Tuấn Anh và những bức tranh hy vọng
Tôi gặp Tuấn Anh khi đến lớp học vẽ thiếu nhi Họa Mi ở tổ 5, phường Phùng Chí Kiên (thành phố Bắc Kạn) của chị Nguyễn Thị Toàn. Giữa những em bé lũn chũn, Tuấn Anh nổi bật với gương mặt có phần già dặn. So với tuổi 21, vóc người em bé nhỏ, nụ cười và cách giao tiếp ngây ngô vô cùng. Ngồi vẽ mải miết, tỉ mẩn, lâu lâu lại cắn bút đăm chiêu, ấy vậy mà khi có một em bé chưa biết lau bút, Tuấn Anh nhanh chóng di chuyển, đưa đôi tay xanh xao, cẩn thận giúp đỡ.
Mỉm cười nhìn Tuấn Anh, chị Toàn bảo: "Học trò đặc biệt của lớp đấy. Mới vào được hơn 2 tháng thôi. Ban đầu chị còn ngập ngừng không dám nhận mà giờ thấy tiến bộ rõ rệt luôn".
Tuấn Anh sinh năm 2003, hiện đang ở tổ 11c, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn). Do khi mới sinh bị thiếu tháng nên em thường xuyên phải nằm viện. Sức khỏe yếu, đau ốm triền miên nên đến năm 2 tuổi, em vẫn chỉ ngồi một chỗ, không bò, không đứng và cũng không giao tiếp được. Chị Kiều Thu Hà, mẹ Tuấn Anh đã lặng người khi nghe bác sĩ bảo rằng “Con bị chậm phát triển, không có cách nào ngoài việc kiên trì hướng dẫn những sinh hoạt cơ bản cho bé”. Chị cùng gia đình đã giữ Tuấn Anh đứng dậy, nhấc chân dịch chuyển từng chút, đến gần 3 tuổi em mới chập chững những bước đầu tiên. Cứ thế Tuấn Anh cũng trải qua những sinh nhật đón tuổi mới, rồi em vào tiểu học, chỉ có điều, cân nặng và cả suy nghĩ của em dường như chỉ dừng lại ở lớp mẫu giáo.
Cậu bé gầy gò, nhỏ xíu vẫn lặng lẽ đến lớp, nhưng dù cố gắng bao nhiêu em cũng không học vào đầu, em luôn căng thẳng, sợ hãi mỗi khi nhìn lên bảng. Điều Tuấn Anh thích nhất vẫn là chơi với các em bé và giúp đỡ mọi người. Học đến lớp 6, Tuấn Anh xin mẹ cho ở nhà.
Chị Hà tâm sự: "Tuấn Anh rất lành, khi con xin nghỉ tôi biết rằng con đã cố gắng nhiều nhưng không thể học được nữa. Vậy là từ ấy cháu chỉ quanh quẩn trong nhà, ra vào làm việc vặt. Nhiều năm liền tôi đã rất lo lắng khi thấy con cứ ngơ ngác, cô độc. Tôi đã thử gợi ý cho con đi học các lớp ngoại khóa như bơi, võ… nhưng con đều không đồng ý. Tôi còn hỏi xuống Hà Nội, dự định cho thằng bé đi học trường dành cho trẻ khuyết tật để tìm ra một niềm vui cho con, nhưng Tuấn Anh nhất định không đồng ý và tỏ ra rất sợ".
Khác với lo lắng ban đầu của tôi, Tuấn Anh lại là một chàng trai rất dễ nói chuyện. Em luôn luôn nở nụ cười, tôi hỏi gì em cũng đều trả lời, dù rằng những câu nói ấy không dài. Chỉ duy nhất khi nhắc đến vẽ, em sẽ nói nhiều hơn một chút: "Năm 2018 em thử tập vẽ chữ 3D, rồi em tô màu, rồi em vẽ các nhân vật hoạt hình. Thích lắm. Sau đó em vẽ theo các hình sẵn có, em vẽ khắp nhà, vẽ cả lên thành giường… Mẹ cho em đi học vẽ, lúc đầu em sợ đến lớp, sợ gặp nhiều người không quen, mẹ bảo cứ đi thử nếu không thích thì lại về nhà".
Khi tôi bảo em vẽ một bức tranh mà em đang muốn thực hiện nhất, em lựa chọn vẽ chì. Bàn tay em thành thành thục khoanh hình tròn to, rồi ngòi bút chì đậm nhạt vẽ nên cây cầu, dòng sông, có mặt trời và cả những cánh chim phía xa. Tuấn Anh bảo em thích vẽ tranh phong cảnh, và khi vẽ lên tranh, em có thể tưởng tượng rằng mình đang ở đó.
Chị Nguyễn Thị Toàn cho biết: Tuấn Anh đi học rất đều, cả sáng cả chiều và không nghỉ ngày nào. Học sinh đặc biệt này tiến bộ rất nhanh, cách sử dụng màu sáng tạo. Em ít nói, chỉ khi nào không làm được mới hỏi. Ngay từ đầu em đã không thích cô vẽ giúp, cô chỉ hướng dẫn cơ bản em sẽ tự vẽ nên tranh của riêng mình. Tôi thấy Tuấn Anh rất có tiềm năng. Trong lớp các bé khác đều quý anh Tuấn Anh. Mỗi khi có ai cần giúp đỡ, Tuấn Anh sẽ nhanh chóng lại gần, hướng dẫn nhẹ nhàng. Đây thật sự là một cậu bé có trái tim ấm áp".
Tuấn Anh bảo rằng, em ước mơ sau này sẽ trở thành họa sĩ, để có thể vẽ tranh và mang niềm vui đến cho mọi người. Chúc cho ước mơ của Tuấn Anh sẽ trở thành hiện thực, vượt qua mọi khó khăn phía trước để vẽ lên những sắc màu ý nghĩa cho cuộc đời của riêng mình./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/tuan-anh-va-nhung-buc-tranh-hy-vong-post57765.html