Tự ý đắp lá trị thủy đậu, trẻ nhập viện do nhiễm trùng nặng

Thủy đậu nếu không được điều trị đúng cách, có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như bội nhiễm da, viêm phổi, viêm màng não…

Mặc dù tại thời điểm này, Hà Nội chưa bùng phát dịch thủy đậu, tuy nhiên số trẻ mắc thủy đậu cũng ghi nhận gia tăng tại nhiều bệnh viện. Trong đó, có một số ca gặp biến chứng bội nhiễm da, viêm phế quản, viêm họng, viêm phổi…

Điển hình là trường hợp cháu bé Nguyễn Văn N. (Vĩnh Phúc) được mẹ đưa vào khám với tình trạng nhiễm trùng nặng. Mẹ cháu cho biết, con bị thủy đậu, nghe người dân xung quanh mách lấy kim chọc các nốt rồi bôi đắp lá lên nốt mụn cho nhanh khỏi. Kết quả, bé phải nhập viện. Bác sĩ cho biết, N. bị bội nhiễm da khiến cháu đau, ngứa khắp cơ thể.

Bà mẹ chia sẻ thêm, N. chưa tắm trong 5-6 ngày qua, chỉ thay quần áo vì cho rằng bệnh thủy đậu cần kiêng nước, kiêng gió.

1. Thủy đậu nếu chăm sóc không đúng cách có thể gây biến chứng

TS.BS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho virus gây bệnh thủy đậu phát triển và lây lan.

Dấu hiệu nhận biết là phát ban da với mụn nước đỏ, ngứa, sau đó chúng đóng vảy và bong ra. Các triệu chứng xuất hiện trong vòng 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Một số trẻ chỉ xuất hiện một vài nốt, trong khi những trẻ khác có thể có các nốt bao phủ toàn bộ cơ thể. Những nốt này thường xuất hiện trên mặt, tai, da đầu, ngực, cánh tay và chân.

Người bệnh thường phục hồi trong khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu chăm sóc không đúng cách, thủy đậu có thể gây biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm màng não…

Các triệu chứng thủy đậu xuất hiện trong vòng 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus.

Các triệu chứng thủy đậu xuất hiện trong vòng 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus.

2. Cách điều trị thủy đậu

Hiện bệnh thủy đậu không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng, giữ người bệnh không bị mất nước.

Khi trẻ mắc thủy đậu, ngoài việc hạ sốt và uống thuốc theo đơn bác sĩ, phụ huynh cần lưu ý vệ sinh các nốt tổn thương da rất quan trọng. Chăm sóc không cẩn thận, đúng cách sẽ dẫn đến hệ quả nhiễm trùng, để lại sẹo và có thể bội nhiễm, gây nhiễm trùng các cơ quan khác.

Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị thủy đậu bao gồm:

- Thuốc giảm đau, hạ sốt(paracetamol): Cần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ khi sốt cao hoặc đau nhức do thủy đậu, đặc biệt giúp giảm đau khi có các tổn thương ở miệng.

Không dùng aspirin để hạ sốt do thủy đậu vì có thể dẫn đến căn bệnh nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye, ảnh hưởng đến gan và não, thậm chí tử vong. Ngoài ra, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo tránh điều trị bằng ibuprofen nếu có thể vì nó có liên quan đến nhiễm trùng da do vi khuẩn đe dọa tính mạng.

- Thuốc bôi tại chỗ nhằm mục đích sát trùng như xanh-methylen, chỉ dùng khi nốt thủy đậu bị vỡ để nốt phỏng khô nhanh, ngừa bội nhiễm.

Với trường hợp trẻ ngứa nhiều, có thể cho trẻ uống thuốc kháng histamin để giảm ngứa theo đơn của bác sĩ.

Ngoài ra, để giúp trẻ giảm ngứa, tránh gãi để lại sẹo khó lành, phụ huynh có thể sử dụng gạc ướt mát hoặc tắm trong nước ấm. Sau khi tắm, dùng khăn khô lau cơ thể nhẹ nhàng, tránh chà xát. Trường hợp trẻ bé, có thể cho trẻ đeo bao tay cho trẻ để tránh gãi trong khi ngủ, cắt móng tay gọn gàng.

Nếu trẻ có vết phồng rộp trong miệng gây ảnh hưởng đến ăn uống, cho trẻ ăn thức ăn lạnh, mềm, nhạt. Tránh cho trẻ uống nước cam chứa nhiều axit, gây đau, khó chịu.

Chỉ dùng xanhmethylen khi nốt phỏng của bệnh thủy đậu bị vỡ.

Chỉ dùng xanhmethylen khi nốt phỏng của bệnh thủy đậu bị vỡ.

3. Lưu ý tránh gặp phải sai lầm trong điều trị thủy đậu

Để tránh trường hợp gặp phải biến chứng do thủy đậu, cần lưu ý:

Không tự tiện dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Thủy đậu là bệnh gây ra do virus, thuốc kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng. Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể dẫn đến biến chứng khó lường, gia tăng nguy cơ kháng thuốc.
Không tự ý bôi các loại thuốc nam, tắm nước lá… có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng nghiêm trọng.
Không cần thiết phải kiêng nước, kiêng tắm. Trẻ cần được tắm rửa bình thường trong phòng kín gió để tránh nhiễm lạnh. Lưu ý không chà vỡ mụn nước. Trẻ không tắm có thể bị ngứa nhiều hơn, gãi nhiều gây loét da và càng nặng hơn.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Điều gì xảy ra khi sử dụng cốc nước trong một tuần không rửa | SKĐS

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-y-dap-la-tri-thuy-dau-tre-nhap-vien-do-nhiem-trung-nang-169230328155417148.htm