Từ vụ học sinh lớp 9 tử vong khi chạy bộ, chuyên gia chỉ cách ngừa đột quỵ khi chơi thể thao, nếu có dấu hiệu này cần dừng ngay
Các chuyên gia nhận định, những người chạy bộ xảy ra tai biến dẫn đến đột quỵ chủ yếu là do có vấn đề về huyết áp, bệnh lý tim mạch. Khi hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột quỵ.
Trên thực tế, tình trạng đột quỵ hay thậm chí là ngừng tim dẫn đến đột tử khi nạn nhân đang hoạt động thể thao không phải hiếm gặp. Trường hợp em H., học sinh lớp 9 Trường THCS Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ra đi vì đột quỵ khi tham gia giải chạy tại địa phương là một trường hợp đau lòng và đang khiến nhiều người lo lắng.
Trước đó, chia sẻ trên Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương y học thể thao và chi trên cho biết, trong vài năm gần đây, số ca nhập viện để điều trị đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng, từ 1,7% lên tới 2,5%, với tỉ lệ nam cao gấp 4 lần nữ.
Bệnh có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở độ tuổi 20 và thậm chí là trẻ hơn, chiếm tới 1/3 các trường hợp đột quỵ. Đặc biệt, đã có một số trường hợp bị đột quỵ khi đang tập luyện thể thao khiến nhiều người lo lắng.
Theo BS. Mạnh Khánh, đột quỵ khi chơi thể thao có 2 nhóm chính:
Nhóm thứ nhất xảy ra trên người có bệnh lý nền mà không biết, hay gặp ở người có dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não) hoặc có bệnh lý tiềm tàng về viêm cơ tim, gây ra nhồi máu cơ tim cấp, hoặc xuất huyết não cấp. Người bệnh rất khó biết mình có bệnh vì thông thường không có triệu chứng, khi tai biến xảy ra mới biết. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít.
Nhóm thứ hai là do người chơi thể thao gắng sức quá, ham mê quá, đẩy sức chịu đựng vượt lên cao quá khả năng của mình. Ví dụ, những người này chỉ có khả năng chạy được 5km, sau tập luyện đẩy lên 10km, 20km, nhưng họ lại cố gắng chạy 50km, thậm chí 100km… nên không phù hợp.
Các chuyên gia khuyến cáo, duy trì vận động rất tốt cho sức khỏe, rất tốt cho tim mạch nhưng cần phù hợp. Theo đó, nên kiểm tra sức khỏe tim mạch nếu chơi môn thể thao, đặc biệt là các môn đối kháng để phòng nguy cơ ngừng tim khi đang tập luyện, thi đấu.
Cần làm gì để chơi thể thao an toàn?
Theo các bác sĩ, với những người chơi thể thao, đặc biệt các môn thể thao nặng, gắng sức, ở người có nguy cơ cao, bệnh nền nên sàng lọc khám tim mạch để được phân tầng nguy cơ, từ đó sẽ đánh giá xem bệnh nhân được gắng sức ở mức độ nào, để bác sĩ đưa ra lời khuyên lựa chọn các hoạt động phù hợp cho người bệnh.
Trước bất cứ hoạt động thể dục thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức. Cần lưu ý, khi đang gắng sức mức độ cao, cần tránh việc dừng lại đột ngột vì thời điểm này cũng có thể xuất hiện nhiều rối loạn nhịp đe dọa tính mạng, nhất là ở bệnh nhân có bệnh nền.
Tốt nhất, mỗi người nên lựa chọn cho mình một môn thể thao sao cho phù hợp với sức khỏe và độ tuổi. Những môn thể thao đòi hỏi vận động lớn như bóng đá, chạy đường dài ưu tiên lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở người tuổi cao hơn có thể đi bộ, đạp xe, bơi. Đặc biệt khi chơi không nên tăng nặng ngay. Ở môn chạy cần khởi động kỹ, bắt nhịp tăng dần để quả tim co bóp cần quá trình thích nghi.
“Cơ thể con người chỉ có ngưỡng nhất định, nếu vượt quá ngưỡng phải đòi hỏi có quá trình tập luyện và thích nghi lâu dài. Nếu thúc đẩy nhanh quá trình đó cơ thể dẫn tới quá tải, quả tim bị suy không cung cấp đủ máu, phổi cần phải hoạt động liên tục mới trao đổi được oxy. Tim chỉ khoảng 90 nhịp/phút, nếu đẩy lên 180-200 nhịp/phút là quá nhanh, vượt qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể, dẫn tới suy tim cấp và đột quỵ”, BS. Khánh chia sẻ.
Ngừa đột quỵ khi chạy bộ, chơi thể thao
Chia sẻ trên Dân trí, PGS. TS. BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam khuyến cáo: Tập thể dục nâng cao sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp. Thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...
Do đó, người bình thường trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực. Chúng ta có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như: bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…
Nếu có vấn đề gì bất thường, người dân được tư vấn chọn môn tập và chọn lượng vận động phù hợp, nếu không có thể xuất hiện các bệnh lý, tai biến.