Từ vụ học sinh tử vong tại bể bơi trường học, cần làm gì để dạy - học bơi hiệu quả?
Vụ việc nam sinh 13 tuổi đuối nước trong bể bơi trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh, Nghệ An) hay nam sinh lớp 9 tử vong ở bể bơi trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (phường Dương Nội, quận Hà Đông) tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, học sinh, thanh niên về kỹ năng phòng chống đuối nước và tăng cường vai trò của những người quản lý, giảng dạy. Bởi không chỉ trẻ nhỏ mà thanh thiếu niên nếu không có kỹ năng tốt cũng rất dễ bị đuối nước.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một số giáo viên, giảng viên thể chất, huấn luyện viên bơi lội đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để giúp các bạn trẻ, thanh thiếu niên có kỹ năng bơi an toàn.
Nâng cao trách nhiệm quản lý, tổ chức giảng dạy
Theo anh Nguyễn Văn Ngọc - Giảng viên Giáo dục thể chất, Học viện Ngân hàng, để hạn chế các vụ tai nạn đuối nước, trước tiên cần nâng cao trách nhiệm quản lý, tổ chức giảng dạy.
Cụ thể, về lực lượng tham gia công tác quản lý, giảng dạy phải là những người thực sự có kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong công tác phòng chống, cứu nạn, cứu hộ, đã trải qua các khóa tập huấn hướng dẫn bơi, cứu hộ... Trong 1 ca dạy, tiết dạy phải có ít nhất từ 2 giáo viên hỗ trợ bao quát, lực lượng cứu hộ quan sát từ trên cao để theo dõi kịp thời mọi tình huống xấu xảy ra.
Như tin đã đưa, vào khoảng 15h ngày 22/8, một nhóm học sinh rủ nhau đến bể bơi trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh, Nghệ An để học bơi. Trong lúc tắm, mọi người không thấy em N.T.B (13 tuổi) đâu nên lặn xuống tìm và phát hiện nam sinh này nằm dưới đáy bể bơi.
Với những bể có diện tích lớn và sâu, nhiều góc khuất, người giảng dạy cần thường xuyên tập trung quan sát. Tuy nhiên, cần lưu ý xử lý chất lượng nước, màu nước (độ pH) những ngày nước chuyển màu hoặc tạm dừng các hoạt động bơi lội để xử lý kỹ thuật đến khi nước trong, thuận lợi cho quan sát.
"Đặc biệt, khi học bơi, ngoài việc tiếp thu các kỹ thuật, động tác bơi thì học viên cần tham gia thêm các lớp, khóa học dạy đứng nước (bơi đứng), học cách xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra và thường gặp khi tham gia tập luyện, bơi lội, và trong đời sống hàng ngày", anh Ngọc nói.
Tập phản xạ nhanh qua các tình huống giả định
Nhấn mạnh đến kỹ năng phản xạ trong dạy - học bơi hiện nay, anh Hồ Lê Thịnh - giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Lê Minh Xuân (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có 12 năm kinh nghiệm dạy bơi cho hay, các giáo viên ngoài dạy kỹ thuật bơi, cần chú ý đến truyền tải biện pháp phòng chống đuối nước qua các tình huống giả định. Ví dụ như làm quen bơi không mang mắt kính, sơ cứu nạn nhân đuối nước, các biện pháp cứu đuối nước gián tiếp...
"Đối với nhà trường, nếu phát động phong trào phổ cập bơi, nên bố trí ít nhất 2 giáo viên và có 1 cứu hộ trực hồ. Có nhiều trường hợp dấu hiệu mệt mỏi, hụt hơi như chìm mặt xuống nước không thở được, quạt tay lên do thiếu hơi, giáo viên cần có phản xạ nhanh, kịp thời cứu đuối", anh Thịnh nói.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần nhận thức được, kỹ năng bơi của con cần một thời gian dài mới hình thành để tự bảo vệ mình trong môi trường nước. Vì thế, bất kể khi đi du lịch cùng gia đình hay đi bơi ở các khu vui chơi, dù con đã biết bơi ở mức độ cơ bản, phụ huynh cũng cần giám sát và để mắt tới con thường xuyên.
Kết lại những điều cần lưu ý, huấn luyện viên Phạm Thanh Thương (HCV vô địch trẻ quốc gia, HCB vô địch trẻ Châu Á) cho biết:
Học viên cần khởi động kỹ trước khi bơi, có sự giám sát của phụ huynh và cứu hộ khi bơi ở bể;
Không nên chủ quan rằng mình biết bơi mà không thể xảy ra tai nạn ( 1/4 trong tỉ lệ chết đuối là những người đã biết bơi);
Học kỹ năng cứu đuối, đứng nước để bảo vệ mình, bảo vệ người khác nếu có thể;
Bình tĩnh xử lý tình huống, không vội vàng, hoảng loạn vì rất dễ khiến bản thân bị mất sức;
Cần mang phao bảo hộ khi bơi ngoài trời...