Từ vụ vé số bị cắt góc ở Ninh Thuận: Bán vé số ngoài khu vực phát hành có vi phạm không?

Liên quan vụ vé số bị cắt góc ở Ninh Thuận, theo Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính, việc bán, phát hành và lưu thông vé số khác khu vực là không đúng quy định của pháp luật.

Như PLO đã đưa tin, thời gian vừa qua, lực lượng chức năng của tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra thu giữ, cắt góc để hủy vé số kiến thiết miền Nam đang được nhiều người bán trên địa bàn.

Theo lực lượng chức năng của tỉnh này thì việc bán vé số phát hành tại khu vực miền Nam trên địa bàn miền Trung là không đúng quy định và vi phạm các quy định về xổ số kiến thiết.

Để hiểu rõ hơn về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vé số, trao đổi với PLO, Luật sư Nguyễn Hùng Quân, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hiện nay hoạt động kinh doanh vé số được quy định và hướng dẫn tại Nghị định số 30/2007 (được sửa đổi bởi Nghị định số 78/2012) và Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính.

Theo đó, Điều 4 Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính quy định rõ hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết được chia thành ba khu vực: Bắc, Trung và Nam.

Ví dụ: Khu vực miền Trung gồm các địa phương: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Phú Yên...

Mỗi một khu vực sẽ bao gồm nhiều tỉnh, thành phố khác nhau và sẽ có địa bàn phát hành xổ số khác nhau.

 Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận kiểm tra một điểm bán vé số trên đường Lê Hồng Phong, TP Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh cắt từ clip

Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận kiểm tra một điểm bán vé số trên đường Lê Hồng Phong, TP Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh cắt từ clip

Cụ thể, Điều 13 Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính quy định đối với khu vực miền Trung, xổ số truyền thống, xổ số cào biết kết quả ngay, xổ số bốc biết kết quả ngay được phát hành theo cơ chế thị trường chung. Tương tự, tại khu vực miền Nam, xổ số truyền thống cũng được phát hành theo cơ chế thị trường chung.

Cơ chế thị trường chung được định nghĩa là cơ chế phát hành vé xổ số theo phương thức từng công ty xổ số kiến thiết trong cùng khu vực thực hiện phát hành vé xổ số và bán trên toàn địa bàn của khu vực theo lịch mở thưởng do Bộ Tài chính quy định. Từng công ty xổ số kiến thiết phát hành vé xổ số chịu trách nhiệm toàn bộ về việc phát hành, quay số mở thưởng và trả thưởng.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, có thể hiểu vé xổ số được phát hành ở khu vực nào thì chỉ được bán, lưu hành tại khu vực đó. Vé xổ số do các tỉnh miền Nam phát hành nhưng lại bán, lưu hành ở địa bàn miền Trung là không đúng quy định hiện hành.

Trường hợp người nào có hành vi kinh doanh xổ số không đúng địa bàn sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại Điều 38 Nghị định 98/2013. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số lượng vé xổ số kinh doanh không đúng địa bàn và buộc thực hiện kinh doanh xổ số theo đúng địa bàn quy định.

Liên quan đến việc lực lượng chức năng buộc những người bán vé số cắt góc để hủy những tờ vé số miền Nam, như đã phân tích ở trên thì việc bán, lưu hành vé xổ số khác khu vực được phép lưu hành là hành vi vi phạm pháp luật và những tờ vé số này sẽ bị buộc tịch thu, thu hồi.

Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính cũng quy định về trường hợp thu hồi vé xổ số không tiêu thụ hết. Cụ thể, trước khi nộp vé bán không hết, đại lý xổ số phải thực hiện các biện pháp vô hiệu hóa tất cả tờ vé xổ số không bán hết theo quy định của công ty xổ số kiến thiết. Đồng thời, đại lý xổ số phải lập bảng kê số lượng vé bán không hết, trả lại cho công ty xổ số kiến thiết.

Hình thức vô hiệu hóa do công ty xổ số kiến thiết quy định tại Quy chế quy định quy trình thu hồi vé xổ số và hướng dẫn đại lý xổ số thực hiện. Việc sử dụng các biện pháp vô hiệu hóa tờ vé xổ số ví dụ như: cắt góc, đục lỗ... phải đảm bảo nguyên tắc không được để vé thuộc diện vô hiệu hóa bị lợi dụng để lĩnh thưởng.

Tuy Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính chỉ quy định trường hợp vé số sẽ bị thu hồi, tiêu hủy khi không tiêu thụ hết, nhưng rõ ràng trường hợp lưu hành những tờ vé số không đúng khu vực là hành vi vi phạm hành chính và sẽ bị phạt tiền, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số lượng vé xổ số kinh doanh không đúng địa bàn.

Do đó, theo các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan chức năng có quyền tịch thu, thu hồi toàn bộ những tờ vé số miền Nam này và xử lý để vô hiệu hóa chúng; hình thức vô hiệu hóa có thể là cắt góc, đục lỗ...

"Liên quan đến việc xác định những tờ vé số này có phải là tài sản hay không thì hiện nay vẫn còn đang có nhiều quan điểm khác nhau. Có người cho rằng đó là tài sản, quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai...; có người lại không công nhận. Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi thì việc xác định tờ vé số có phải là tài sản hay không phụ thuộc vào thời điểm trước và sau khi mở thưởng.

Theo đó, trường hợp sau khi mở thưởng mà tờ vé số trúng thưởng thì lúc này tờ vé số đó trở thành quyền tài sản. Bởi theo quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất... Từ quyền tài sản này, các công ty xổ số kiến thiết phải có nghĩa vụ thanh toán tiền thưởng cho người sở hữu tờ vé số trúng" - luật sư Nguyễn Hùng Quân nhận định.

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-ve-xo-so-ngoai-khu-vuc-phat-hanh-co-vi-pham-khong-post822306.html