Từ Xã 6 anh hùng đến xã nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững

Theo những người đi trước, cái tên Lộc Phú là do các đồng chí lãnh đạo lúc bấy giờ chọn đặt khi xã mới được chia tách. Dù chưa thể tìm hiểu chính xác khởi nguồn và ý nghĩa sát nhất, nhưng theo thời gian, Lộc Phú được mọi người ngầm hiểu là vùng đất trù phú tốt tươi, cây cối đâm chồi nảy lộc.

Và, thực tế qua 30 năm hình thành và phát triển, sự trù phù của đất đai, sự tốt tươi của cây trái, sự phát triển toàn diện của nông thôn mới và sự ấm no, sung túc của chính người dân nơi đây là minh chứng rõ nét nhất, mang nhiều ý nghĩa nhất cho tên gọi Lộc Phú - vùng đất anh hùng cách mạng trong kháng chiến.

Toàn cảnh xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm ngày nay

Toàn cảnh xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm ngày nay

Về tên gọi, xã Lộc Phú được thành lập ngày 11/07/1994 cùng thời điểm với việc thành lập huyện Bảo Lâm trên cơ sở chia tách huyện Bảo Lộc thành thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm theo Nghị định số 65-NĐ/CP của Chính phủ. Theo Nghị định này, xã Lộc Phú được hình thành trên cở sở chia tách xã Lộc Lâm thành 2 xã Lộc Lâm và Lộc Phú.

Còn về lịch sử hình thành, trong kháng chiến chống Mỹ, địa giới của xã Lộc Phú là Xã 6 thuộc K2 tỉnh Lâm Đồng. Đây là một địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng và kinh tế. Trong kháng chiến, Nhân dân Xã 6 đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, cùng đồng bào cả nước đưa công cuộc chống thực dân, đế quốc đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Năm 1976, khi 2 tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng (cũ) nhập với thị xã Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng (mới) thì Xã 4 và Xã 6 sát nhập thành xã Lộc Lâm thuộc huyện Bảo Lộc (cũ). Để ghi nhận những thành tích của Đảng bộ, quân và dân xã Lộc Lâm (gồm Xã 4 và Xã 6, nay là Lộc Lâm và Lộc Phú) trong kháng chiến, ngày 6/11/1978, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Từ khi còn là xã Lộc Lâm và cho đến những ngày đầu mới chia tách, xã Lộc Phú đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Lúc này, toàn xã chỉ có hơn 140 ha cây chè, song năng suất rất thấp do thiếu đầu tư chăm sóc; khoảng 26 ha cà phê nhưng hầu hết mới trồng, chưa thu hoạch; các loại cây trồng khác không đáng kể. Không những thế, điện – đường – trường - trạm trên địa bàn xã vừa thiếu, vừa yếu. Chính vì vậy, đời sống bà con nhân dân còn nhiều thiếu thốn, hộ nghèo đói đồng bào dân tộc tại chỗ chiếm 2/3 tổng số hộ trong xã. Xã có diện tích rừng và đất rừng khá lớn, nên việc quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn. An ninh, trật tự có lúc, có nơi phức còn diễn biến tạp.

Quyết định thành lập Chi bộ xã Lộc Phú vào ngày 1/9/1994

Quyết định thành lập Chi bộ xã Lộc Phú vào ngày 1/9/1994

Nhớ lại những ngày đầu thành lập xã, ông K’ Mạnh Hùng - Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Lộc Phú chia sẻ: 30 năm trước, Lộc Phú là vùng núi rừng rộng lớn thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, chủ yếu là người dân tộc Mạ sinh sống. Thời gian đó, bà con phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Các tuyến đường chính trong xã chủ yếu là đường đất nên cũng gây trở ngại lớn cho đời sống của bà con nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Dẫu phải đối mặt với vô vàn những khó khăn trong thời gian đầu chia tách thành xã mới, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của Lộc Phú đã phát triển và thay đổi nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa… ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại, học hành, chăm sóc y tế. Đặc biệt, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao cả về vật chất, lẫn tinh thần.

Liên tiếp nhiều nhiệm kỳ qua, huyện Bảo Lâm cũng như xã Lộc Phú đã có những định hướng quan trọng và đã ban hành các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cùng với đó, người dân nơi đây với tính cần cù, chịu khó, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đã tận dụng được lợi thế về đất đai, khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Từ đó, xã Lộc Phú ngày càng phát triển và đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, diện mạo nông thôn ngày càng đổi thay. Đến tháng 3/2017, Lộc Phú chính thức được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Lộc Phú hôm nay là vùng đất trù phú, tốt tươi với cây trồng chủ lực là cà phê

Lộc Phú hôm nay là vùng đất trù phú, tốt tươi với cây trồng chủ lực là cà phê

Sau 30 năm, từ chỗ tổng diện tích các loại cây trồng chủ lực như chè, cà phê chỉ có chưa đến 200 ha, thì đến năm 2024, toàn xã Lộc Phú đã có hơn 4.300 ha cà phê, hơn 90 ha chè, đặc biệt là diện tích cây ăn quả các loại đạt gần 270 ha… Cùng với tăng diện tích thì sản lượng cà phê, chè và một số loại cây trồng khác cũng không ngừng được nâng cao. Nhờ đó, kinh tế của xã tiếp tục phát triển và duy trì ổn định; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 66 triệu đồng/người/năm, tăng 129% so với đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 chỉ ở mức 51 triệu đồng/người/năm.

