Từ vụ hoa hậu bị tước vương miện...
Vụ lùm xùm của một hoa hậu bị tước vương miện trên thế giới đã không còn xa lạ. Nhưng ở Việt Nam thì chưa nhiều và mới bắt đầu, có thể đây sẽ là những 'tấm gương' cho các bạn trẻ đang ôm mộng trở thành hoa hậu hay nam vương. Và cũng là 'tấm gương' để ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp nhìn vào mà không vướng phải.
Ngày nay, không ít bạn trẻ nuôi dưỡng ước mơ trở thành người của công chúng, là những KOL, KOC, những người theo đuổi nghệ thuật, là hoa hậu, người mẫu... Thực ra về bản chất, những danh hiệu như hoa hậu, hoa khôi, người đẹp quy lại cũng chỉ là một cái nghề. Mà đã làm “nghề” thì trước tiên phải có kỹ năng. Đó là kỹ năng xây dựng hình ảnh cá nhân, kỹ năng trả lời phỏng vấn truyền thông, kỹ năng ứng xử với antifan và những kỹ năng liên quan đến trách nhiệm trước cộng đồng khi tham gia các hoạt động thiện nguyện. Điều tối thiểu là kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông. Vì khi đã khoác lên mình một danh xưng thì việc đầu tiên phải nghĩ đến là trách nhiệm trước công chúng.
Vậy nên là người của công chúng không thể muốn nói gì là nói, muốn ăn gì, mặc gì cũng được. Rồi khi bị xã hội “tấn công” thì quay sang khóc lóc để xin thứ lỗi vì tuổi trẻ bồng bột…
Việc rất nhiều bạn trẻ hay lầm tưởng là người của công chúng chỉ cần chăm chút ngoại hình, hoặc có chút tài năng là có thể đạt được ước mơ. Nhưng điều quan trọng nhất là trau dồi kỹ năng sống thì không có. Một số cuộc thi sắc đẹp hoặc tài năng hiện nay cũng chưa chú trọng đào tạo kỹ năng cho thí sinh tiềm năng của mình.
Hiện nay, hầu hết các cuộc thi sắc đẹp đều có một ê-kíp truyền thông. Nhưng đào tạo kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông cho người đẹp thì chưa được chú trọng.
Muốn làm người nổi tiếng đã khó. Làm người nổi tiếng và tạo được một câu chuyện đẹp, một hành động đẹp để sửa chữa cho những sai lầm bản thân càng khó. Nhưng cũng sẽ rất dễ cho những ai chịu đầu tư học tập, rèn luyện để phát triển kỹ năng.
Thiết nghĩ đây là bài học đắt giá cho các bạn trẻ muốn theo đuổi ước mơ làm người nổi tiếng. Trước tiên hãy trau dồi cho mình kỹ năng ứng xử. Vì khi biết ứng xử thì mọi tình huống dù chưa tốt đến đâu cũng có thể chuyển hóa được. Hành động để truyền cảm hứng cho cộng đồng, nhưng một câu nói thiếu tinh tế có thể sẽ gây hại cho cả cộng đồng lẫn chính mình.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/147382/tu-vu-hoa-hau-bi-tuoc-vuong-mien