Tuần Giáo đưa mắc ca thành cây xóa đói giảm nghèo

Tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Tuần Giáo xác định mắc ca là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương phát triển cây mắc ca, vận động và hỗ trợ nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mắc ca để vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường trồng mắc ca tại bản Cang, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường trồng mắc ca tại bản Cang, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo.

Cây mắc ca được trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Tuần Giáo từ năm 2013. Đến năm 2016, cây mắc ca được trồng nhiều hơn với diện tích lên tới hàng trăm héc-ta theo hình thức liên kết giữa người dân với nhà đầu tư. Sau thời gian trồng, chăm sóc, vài năm trở lại đây một số diện tích mắc ca bắt đầu cho thu hoạch với chất lượng quả tốt và giá trị kinh tế cao. Nguồn thu nhập từ cây mắc ca mở ra hướng đi trong việc lựa chọn cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo Lò Văn Cương chia sẻ: Cây mắc ca có tuổi thọ hàng trăm năm, vừa có tác dụng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng, nhu cầu thị trường lớn. Trừ chi phí, việc mắc ca có thể cho thu nhập từ 120 - 130 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Đây là cây trồng được đánh giá phù hợp với địa bàn của huyện, có thể giúp người dân xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu. Vì vậy, huyện xác định phát triển diện tích cây mắc ca trên địa bàn là chủ trương lớn, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên và người dân tham gia ngày hội trồng mắc ca huyện Tuần Giáo năm 2024.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên và người dân tham gia ngày hội trồng mắc ca huyện Tuần Giáo năm 2024.

Huyện Tuần Giáo đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca; hướng dẫn bà con kỹ thuật đào hố, trồng và chăm sóc cây mắc ca; huy động cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, hội viên giúp các hộ đào hố, vận chuyển phân bón trồng mắc ca. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai hỗ trợ cây giống, phân bón để người dân mở rộng diện tích trồng mắc ca.

Huyện tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với người dân để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân. Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện đều tham dự gặp mặt để thông tin về định hướng phát triển cây mắc ca; giải đáp những thắc mắc, khó khăn của người dân trong quá trình trồng và chăm sóc cây mắc ca, nhất là quy trình kỹ thuật, thời gian chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ… Để đảm bảo thị trường tiêu thụ, huyện đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn TH. Theo đó, huyện Tuần Giáo cam kết tạo mọi điều kiện theo quy định để Tập đoàn và các đơn vị thành viên triển khai thực hiện dự án trồng mắc ca trên địa bàn. Đổi lại, Tập đoàn TH cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả mắc ca của huyện trong thời gian 50 năm.

Người dân huyện Tuần Giáo thu hái mắc ca.

Người dân huyện Tuần Giáo thu hái mắc ca.

Ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo khẳng định: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, diện tích trồng mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo không ngừng được mở rộng. Năm 2022 huyện trồng mới được 150ha mắc ca; đến năm 2023 huyện trồng mới gần 1.700ha mắc ca với sự tham gia của 2.800 hộ dân. Hiện nay, diện tích mắc ca được trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Qua đó, đã tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, tạo hướng xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân trên địa bàn.

Cán bộ khuyến nông xã Chiềng Đông cấp phát cây giống mắc ca cho người dân.

Cán bộ khuyến nông xã Chiềng Đông cấp phát cây giống mắc ca cho người dân.

Huyện Tuần Giáo đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có trên 8.000ha mắc ca, bình quân mỗi hộ dân sở hữu 100 cây mắc ca, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động và đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Năm 2024, huyện Tuần Giáo đã tuyên truyền, vận động được 5.500 hộ gia đình đăng ký trồng mắc ca, nâng tổng số hộ tham gia trồng mắc ca toàn huyện lên gần 8.000 hộ, chiếm gần 50% dân số làm nông nghiệp trên địa bàn. Tổng diện tích đăng ký trồng mới mắc ca năm nay là 3.300ha, đến nay huyện hoàn thành việc đào hố, trộn phân lấp hố và tiến hành cấp phát cây giống cho người dân các xã. Phấn đấu đến hết tháng 6/2024, huyện sẽ hoàn thành trồng 3.300ha mắc ca đảm bảo đúng kỹ thuật và thời vụ. Sau vụ trồng mới năm 2024, diện tích mắc ca trên địa bàn huyện sẽ nâng lên hơn 6.000ha, đưa huyện Tuần Giáo thành địa phương có diện tích mắc ca lớn trong cả nước.

Hộ nghèo xã Phình Sáng nhận hỗ trợ cây giống mắc ca.

Hộ nghèo xã Phình Sáng nhận hỗ trợ cây giống mắc ca.

Tại ngày hội trồng mắc ca năm 2024 và hội thảo về định hướng phát triển cây mắc ca, cây cà phê được huyện Tuần Giáo tổ chức vào ngày 23/5 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đánh giá cao hướng đi và cách làm của huyện Tuần Giáo. Kết quả trồng mắc ca trên địa bàn huyện là minh chứng cho thấy sự quyết tâm, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện chủ trương của tỉnh.

Người dân bản Xá Tự, xã Pú Nhung nhận phân bón hỗ trợ trồng mắc ca.

Người dân bản Xá Tự, xã Pú Nhung nhận phân bón hỗ trợ trồng mắc ca.

Với diện tích mắc ca đã trồng và sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Tuần Giáo sẽ thực hiện hiệu quả việc phát triển và mở rộng diện tích mắc ca, đưa mắc ca thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Bài, ảnh: Đức Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/215646/tuan-giao-dua-mac-ca-thanh-cay-xoa-doi-giam-ngheo