Từ vụ sữa giả, kẹo Kera, đề xuất tăng chế tài đủ sức răn đe

Ngày 6-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết dự thảo luật tập trung vào các nhóm chính sách mới như: Đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Phạm Thắng

Dự thảo luật cũng đưa ra các quy định để tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Việc sửa đổi luật nhằm tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thương mại, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Theo ông Lê Quang Huy, đa số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong thời gian qua có nhiều sản phẩm hàng hóa được lưu thông trên thị trường nhưng kém chất lượng là do công tác hậu kiểm còn yếu, chế tài áp dụng chưa đủ mạnh, chưa tạo sức răn đe.

Cơ quan thẩm tra đã dẫn chứng đến các vụ việc sữa giả, vụ kẹo Kera (liên quan đến Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) và Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) – PV) thời gian qua.

Do đó, dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung quy định (Điều 66 Luật hiện hành) về xử lý vi phạm như tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, phương tiện thông tin đại chúng danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa để cảnh báo xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu ý kiến nêu trên.

Vừa qua, Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả với quy mô lớn, hoạt động từ tháng 8-2021 đến nay. Các đối tượng đã thành lập công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột giả.

Đến nay, đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, chủ yếu dành cho người mắc bệnh tiểu đường, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai. Các sản phẩm này chỉ đạt dưới 70% chất lượng công bố, nhiều loại hoàn toàn không chứa các thành phần như tổ yến, đông trùng hạ thảo... như quảng cáo. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, thu lợi gần 500 tỉ đồng.

Minh Chiến - Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tu-vu-sua-gia-keo-kera-de-xuat-tang-che-tai-du-suc-ran-de-196250506102912471.htm