Tuần làm việc cuối Kỳ họp thứ 10, QH thông qua nhiều nghị quyết quan trọng
Theo chương trình nghị sự, sáng mai (16/11), Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp, trong đó sẽ biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua: Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về giải quyết vướng mắc liên quan đến đất quốc phòng, an ninh; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS (nếu đủ điều kiện)
Đồng thời, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Cuối cùng, tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu bế mạc, tổng kết kỳ họp cũng như nêu các quan điểm chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới.
Trong tuần làm việc vừa diễn ra, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021. Theo đó, mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%...
Đồng thời, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ba thành viên chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, cụ thể ông Huỳnh Thành Đạt giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế; bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đối với ông Trần Hồng Hà, ông Phạm Quốc Hưng và ông Ngô Hồng Phúc.
Đặc biệt, trong tuần, Quốc hội đã kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Tổng cộng đã có 121 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn; có 41 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.
Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo làm rõ, cụ thể thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu. Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trả lời trực tiếp chất vấn của Đại biểu Quốc hội.
Qua phiên chất vấn cho thấy, cơ bản việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội, tạo sự chuyển biến, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao đã được thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu. Kết quả đó được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất, cử tri ở các giới, giai tầng xã hội đều đánh giá cao phần phát biểu giải trình của Thủ tướng Chính phủ đã làm rõ hơn nhiều vấn đề được các đại biểu đề cập trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Cử tri đặc biệt tâm đắc với việc Thủ tướng khẳng định điều cần làm của dân tộc ta hiện nay là giữ vững tinh thần đoàn kết cùng khát vọng vươn lên và hy vọng tinh thần này của người đứng đầu Chính phủ sẽ lan tỏa tới toàn bộ hệ thống hành chính, tạo chuyển biến rõ nét trong thời gian tới./.