Tuần làm việc nhiều thứ 6 ở quốc gia có tỷ lệ sinh 'đội sổ' toàn cầu

Động thái của một số công ty có ảnh hưởng lớn làm dấy lên mối lo ngại về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở quốc gia từng coi thời gian làm việc kéo dài là điều bình thường.

"Trước đây, một tuần của tôi là thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ sáu, thứ sáu".

Đó là chia sẻ của ông Lim Hyung Kyu với New York Times trong bài viết có tựa đề Declaring "Crisis", South Korean Firms Tell Managers to Work 6 Days a Week (tạm dịch: Tuyên bố "Khủng hoảng", các công ty Hàn Quốc yêu cầu cấp quản lý làm việc 6 ngày một tuần).

Tín hiệu

Ông Lim là một giám đốc điều hành đã nghỉ hưu của Samsung Electronics hiện ở tuổi ngoài 70.

Ông gia nhập Samsung, công ty lớn nhất Hàn Quốc, vào năm 1976 và thăng tiến lên vị trí giám đốc công nghệ (CTO). Trong phần lớn 30 năm có lẻ tại Samsung, làm việc vào cuối tuần là điều bình thường với ông Lim - và cũng hợp pháp theo luật lao động của nước này.

"Tôi không bận tâm", ông Lim nói. "Với tôi, đó là niềm vui".

 Ông Lim Hyung Kyu. Ảnh: New York Times.

Ông Lim Hyung Kyu. Ảnh: New York Times.

Mọi thứ giờ đây đã khác. Luật lao động Hàn Quốc giới hạn thời gian làm việc ở mức 52 giờ/tuần: 40 giờ tiêu chuẩn với tối đa 12 giờ làm thêm. Cuối tuần thường là thời gian không được phép yêu cầu người lao động làm việc, và thế hệ trẻ cũng chú ý đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn so với thế hệ cha ông.

Tuy nhiên, trong vài tháng qua, một số công ty có tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc đã yêu cầu các giám đốc điều hành làm việc nhiều giờ hơn, trong một số trường hợp yêu cầu họ đến văn phòng 6 ngày một tuần. Một số người trong doanh nghiệp Hàn Quốc dự đoán rằng các nhân viên và quản lý cấp thấp hơn tại các công ty nhỏ hơn sẽ cảm thấy áp lực phải làm theo.

"Đây là một tín hiệu cho thấy ở Hàn Quốc, làm việc 6 ngày một tuần vẫn được chấp nhận", Kim Seol, đại diện của Liên đoàn Cộng đồng Thanh niên, một nhóm lao động đại diện cho những người lao động trong độ tuổi 15-39, nhận định.

 Người đi làm trên tàu điện ở Seoul. Ở Hàn Quốc, tuần làm việc 5 ngày chỉ mới có từ một thế hệ, được đưa ra theo luật lao động năm 2004. Ảnh: New York Times.

Người đi làm trên tàu điện ở Seoul. Ở Hàn Quốc, tuần làm việc 5 ngày chỉ mới có từ một thế hệ, được đưa ra theo luật lao động năm 2004. Ảnh: New York Times.

Áp lực đối với người lao động, đặc biệt là người lao động trẻ, có thể rất khốc liệt ở Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới đồng thời cũng đang phải vật lộn với già hóa dân số.

Nỗi lo về an ninh việc làm và chi phí nhà ở, chăm sóc trẻ em và giáo dục gia tăng đã khiến người dân xứ sở kim chi trong độ tuổi lao động không muốn sinh con, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang bao trùm nền kinh tế.

"Ứng phó với cuộc khủng hoảng"

Ở Hàn Quốc, tuần làm việc 5 ngày chỉ mới có từ một thế hệ trước, được luật lao động đưa ra vào năm 2004, bắt đầu với khu vực công và các công ty lớn hơn trước khi mở rộng sang các công ty nhỏ hơn. Giới hạn pháp lý 52 giờ cho tuần làm việc cũng tương đối mới: Được đưa ra vào năm 2018, giảm từ 68 giờ/tuần.

