Tuần hành tại Nam Phi hối thúc chính phủ tuyên bố bạo lực giới là thảm họa quốc gia
Ngày 11/4, hàng trăm người dân Nam Phi đã xuống đường tuần hành, phản đối tình trạng bạo lực giới và các vụ tấn công gây chết người nhằm vào phụ nữ đang diễn ra tại nước này.

Các nhà hoạt động tham gia cuộc tuần hành yêu cầu tuyên bố bạo lực giới là thảm họa quốc gia ở Nam Phi ngày 11/4. (Nguồn: AFP)
Theo hãng tin AFP, sự kiện tuần hành này là một phần trong chuỗi các hoạt động tương tự diễn ra trên khắp Nam Phi trong ngày 11/4. Đoàn tuần hành đã di chuyển đến Tòa nhà Liên bang tại thủ đô Pretoria, nơi tọa lạc trụ sở Chính phủ và Phủ Tổng thống.
Tại đây, đại diện của những người tham gia đã trao bản kiến nghị tới Chính phủ. Mục tiêu của cuộc tuần hành là hối thúc Chính phủ tuyên bố bạo lực giới là một thảm họa quốc gia, từ đó triển khai các biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Bà Siphiwe George, nhà sáng lập tổ chức Women Waging War, đã vượt đường xa để tham gia cuộc tuần hành. Bà nhấn mạnh, việc chính thức công nhận bạo lực giới là thảm họa quốc gia sẽ tạo ra một bước ngoặt trong cách ứng phó với vấn nạn này, đồng thời mở ra cơ hội phân bổ nguồn lực cho các cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Hoa hậu Nam Phi Mia le Roux cũng hòa mình vào đoàn tuần hành, mặc trang phục màu đen và cùng hô vang các khẩu hiệu đanh thép.
Thống kê từ Liên hợp quốc cho thấy ở Nam Phi, quốc gia với 62 triệu dân, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đang ở mức cao nhất trên thế giới. Cứ 3 phụ nữ thì có một người từng trải qua các hình thức lạm dụng thể xác hoặc tình dục.
Theo số liệu mới nhất từ cảnh sát, trung bình mỗi ngày có ít nhất 129 vụ hiếp dâm được báo cáo. Một vụ việc gần đây làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận là trường hợp một bé gái 7 tuổi bị xâm hại tại trường học hồi năm ngoái, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đối tượng nào bị bắt giữ.
Vụ việc bắt đầu thu hút sự chú ý của dư luận cả nước vào tháng trước, sau khi mẹ của bé gái chia sẻ thông tin trên một podcast và các phương tiện truyền thông địa phương.
Ngày 9/4, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã công nhận sự cấp thiết phải khẩn trương giải quyết những bất cập pháp lý đang gây bất lợi cho những người sống sót sau bạo lực giới.
Phát biểu tại một hội nghị với các nữ thẩm phán, Tổng thống Ramaphosa khẳng định luật pháp không chỉ cần được ban hành mà còn phải được thực thi một cách nghiêm minh và những kẻ gây án phải chịu trách nhiệm tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.