Tuần làm việc 4 ngày có khả thi?
Những thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày trên thế giới đã thu được kết quả tích cực nhưng tại Việt Nam, liệu xu hướng này có cơ hội phát triển?
Tuần làm việc 4 ngày đang trở thành xu hướng, nhất là sau khi dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp (DN) trên thế giới. Người lao động (NLĐ) chỉ làm việc 32 giờ/tuần mà vẫn nhận được số lương tương đương thời gian làm việc 5 ngày (40 giờ) như cũ. Ý tưởng này xuất phát từ mục đích thu hút giới lao động trẻ (gen Z, sinh từ năm 1997 - 2012).
Nhiều lợi ích
Tập đoàn New World Development - nhà tuyển dụng việc làm tại Hồng Kông (Trung Quốc) - gần đây đã áp dụng 4 ngày làm việc mỗi tuần để "NLĐ duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống".
Ở Hàn Quốc, Tập đoàn công nghệ Kakao có hơn 10.000 nhân viên cũng đang lên kế hoạch thí điểm thời gian làm việc linh hoạt và ngắn hơn hiện tại, trong bối cảnh nước này đang đề xuất nâng thời gian làm việc lên đến 69 giờ/tuần. Trong khi đó, Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản) đã đưa ra chính sách làm việc 4 ngày/tuần, áp dụng cho khoảng 15.000 nhân viên và công bố kết quả rất tích cực.
Từ tháng 6 đến 12-2022, 61 DN tại Anh đã tham gia thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày. Các DN giữ nguyên lương cho NLĐ thuộc nhiều ngành nghề như: marketing (tiếp thị), tài chính, bán lẻ trực tuyến, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cả cửa hàng đồ ăn. Kết quả cho thấy 56/61 DN cho biết sẽ tiếp tục triển khai mô hình tuần làm việc 4 ngày, 18 DN khẳng định đây sẽ trở thành chính sách lâu dài của họ, chỉ có 3 công ty tạm dừng mô hình này.
Thử nghiệm cũng cho thấy sức khỏe tinh thần, thể chất của NLĐ tăng lên đáng kể. Họ có nhiều thời gian hơn dành cho luyện tập, sinh hoạt chung và hài lòng hơn với công việc khi làm việc 32 giờ/tuần. Tỉ lệ NLĐ bị căng thẳng, kiệt sức, mệt mỏi, gặp vấn đề về giấc ngủ cũng đều giảm.
Theo các nhà nghiên cứu, những lợi ích của mô hình tuần làm việc 4 ngày là khá nhiều. Xu hướng này ngày càng khả thi với một số lĩnh vực như: công nghệ, văn phòng hay tài chính. Kết quả thu được cho thấy mô hình này đã sẵn sàng cho bước tiếp theo, từ thử nghiệm chuyển sang áp dụng thực tiễn ở nhiều công ty.
Việt Nam: Có thể áp dụng nhưng khó
Trong khi nhiều DN trên thế giới đã ứng dụng mô hình làm việc 4 ngày/tuần thì DN Việt Nam vẫn còn áp dụng tuần làm việc 6 ngày. Rất ít DN cho NLĐ nghỉ 2 ngày cuối tuần, trừ một số cơ quan, đơn vị nhà nước.
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt, cho rằng tâm lý chung của NLĐ là lo ngại khi giảm giờ làm, thu nhập sẽ thấp. Tuy nhiên, kết quả thực tế đã chứng minh khi các DN giảm thời gian làm việc thì vẫn giữ nguyên lương, năng suất cũng có tín hiệu tích cực. Với NLĐ thuộc Gen Z - vốn có những đặc tính nổi bật, việc áp dụng xu hướng này có thể diễn ra trong thời gian tới.
"Thời gian làm việc giảm sẽ tác động đến sự hạnh phúc, hài lòng của NLĐ. Khi có nhiều thời gian nghỉ ngơi, họ có cơ hội cải thiện sự cân bằng trong công việc và cuộc sống. Mô hình làm việc này cũng giúp cải thiện mức độ gắn kết của NLĐ với công việc và DN" - bà Ngọc phân tích.
Tuy vậy, rất khó để áp dụng xu hướng tuần làm việc 4 ngày trên diện rộng tại Việt Nam trong bối cảnh năng suất lao động của nước ta còn khá thấp. Hơn nữa, nhiều ngành nghề thâm dụng lao động rất khó để áp dụng xu hướng này vì giá trị lợi nhuận tạo ra trên thời gian làm việc là không cao.
Ông Huỳnh Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển và Ứng dụng công nghệ Bách Khoa (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết năng suất lao động của Việt Nam khá thấp so với khu vực. Ông so sánh: Năng suất của lao động Singapore gấp 8,8 lần và lao động Malaysia gấp 3 lần lao động Việt Nam.
"Về lý thuyết, xu hướng làm việc 4 ngày/tuần có thể áp dụng được nhưng thực tế rất khó. Ví dụ, ở công ty tôi, hợp đồng lao động ghi rõ thời gian làm việc theo đúng luật nhưng thực tế, tôi cho NLĐ lựa chọn thời gian và hình thức làm việc, miễn là đúng tiến độ, đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra. Cho nên, có người chỉ làm 2 ngày/tuần, có người làm cả 7 ngày trong tuần mới xong việc" - ông Thắng dẫn chứng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/tuan-lam-viec-4-ngay-co-kha-thi-20230326202505993.htm