Từ vụ xét nghiệm ADN cho kiến, con gái 'vua bánh mỳ' tiết lộ chuyện kinh doanh
'Tôi học được nhiều điều từ vụ con kiến được đưa đi xét nghiệm ADN', con gái của 'vua bánh mỳ' Kao Siêu Lực chia sẻ về hành trình từ mỗi tháng chỉ có 1-2 container xuất đi Nhật, thì nay con số ấy đã lên tăng 15-20 lần.
Chia sẻ về câu chuyện niềm tin giữa các thế hệ trong doanh nghiệp gia đình tại tọa đàm sáng 13/6, bà Kao Huy Phương, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh ABC Bakery cho biết, sự tín nhiệm giữa cha và con (thế hệ F1 và F2) là rất quan trọng.
Muốn có được niềm tin của thế hệ đi trước cũng như đối tác khách hàng thì cần phải chứng minh bằng thực tế điều hành doanh nghiệp.
Bà Phương đã học được từ đối tác Nhật Bản. Nhiều năm trước, trong quá trình xuất hàng đi Nhật, sản phẩm của công ty tới nước bạn thì bên ngoài bao bì xuất hiện một con kiến. Vì kiến nằm ngoài bao bì sản phẩm nên bà Phương cho rằng, có thể lỗi do khách hàng và kiến có nguồn gốc Nhật Bản.
Tuy nhiên, công ty đối tác Nhật làm một việc khó tin, họ mang con kiến đó đi xét nghiệm DNA. Kết luận cho thấy, ở Nhật có 41 chủng loại kiến. Với kích thước đầu, cánh như mẫu thu được, họ xác định đây không phải con kiến có nguồn gốc Nhật Bản mà là từ Việt Nam.
Tại sao chỉ vì một con kiến mà người Nhật lại kiên trì như vậy? Qua bài học trên, bà Phương thấy sự kiên trì đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng niềm tin từ khách hàng và thế hệ F1 đi trước. Ngoài đặt niềm tin vào một sản phẩm tốt, niềm tin vào con người còn có giá trị lớn hơn.
“Tôi học được nhiều từ vụ án con kiến. Lúc mới vào thị trường Nhật Bản rất khó, xuất khẩu được 1-2 container hàng/tháng là vui. Còn bây giờ, công ty đã bán được trung bình 28 container hàng/tháng qua nước bạn rồi”, con gái của "vua bánh mỳ" Kao Siêu Lực chia sẻ.
Một dẫn chứng khác cũng được ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thương vụ, PwC Việt Nam đưa ra để nhấn mạnh rằng, đối với các doanh nghiệp gia đình, niềm tin rất quan trọng.
Khi ông làm việc với giới đầu tư, họ luôn đặt câu hỏi một công ty có đáng tin cậy không trước khi quyết định rót vốn. Một số doanh nghiệp tư nhân tại Pháp trả lời bằng cách, họ đưa đối tác đến văn phòng làm việc.
Đấy là căn phòng khởi nghiệp đã được gìn giữ 300 năm, toàn bộ lịch sử công ty được lưu lại. Họ đưa ra thông điệp rằng, doanh nghiệp đã giữ vững di sản 300 năm nên nhà đầu tư hoàn toàn có thể tin vào lịch sử hoạt động và rót vốn cho doanh nghiệp.
Còn Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), bà Vưu Lệ Quyên cho rằng, ngoài niềm tin thì sự chia sẻ là điều cần thiết trong nội bộ một doanh nghiệp gia đình.
Biti’s là một thương hiệu quốc dân đã 40 năm tuổi, có sự cố thủ trong cách quản trị, vận hành doanh nghiệp. Khi F2 muốn thay đổi văn hóa doanh nghiệp thì các thành viên trong gia đình tham gia quá trình lãnh đạo doanh nghiệp cần có không gian để chia sẻ ý tưởng cùng nhau, có tiếng nói của các thành viên gia đình.
Lúc này, mọi người cần quan tâm tới cách vận hành một doanh nghiệp nhiều hơn là cách vận hành một gia đình. Bởi, mỗi quyết định của lãnh đạo Biti’s động chạm tới 10.000 người lao động bên dưới của công ty.
Đồng quan điểm, ông Siew Quan Ng, Lãnh đạo Dịch vụ doanh nghiệp tư nhân và gia đình Châu Á–Thái Bình Dương, PwC Singapore đánh giá, sự chia sẻ thẳng thắn là điều cần thiết khi điều hành một doanh nghiệp gia đình.
Phần lớn doanh nghiệp gia đình gặp phải lo sợ khi chuyển giao thế hệ, khi F2 đi sai hướng, F1 chuyển giao rồi mà vẫn phải quay lại giải quyết hậu quả. Nhiều doanh nghiệp gia đình ở châu Á hay châu Âu xảy ra tranh cãi, cha con bỏ nhau rất nhiều. Rủi ro là điều các doanh nghiệp gia đình phải chấp nhận.
Tư tưởng thế hệ sẽ khác nhau trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh, như vậy, việc chuyển giao thế hệ cần phải được thực hiện như một cuộc chạy tiếp sức, có sự hỗ trợ lẫn nhau, theo đại diện PwC Singapore.
Báo cáo từ PwC, trong năm 2022, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có kết quả kinh doanh tốt, với 53% doanh nghiệp tăng trưởng về doanh số (tỷ lệ trên toàn cầu và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần lượt là 71% và 66%).
Dẫu vậy, dữ liệu cũng cho thấy, khoảng 40% đại diện doanh nghiệp gia đình được hỏi thừa nhận, mức độ tin tưởng thấp giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa thế hệ kế nghiệp (NextGen) và thế hệ đương nhiệm; và giữa các thành viên hội đồng quản trị với những người khác.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng giám đốc Lãnh đạo-Văn hóa Công ty Newing là người từng đồng hành với các doanh nghiệp nhỏ từ khi còn chưa niêm yết cho đến lúc trở thành các doanh nghiệp tỷ USD nhấn mạnh: “Tiền nhân đã nói: Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nếu chính những người trong gia đình còn không tin nhau thì không thể trao niềm tin cho người khác được”.