Tự ý mua thuốc điều trị bệnh: Nguy hiểm khó lường
Dù đã có quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc nhưng trên thực tế, người dân vẫn có thói quen tự mua thuốc điều trị, nhân viên các nhà thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn.
Quan sát thực tế tại một số quầy thuốc tân dược trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), tình trạng mua thuốc không kê đơn diễn ra khá phổ biến. Nhiều trường hợp chỉ đến quầy thuốc mô tả về các triệu chứng bệnh sau đó được dược sĩ bán thuốc. Việc này không chỉ diễn ra ở các loại thuốc thông thường như hạ sốt, giảm đau, ho, sổ mũi, cảm cúm... mà nhiều loại kháng sinh và cả các loại thuốc thuộc diện bắt buộc phải bán theo đơn vẫn được các cửa hàng dược bán một cách tự do.
Là một người "tham công tiếc việc" nên khi có các triệu chứng mệt mỏi, suy nhược cơ thể hay bị cảm, sốt, chị Trần Phương Hằng (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) không cần đi khám mà chỉ đến quâỳthuốc quen thuộc trên đường Hoàng Diệu để mua về uống. Chị chỉ đến bệnh viện khi bệnh quá nặng hoặc uống thuốc lâu ngày không khỏi.
Hay như trường hợp con gái 6 tuổi của chị Lê Thị Hương (xã Ea M’Nang, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) bị đau bụng nhưng không được cha mẹ đưa đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán mà tự ý mua thuốc về cho con uống. Sau 3 ngày uống thuốc, tình trạng đau bụng vẫn không thuyên giảm, cháu biếng ăn, da dẻ xanh xao, lúc này gia đình mới đưa cháu đi bệnh viện khám. Kết quả cháu bị viêm đường ruột.
Bác sĩ cho biết, việc tự ý cho con uống thuốc mà không biết nguyên nhân như con gái chị Hương sẽ rất nguy hiểm, bệnh viêm đường ruột nếu để lâu, không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn hoặc viêm loét đường tiêu hóa.
Người mua thuốc không hiểu về tác hại của việc tự ý dùng thuốc đã đành, nhưng người bán thuốc cũng tùy tiện, không phải bác sĩ nhưng chỉ cần nghe người mua mô tả về triệu chứng bệnh là bán ngay mà không tuân thủ đúng quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn đã được Bộ Y tế ban hành.
Theo các chuyên gia y tế, kháng sinh chỉ được sử dụng khi bị các bệnh nhiễm khuẩn và được bác sĩ chỉ định dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ gây nhiều tác hại.
Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc, từ đó, dễ gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra. Đó là chưa kể đến việc điều trị tại nhà kéo dài không đúng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém về kinh tế.
Việc mua và dùng thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ và dùng không đủ liều có thể gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Hậu quả của việc kháng thuốc kháng sinh là rất nghiêm trọng, có nhiều trường hợp các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Ngoài ra, việc tự ý dùng thuốc thuốc giảm đau cũng tai hại không kém. Thuốc giảm đau khiến chúng ta tưởng bệnh đã đỡ nhưng thực ra bệnh vẫn tiến triển và hậu quả không thể lường hết được do chậm trễ trong việc mổ cấp cứu đối với các bệnh như viêm ruột thừa, viêm tụy cấp... Một số thuốc có thể gây dị ứng, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Có thuốc dùng lâu ngày sẽ dẫn đến nguy cơ gây loãng xương, cao huyết áp... nhất là các thuốc corticoid dùng để trị đau nhức.
Việc tự ý mua thuốc sẽ gây ra những hậu quả khó lường, vì vậy, người dân không nên tự ý mua sử dụng tại nhà, đặc biệt là kháng sinh, thuốc đặc trị và không dùng thuốc kéo dài trong nhiều tháng khi không có chỉ định của bác sĩ. Khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh, cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng, hiệu quả, tránh dẫn đến những hậu quả, biến chứng đáng tiếc.