Từ vụ sát hại nam sinh chạy Grab: Kinh nghiệm khi chạy xe ôm
Sự việc nam sinh viên chạy xe ôm công nghệ bị sát hại và được tìm thấy thi thể tại bãi đất hoang tại phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) vào ngày 28-9 khiến dư luận phẫn nộ và bàng hoàng.
Ngay sau khi nghe thông tin vụ việc này, nhiều tài xế chạy xe ôm không khỏi sợ hãi, đặc biệt, có rất nhiều tài xế từng bị cướp tài sản khi chở khách. Để những người chạy xe ôm nên cần nhận diện một số tình huống nhằm tránh sự việc đau lòng xảy ra.
Nghề xe ôm luôn rình rập những hiểm nguy
Sau vụ giết người mới đây, chia sẻ về những rủi ro, nguy hiểm rình rập khi làm nghề xe ôm, em Nguyễn Tiến Dũng (SN 1997), sinh viên trường Đại học Tài Nguyên Môi trường, Hà Nội và cũng làm thêm nghề chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập cho biết, đã không ít lần em bị quỵt tiền và gặp phải những tình huống nguy hiểm. Và đa số cách quỵt tiền của khách là khi đến nơi bảo tài xế đợi để đi lấy tiền rồi “cao chạy xa bay”.
Tuy nhiên, theo Dũng, khách quỵt tiền không đáng sợ bằng việc chở các khách hàng có biểu hiện lạ. Dũng cho biết có lần nhận chở khách đi Hoài Đức, Hà Nội. Mặc dù nhìn thấy vị khách có nhiều hành vi không minh bạch nhưng vì miếng cơm manh áo nên vẫn nhận đi. Trên đường đi em thấy họ gọi điện nói chuyện nói bậy nhưng trót chở rồi nên cứ đi.
Khi đến địa điểm đại lộ Thăng Long cạnh Thiên Đường Bảo Sơn, khách yêu cầu em chở tiếp vào trong một con hẻm tối. Lúc đó em rất sợ đồng thời lấy lý do là nhà có việc nên không chở tiếp vào trong ngõ nữa thì vị khách này liền bảo “chở vào đó lấy tiền, ở đây không có tiền”. Thấy khách tỏ vẻ nóng giận khó chịu nên em đành chịu mất tiền để bảo vệ tính mạng.
Là một trong những người có “thâm niên” làm nghề xe ôm ở Hà Nội, anh Hà Quang Thiện (40 tuổi, ở Hưng Yên) cho biết, việc nam sinh S. bị sát hại là rất đáng tiếc và xót xa. Anh Quang cho rằng, rõ ràng trong tình huống này, các đối tượng đã lên sẵn kế hoạch cướp của, giết người từ trước nên khi thấy nam sinh này còn trẻ, xe đẹp nên đã ra tay hành động.
Với kinh nghiệm của người chạy xe nhiều năm, anh Quang khẳng định, với những tình huống như vụ việc này chắc chắn những người chạy xe ôm có kinh nghiệm sẽ nhận ra những điểm bất thường và sẵn sàng hủy chuyến.
Điều đầu tiên anh Quang chỉ ra là, rõ ràng nam sinh này cũng đã linh tính và chụp ảnh gửi cho bạn về 2 “vị khách” đặt xe, thậm chí còn nói là “báo công an nếu không về”. Điều thứ 2 là, quy định cả về phía công ty và pháp luật chỉ cho phép chở 1 người trên xe máy. Tuy nhiên, trường hợp này nam sinh đã chở cả 2 người, có lẽ họ trả thêm tiền nên S. tiện chở thêm. Điều thứ 3 là, nam sinh này không hề thông thuộc địa hình khu vực Cổ Nhuế, Thụy Phương.
Theo như tin nhắn với bạn, thì 2 người đặt xe lên Cổ Nhuế, nhưng lên đó lại đi vào tận khu vực Thụy Phương. Nếu là người thông thuộc địa hình thì họ sẽ không chạy vào khu này buổi tối, vì đây là khu thưa dân nguy hiểm”- anh Quang nói.
Bằng kinh nghiệm của mình anh Quang khuyên những người chạy xe ôm nói chung và nhất là sinh viên cần phải tỉnh táo từ khi nhận khách đến khi đi đường. Đặc biệt, không chạy vào các khu vực đường vắng, khu ít người.
