Tự ý đập phá công trình xây dựng trái phép có bị tội?
Xây dựng trái phép trên đất do Nhà nước quản lý là hành vi vi phạm pháp luật, việc xử lý thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước; nếu tự ý đập phá sẽ bị xử hình sự.
Ngày 3-10, TAND Tối cao có thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự; dân sự, tố tụng dân sự… gửi đến các TAND và tòa án quân sự; các đơn vị thuộc TAND Tối cao.
Trước đó, ngày 24-4, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã tổ chức hội nghị trực tuyến giải đáp vướng mắc xét xử.
Bị truy cứu hình sự nếu đập phá công trình xây dựng trái phép
Tại hội nghị trực tuyến, một số tòa đặt vấn đề: Thực tế nhiều người xây dựng nhà, công trình… trái phép trên đất lấn chiếm. Sau đó một số người khác đến, tiếp tục lấn chiếm phần đất này rồi đập phá nhà, công trình… đã xây dựng trái phép. Hành vi này có cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản?
Trong công văn giải đáp thắc mắc, TAND Tối cao trả lời rằng việc xây dựng trái phép trên diện tích đất do Nhà nước quản lý là hành vi vi phạm Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc xử lý hành vi vi phạm đó như thế nào và bằng biện pháp gì thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Nếu có hành vi lấn chiếm rồi đập phá nhà, công trình, kiến trúc đã xây dựng trái phép thì vẫn bị xử lý tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS.
Một thắc mắc khác: Bị cáo có hành vi lừa đảo, trong đó văn phòng công chứng (VPCC) thực hiện việc công chứng đối với các hợp đồng, giấy tờ, tài liệu (do bị cáo làm giả), tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, công chứng viên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vậy có buộc VPCC liên đới bồi thường hay không?
Giải đáp thắc mắc, TAND Tối cao cho biết: Nếu không có chứng cứ chứng minh công chứng viên đồng phạm cũng như sử dụng số tiền bị cáo chiếm đoạt; đồng thời VPCC thực hiện công chứng theo quy định pháp luật, không thể biết được thủ đoạn gian dối của bị cáo thì không thể buộc VPCC liên đới bồi thường, mà chỉ buộc bị cáo có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt.
Có được thế chấp sổ tiết kiệm là tài sản chung?
Trong lĩnh vực dân sự, tố tụng dân sự… cũng có nhiều câu hỏi được TAND Tối cao giải đáp vướng mắc.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng và Mục 3 Điều 6 Quyết định 1160/2014/QĐ-NHNN thì người đứng tên trên thẻ tiết kiệm (sổ tiết kiệm) có toàn quyền quyết định đối với số tiền trong thẻ. Trường hợp người chồng hoặc người vợ (người đứng tên chủ thẻ) thế chấp sổ để vay tiền ngân hàng mà người không đứng tên không biết thì hợp đồng thế chấp có hiệu lực?
TAND Tối cao giải đáp: Trường hợp này, hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp giao dịch với người thứ ba không ngay tình theo quy định tại Điều 8 Nghị định 126/2014 (hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình - HN&GĐ).
TAND Tối cao lý giải: Căn cứ khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ thì trong giao dịch với người thứ ba ngay tình, vợ/chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.
Điều 8 Nghị định 126/2014 quy định: Người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với vợ/chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu thì bị coi là không ngay tình trong những trường hợp sau đây:
Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 Nghị định 126/2014 mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó; vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản, còn người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng.
Những trường hợp chỉ vợ hoặc chồng bán đất nhưng vẫn có hiệu lực
. Các tòa hỏi: Nếu bất động sản là tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ có một bên ký hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng (mua bán), thế chấp…; bên còn lại không tham gia ký kết, không đồng ý đối với các hợp đồng đó; các hợp đồng không vi phạm các điều kiện có hiệu lực khác. Vậy hợp đồng vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu một phần?
+ TAND Tối cao trả lời: Căn cứ Điều 130 BLDS; khoản 1 Điều 29, Điều 35 Luật HN&GĐ thì việc định đoạt tài sản chung là bất động sản phải do vợ chồng thỏa thuận hoặc phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của cả hai. Do đó, nếu vợ chồng không có thỏa thuận định đoạt tài sản chung hoặc không có văn bản thỏa thuận phân chia tài sản; chỉ có một bên đồng ý, tham gia ký kết hợp đồng… thì hợp đồng đó vô hiệu toàn bộ.
Tuy nhiên, trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-y-dap-pha-cong-trinh-xay-dung-trai-phep-co-bi-toi-post755497.html