Từ xã nghèo trở thành vùng quê đáng sống
Khoảng 9 năm trước, Bảo Quang là xã khó khăn, thuần nông của TP.Long Khánh. Phần lớn các tuyến đường thôn, xóm, nội đồng trong xã là những con đường đất nắng bụi, mưa lầy.
Ngày nay, xã Bảo Quang đã hoàn toàn thay áo mới với danh xưng xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Hệ thống hạ tầng giao thông, trường, trạm… được nâng cấp, làm mới khang trang, sạch đẹp; cuộc sống người dân được nâng lên, trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM của thành phố.
* Vững danh làng nghề trồng nấm
Năm 2019, ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang) được UBND tỉnh công nhận Làng nghề trồng và sơ chế nấm. Không lâu sau đó, HTX Nấm Bảo Quang ra đời, khẳng định sự quyết tâm của người dân trong việc gìn giữ, phát triển làng nghề trồng nấm theo hướng bền vững, có thương hiệu riêng.
Ông Nguyễn Trí Hùng, hộ trồng nấm tại làng nghề Bàu Cối cho biết, hơn 20 năm làm nghề trồng nấm, mặc dù có những lúc gặp khó khăn do rớt giá hay thất mùa nhưng bản thân ông Hùng cũng như nhiều người dân nơi đây vẫn cố gắng theo đuổi nghề trồng nấm, bởi đây là nghề đã hình thành từ lâu và trở thành một phần trong cuộc sống của người dân. Vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giá nấm giảm mạnh khiến nông dân gặp nhiều khó khăn; trong khi giá thành phôi nấm rất cao, khiến cho chi phí đầu vào tăng nên khi nấm thành phẩm mất giá, người nông dân gặp khó vì không có lợi nhuận sau vụ trồng nấm dài ngày. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá nấm ở mức cao nên người dân “dễ thở” hơn.
Làng nghề trồng và sơ chế nấm hiện có khoảng 160 hộ dân tham gia. Hiện người dân làng nấm chủ yếu trồng các loại nấm mèo, bào ngư, nấm sò, nấm linh chi…; tùy vào đặc điểm thời tiết từng mùa, người trồng nấm sẽ chọn loại giống trồng thích hợp.
Giám đốc HTX Nấm Bảo Quang Phạm Văn Hòa cho biết, để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm, UBND xã đang hỗ trợ người trồng nấm hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân. Nếu chương trình thành công sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
* Xây dựng vùng quê đáng sống
Có diện tích gần 3,5 ngàn ha với hơn 3 ngàn hộ dân, gần 1 ngàn nhân khẩu, Bảo Quang là xã có điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu tương đối thuận lợi, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp đều cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Trong những năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài làng nghề trồng nấm, xã Bảo Quang tập trung phát triển cây chủ lực của xã như mít, bưởi..., giá trị sản phẩm thu hoạch với đất trồng cây lâu năm là 219 triệu đồng/ha/năm. Cùng với những kết quả nổi bật về lĩnh vực y tế, nông nghiệp, giáo dục…, tháng 1-2022, xã Bảo Quang được UBND tỉnh công nhận xã NTM kiểu mẫu.
Không dừng lại ở đó, với đặc thù làng nghề trồng nấm và sơ chế nấm, người dân có cuộc sống ổn định, nhất là sự đồng lòng chung tay góp sức của nhân dân, khu Bàu Cối được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu năm 2021.
Chia sẻ về những kết quả xã Bảo Quang đã đạt được, đặc biệt là Khu dân cư kiểu mẫu Bàu Cối, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Quang Nguyễn Thị Uyên Quyên cho biết, Khu dân cư Bàu Cối có 130 hộ, 520 khẩu. Tổng kinh phí thực hiện xây dựng khu dân cư Bàu Cối kiểu mẫu ước khoảng 15,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 9 tỷ đồng. Theo bà Quyên, Bảo Quang đang trở thành vùng quê có nông nghiệp phát triển, vùng quê trong lành, đáng sống.
Khảo sát tình hình xây dựng NTM kiểu mẫu tại địa phương gần đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN đánh giá cao vai trò và những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong định hướng, lựa chọn xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu. Kết quả trên là nhờ chính quyền địa phương và người dân đã chung sức trong xây dựng NTM. Đặc biệt là người dân tin, tín nhiệm và đồng thuận với chủ trương, chính sách của cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo nên mọi thành công.