Tua Hai - Trận mở màn cho cao trào Đồng khởi ở miền Nam
Trận Tua Hai, Tây Ninh (26-1-1960) diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 1-1959) đến với đồng bào miền Nam như nắng hạn gặp mưa rào, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của cán bộ và đồng bào miền Nam, đó là ngọn đuốc soi đường về vận dụng phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; xu hướng phát triển từ khởi nghĩa của nhân dân, tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước.
Tua Hai là căn cứ của trung đoàn 32, sư đoàn 21 ngụy quân Sài Gòn nằm trên Quốc lộ 22, phía tây bắc thị xã Tây Ninh khoảng 6km (nay thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Tại căn cứ quân sự Tua Hai có một kho vũ khí lớn để cung cấp trang bị cho các đơn vị quân đội ngụy; là nơi huấn luyện, đào tạo lực lượng biệt kích; là bàn đạp xuất phát cho các cuộc hành quân càn quét của địch ở vùng Tây Ninh và các khu vực khác, có cố vấn Mỹ chỉ huy.
Xứ ủy Nam Bộ đã quyết định chọn Tua Hai để tiến công và giao cho Ban quân sự Miền Đông Nam Bộ trực tiếp tổ chức và chỉ huy trận đánh. Lực lượng của ta gồm: 3 Đại đội Bộ binh (50, 60, 70), Đại đội Đặc công 80 thuộc Ban quân sự Miền Đông Nam Bộ và một số đơn vị vũ trang tỉnh Tây Ninh, quân số khoảng 300 đồng chí, kết hợp với lực lượng nội ứng (nội tuyến) do tỉnh Tây Ninh xây dựng trong Tua Hai và 300 dân công phục vụ chiến đấu. Tuy vậy, tương quan so sánh lực lượng, địch có phần trội hơn ta về vũ khí, trang bị và quân số, chúng lại đóng quân trong căn cứ có công sự vững chắc, nhưng căn cứ của địch không có hàng rào kẽm gai, tuần tra canh gác chủ quan, ban đêm thường chỉ có một tiểu đoàn trực chiến...
Đúng 0 giờ ngày 26-1-1960, dưới sự chỉ huy của Trưởng ban Quân sự Miền Đông Nam Bộ, ta đã áp sát căn cứ, hình thành 4 hướng, đồng loạt tiến công. Phối hợp với lực lượng nội ứng bên trong, đặc công tập kích vào sở chỉ huy trung đoàn 32 và khu nhà ở sĩ quan, làm cho quân địch hoàn toàn bị động, bất ngờ. Các hướng khác cũng đồng loạt tiến công vào khu trại lính, kho vũ khí, nhà xe, ta còn lấy súng địch đánh địch, tạo điều kiện cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Do bị động, bất ngờ nên địch chống trả yếu ớt, một số dựa vào công sự ở phía đông bắc chống trả, nhưng sau đó cũng bị tiêu diệt. Sau 3 giờ chiến đấu, ta đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Tua Hai, diệt 76 tên, bắt giáo dục, thả tại chỗ hơn 400 tên, thu 1.500 súng các loại, 25 máy thông tin cùng nhiều trang bị khác.
Trận Tua Hai có ý nghĩa rất lớn về chính trị và nghệ thuật quân sự đối với cách mạng miền Nam ở những điểm sau đây:
Thứ nhất, đây là một trận đánh then chốt đầu tiên của lực lượng vũ trang còn rất non trẻ của cách mạng miền Nam, chỉ sau Đồng khởi Bến Tre 7 ngày, tiêu diệt lớn một căn cứ quân sự cấp trung đoàn của địch, mở đầu cho thời kỳ kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang ở miền Đông Nam Bộ và toàn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hỗ trợ cho cao trào Đồng khởi ở Tây Ninh và cả miền Nam, thể hiện sự chỉ đạo sắc bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ trong quán triệt và bước đầu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15 của Trung ương.
Thứ hai, là đòn đánh mạnh vào ý chí và tâm lý của quân đội và hệ thống chính quyền ngụy Sài Gòn, làm chúng hoang mang, lo sợ trước sức mạnh và quyết tâm chiến đấu của quân, dân miền Nam. Phái đoàn cố vấn Mỹ và bộ tổng tham mưu quân ngụy sau khi xem xét trận Tua Hai đã chua xót thừa nhận: ‘‘Căn cứ Nguyễn Thái Học (Tua Hai) có cả một trung đoàn chủ lực với một chi đội xe thiết giáp, đại đội pháo nòng dài mà Việt cộng còn dám đánh, hỏi còn chỗ nào mà Việt cộng không đụng tới?".
Thứ ba, đây là trận tập kích điển hình của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam, đạt hiệu suất chiến đấu cao, bắt được số lượng lớn tù binh (hơn 400 tên), thu được số lượng lớn vũ khí, trang bị, ta thương vong ít, trong điều kiện tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch lớn. Trận đánh diễn ra nhanh, bất ngờ, chỉ huy và những lực lượng chủ yếu của địch bị đánh phủ đầu, không kịp phản ứng, đối phó.
Thứ tư, về nghệ thuật quân sự, đó là nghệ thuật lựa chọn mục tiêu, thời cơ tiến công vào nơi hiểm yếu, nằm sát trung tâm tỉnh lỵ Tây Ninh, chỉ cách Sài Gòn khoảng 100km nên tạo tiếng vang lớn. Đó còn là nghệ thuật sử dụng lực lượng hợp lý, phát huy được sức mạnh tổng hợp kết hợp giữa bộ binh với đặc công; giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương; giữa lực lượng nội ứng bên trong và tiến công từ ngoài; nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận, hình thành 3 mũi giáp công (đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh vận), nét độc đáo của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đó còn là bài học về lãnh đạo, chỉ huy, hiệp đồng và bảo đảm. Một trận đánh của cấp chiến thuật, nhưng có sự chỉ đạo của cấp chiến lược (Xứ ủy Nam Bộ), sự chỉ huy của cấp chiến dịch (Ban quân sự Miền Đông Nam Bộ), sự phối hợp, hiệp đồng với Tỉnh ủy Tây Ninh và nhân dân địa phương trong phục vụ, bảo dảm chiến đấu nên đã đạt được ý nghĩa về mặt chiến lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta.
Trung tướng, GS, TS NGUYỄN NGỌC THANH (nguyên Phó giám đốc Học viện Quốc phòng)