Không chở khách đến nơi hoang vắng
Liên quan đến vụ việc này, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học cho rằng, phần lớn những đối tượng gây ra các vụ cướp xe ôm công nghệ cao đều là những thành phần ham chơi đua đòi, rơi vào tệ nạn xã hội, thiếu tiền rồi nảy sinh trộm cắp. Phần đông trong số đó là các đối tượng bất hảo, mới ra tù tụ tập lại với nhau. Và để thực hiện được hành vi trộm cắp của mình các đối tượng thường dẫn dụ các “con mồi” đến những nơi hoang vắng, nghĩa trang, cánh đồng, bờ đê, xa khu dân cư, ít người qua lại… sau đó chọn cơ hội thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội.
Do vậy, PGS.TS Thìn khuyến cáo các lái xe ôm cần hết sức cẩn trọng, phòng ngừa với tội phạm cướp tài sản và đặc biệt lưu ý: không dừng, đỗ, đón, trả khách ở những nơi hẻo lánh, vắng người qua lại, hoặc những địa chỉ bản thân không thông thuộc đường.
Về biện pháp phòng ngừa, chuyên gia tội phạm học Nguyễn Cảnh Thìn cho rằng, bản thân người lái xe ôm bao giờ cũng phải trang bị cho mình một số kinh nghiệm và kỹ năng của người làm nghề.
Bên cạnh đó, cần có ý thức quan sát các đối tượng khách hàng của mình. Chẳng hạn các đối tượng khách hàng ấy hành động như thế nào, đi hai, hay một người. Theo kinh nghiệm từ các vụ án đã xảy ra, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, đi hai người thường nguy hiểm hơn 1 người.
“Khi đi đón khách cần chú ý những đặc điểm về trang phục, đầu tóc, dụng cụ mang theo để cảnh giác và đưa ra quyết định nên chở hay không nên chở. Cùng với đó, cần cảnh giác với những đối tượng hào phóng, lái xe bảo bao nhiêu tiền thì đi bấy nhiêu, thậm chí là còn cho thêm tiền”- Đại tá Thìn chia sẻ thêm.
Cũng theo chuyên gia Đỗ Cảnh Thìn trong quá trình di chuyển, các tài xế xe Grab, cần có thủ thuật để nắm bắt được tư tưởng đối tượng bằng những câu chuyện, câu hỏi mang tính giao lưu, trao đổi, để xem đối tượng đi đâu, cần gì, nội dung thế nào, giọng nói ở đâu? Hoặc có những động tác thân thiện với hành khách như giả vỗ vai, ôm lưng, động chạm vào chân tay để kiểm tra xem đối tượng có mang súng, vũ khí dắt vào cạp quần, vào bụng vào lưng hay không? Khi có những hành động như vậy thì gián tiếp ta cũng cảnh cáo đối tượng.
“Bên cạnh các kỹ năng đó, các lái xe ôm công nghệ cũng cần có số điện thoại của các đồng nghiệp để gọi khi trợ giúp, hoặc trước khi chở khách đến địa điểm cần thông báo cho đồng nghiệp biết đang chở khách đến vị trí này, vị trí kia và sẽ thường xuyên liên lạc với đồng nghiệp. Kể cả trong lúc đi mình cũng có thể livetream để cho các bạn theo dõi có gì chỉ đường cho mình. Tất cả các động tác đó, góp phần đánh động đối tượng làm cho đối tượng không dám ra tay”- ông Thìn nói.
Đối với trường hợp khi bị cướp, nếu có thể lái xe rút chìa khóa ném đi rồi bỏ chạy và khi vừa chạy vừa phải hô hoán cướp. Trường hợp lái xe bị cướp khống chế thì phải thỏa hiệp với đối tượng cướp, để cho họ lấy xe cộ, tiền bạc… để không ảnh hưởng tới tính mạng của bản thân. Sau đó, về báo ngay cho cơ quan công an, chính quyền địa phương gần nhất.
Còn trường hợp chở đối tượng ngáo đá, trong quá trình di chuyển mới phát hiện ra phải chạy vào chỗ đông người dừng lại và không chở nữa. Về phía đơn vị chủ quản cũng phải có các chính sách, biện pháp quản lý, giám sát hành trình của phương tiện, để kịp thời phát hiện, hỗ trợ các lái xe khi cần thiết...