nói: "Xích mích xảy ra vì khác biệt ngôn ngữ".
Không phải tự dưng người ta lại bảo phụ nữ là phái yếu so với đàn ông. Ông bà ta ngày xưa đã có câu để ví chuyện chênh lệch về sức mạnh giữa nam so với nữ, đó là “yếu trâu hơn khỏe bò”!
Khi đối đầu, đương nhiên phụ nữ thua. Phụ nữ sức nào cho lại với người đàn ông mà cái máu “cạn tình” ngùn ngụt bốc lên đỉnh đầu. Tất nhiên, trong câu chuyện không phải lúc nào phụ nữ cũng đúng.
Hầu hết trong các cuộc chiến, vợ luôn là kẻ “cao thượng” đến ngu dại. Tâm lí “xấu chàng hổ ai” khiến người vợ dù có bị đánh đến thâm tím mặt mày cũng không dám kể, không dám nói với ai. Sự xấu hổ đúng chất truyền thống, kiểu sợ thiên hạ nhìn ra cái không viên mãn, không tròn đầy, cái bất hạnh của mình.
Khi chúng ta Google: “Làm gì khi bị chồng đánh?” trong 0,28 giây cho chúng ta hơn 56 triệu kết quả. Qua đó có thể thấy mức độ quan tâm của xã hội là rất lớn liên quan đến câu hỏi này.
Nhưng không phải người phụ nữ nào cũng có thể tiếp cận được những thông tin này. Bởi có rất nhiều phụ nữ từ nông thôn đến thành thị không biết Google là gì mà hỏi, chỉ biết cắn răng chịu đựng, cùng quẫn, bế tắc trong bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần ấy.
Phụ nữ cần làm gì khi bị chồng đánh?
Để thoát khỏi bạo lực gia đình, trước hết, chị em phải tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Không nên im lặng cam chịu mà hãy đứng lên, mở cửa ra và tự bảo vệ chính mình.
Chị em cần nói ra câu chuyện bạo lực với người thân, hàng xóm, cán bộ tại địa phương để được chia sẻ, tư vấn và hỗ trợ giải quyết. Dặn hàng xóm một số dấu hiệu cho biết bạn đang bị bạo lực để họ sang can thiệp kịp thời.
Pháp luật Việt Nam có rất nhiều các biện pháp mà người phụ nữ có thể bảo vệ chính mình.
Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định, bạo lực gia đình - giải quyết mâu thuẫn gia đình bằng những cái bạt tai và nắm đấm - là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Theo điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình, trong trường hợp này, người phụ nữ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình cũng như yêu cầu các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc…
Hãy trình báo đến UBND xã để yêu cầu người chồng chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình. Cấm người chồng có hành vi bạo lực đến gần vợ…
Người phụ nữ cũng có thể gửi đơn đến Tòa án cấp huyện yêu cầu áp dụng biện pháp cấm người chồng tiếp xúc trong thời gian tối đa 4 tháng. Trong trường hợp này, người vợ phải có các bằng chứng chứng minh hành vi bạo lực gây tổn hại đến sức khỏe và đe dọa đến tính mạng.
Nếu xảy ra các tổn thương hãy đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu có bảo hiểm y tế, các chi phí khám và điều trị sẽ do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
Ngoài ra, người phụ nữ có thể đến các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình… để được tư vấn về chăm sóc sức khỏe, ứng xử trong gia đình, các vấn đề về pháp lý và tâm lý để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình…
Đối với người chồng có hành vi bạo lực với vợ, dù gây thương tích nhiều hay ít cũng đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Theo Điều 49 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người chồng đánh đập gây thương tích cho vợ hoặc thành viên khác trong gia đình bị phạt từ 1 đến 1,5 triệu đồng.
Nếu sử dụng các công cụ, phương tiện hay vật dụng khác gây thương tích; Không đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương thì bị phạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng.
Ngoài ra, người chồng còn bị buộc phải xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Nếu người chồng cố ý gây thương tích cho vợ mà tỷ lệ tổn thương từ 11% hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm, dùng axit, gây cố tật nhẹ cho vợ thì có thể bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật Hình sự) với mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…
Tuy nhiên, cách xử lý trong thực tế còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ của sự việc, hoàn cảnh và tình cảm của những người trong cuộc. Nếu người vợ bị chồng đánh cảm thấy không thể cứu vãn cuộc hôn nhân này, có thể tham khảo đến việc ly hôn.