Một điểm đáng ghi nhận của xã Lộc Phú trong thời gian gần đây là công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Đảng bộ, Chính quyền và cả hệ thống chính trị đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ rừng cho Nhân dân trong xã, nhất là hộ dân sống ven rừng, có đất canh tác giáp ranh rừng. Các bộ phận chuyên môn của xã đã phối hợp với các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng. Vì vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã giảm rõ rệt.

Lãnh đạo Báo Lâm Đồng trao học bổng và quà cho học sinh xã Lộc Phú tại chương trình Trung thu Yêu thương do Chi Đoàn Báo Lâm Đồng phối hợp với địa phương tổ chức

Lãnh đạo Báo Lâm Đồng trao học bổng và quà cho học sinh xã Lộc Phú tại chương trình Trung thu Yêu thương do Chi Đoàn Báo Lâm Đồng phối hợp với địa phương tổ chức

Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng an ninh cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Ông Nguyễn Công Lợi - Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, cho biết: “Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng. Đến nay, có 6/6 thôn trong toàn xã đạt thôn văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 97%; có 5 khu dân cư tiêu biểu và 1 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận.

Các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa luôn được địa phương quan tâm, chú trọng. Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai đồng bộ có hiệu quả. Trong thời gian qua, đã vận động xây dựng được trên 55 căn nhà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã.

Công tác xóa đói giảm nghèo tập trung chú trọng hỗ trợ người dân tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ, giống cây trồng vật nuôi, vật tư nông nghiệp để tăng năng suất; chú trọng phát triển kinh tế đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, hộ khá và giàu của xã ngày càng tăng, hộ nghèo ngày càng giảm. Đến tháng 12/2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7 hộ, chiếm 0,79% số hộ của toàn xã. Đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt”.

Bà Võ Thị Viết Kha - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Phú (thứ 3, từ phải sang) nhận giấy khen của Huyện ủy Bảo Lâm dành cho Đảng bộ cơ sở xã Lộc Phú đạt tiêu chuẩn Hoàn thành Xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu năm 2024

Bà Võ Thị Viết Kha - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Phú (thứ 3, từ phải sang) nhận giấy khen của Huyện ủy Bảo Lâm dành cho Đảng bộ cơ sở xã Lộc Phú đạt tiêu chuẩn Hoàn thành Xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu năm 2024

Nhìn lại chặng đường 30 năm đã qua, có thể thấy xã Lộc Phú đã có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Có được kết quả đó chính là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong xã. Bà Võ Thị Viết Kha - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Phú cho biết: Từ Chi bộ xã chỉ có 11 đảng viên vào thời điểm mới thành lập, đến nay, Đảng bộ xã Lộc Phú đã có 11 chi bộ với 120 đảng viên. Trong 30 năm qua, công tác xây dựng Đảng, chính quyền được Đảng ủy xã quan tâm triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả; hệ thống chính trị được củng cố, công tác phát triển đảng viên được chú trọng nâng cao về chất lượng và số lượng. Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, năm 2024, Đảng bộ cơ sở xã Lộc Phú đã được Huyện ủy Bảo Lâm công nhận đạt tiêu chuẩn Hoàn thành Xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu.

Những thành tựu này không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân mà còn xây dựng một xã hội an toàn, văn minh và phát triển bền vững. Đây chính là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lộc Phú cùng ra sức thi đua lao động sản xuất, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

“Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định xã Lộc Phú đã vững bước đi lên với khát vọng vươn mình cùng địa phương. Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đã và đang tạo ra nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng bộ, chính quyền và toàn thể Nhân dân xã Lộc Phú phải nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày vững mạnh” - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Phú Võ Thị Viết Kha chia sẻ.

30 năm là chặng đường không quá dài, nhưng cũng đủ để các thế hệ tiếp nối, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay có thêm niềm tin và động lực để phát huy truyền thống cách mạng, góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang trong giai đoạn cách mạng mới với quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển toàn diện và bền vững như chính tên gọi và sự kỳ vọng của thế hệ đi trước khi chọn Lộc Phú để đặt tên cho vùng đất đầy tiềm năng và thế mạnh, có nhiều cơ hội để vươn mình trong tương lai không xa.

ĐÔNG ANH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202412/tu-xa-6-anh-hung-den-xa-nong-thon-moi-phat-trien-toan-dien-ben-vung-a9d1c24/