Trong phần lớn lịch sử hậu chiến của Hàn Quốc, thời kỳ tăng trưởng và tái thiết gấp rút, người lao động được mong đợi sẽ có mặt tại văn phòng từ thứ hai đến thứ bảy.

“Hồi đó, kiếm sống rất khó khăn”, ông Lim nhớ lại giai đoạn còn đi làm tại Samsung. “Giúp công ty phát triển có nghĩa là giúp đất nước và theo nghĩa mở rộng, giúp chính mình”.

Samsung, giống như những “gã khổng lồ” đa quốc gia khác của Hàn Quốc, đã đi cùng sự bùng nổ phát triển của Hàn Quốc từ giai đoạn khó khăn đến khi trở thành một nền kinh tế công nghệ cao tiên tiến. Công ty được thành lập vào cuối những năm 1930 dưới dạng một cửa hàng bán rau và cá khô, bắt đầu sản xuất đồ gia dụng và các thiết bị điện tử khác vào cuối những năm 1960 và hiện là công ty hàng đầu thế giới về chất bán dẫn, điện thoại thông minh và các công nghệ khác với hơn 200.000 nhân viên.

Các công ty đang kêu gọi các giám đốc điều hành làm việc nhiều giờ hơn mô tả các biện pháp này như một phản ứng trước sự suy thoái trong kinh doanh, viện dẫn một cuộc khủng hoảng tạm thời hoặc tình trạng khẩn cấp. Tăng trưởng ở Hàn Quốc không đồng đều, khi chi tiêu tiêu dùng yếu kém gây ảnh hưởng đến thu nhập của công ty. Nền kinh tế bất ngờ suy giảm trong quý gần nhất.

 Nhân viên văn phòng đi bộ giữa các quán bar và nhà hàng trong một khu phố đông đúc ở Seoul. Ảnh: New York Times.

Nhân viên văn phòng đi bộ giữa các quán bar và nhà hàng trong một khu phố đông đúc ở Seoul. Ảnh: New York Times.

Tại HD Hyundai Oilbank, đơn vị lọc dầu và trạm xăng của một tập đoàn công nghiệp, khoảng 40 giám đốc điều hành đã bắt đầu đến văn phòng vào cuối tuần trong những tuần gần đây để "ứng phó với cuộc khủng hoảng do điều kiện kinh doanh trì trệ gây ra". Doanh số và lợi nhuận của HD Hyundai Oilbank đã giảm mạnh vào năm ngoái do giá dầu sụt giảm.

Vào tháng 7, SK On - đơn vị sản xuất pin và xe điện của một tập đoàn công nghệ - thông báo công ty sẽ chuyển sang "chế độ khẩn cấp", đóng băng lương của các giám đốc điều hành và yêu cầu họ phải bắt đầu làm việc sớm hơn.

“Các giám đốc điều hành và lãnh đạo sẽ nêu gương và đảm nhận trách nhiệm lớn trong nỗ lực vượt qua khủng hoảng”, Lee Seok Hee, giám đốc điều hành của SK On cho biết tại một cuộc họp nhân viên. Tình trạng thua lỗ thời gian gần đây đã gây trì trệ sản xuất và khiến công ty đưa ra cảnh báo về “điều kiện thị trường bất lợi” trong báo cáo tài chính vào tháng tư.

Văn hóa "kim tự tháp"

Theo New York Times, người phát ngôn của Samsung Electronics cho biết mặc dù đây không phải chính sách chính thức của công ty nhưng "các giám đốc điều hành có thể tự nguyện chọn làm việc vào cuối tuần tùy theo nhu cầu nghề nghiệp". Tập đoàn này đang trong quá trình tranh chấp với nghiệp đoàn lớn nhất của mình, khi các thành viên của nghiệp đoàn này cho biết hồi tuần trước họ rằng sẽ quay lại làm việc sau cuộc đình công về tiền lương và điều kiện làm việc.

Các nhóm lao động cho rằng các biện pháp “khủng hoảng” và “khẩn cấp” chủ yếu chỉ để phô trương. “Có một quan niệm văn hóa ở đây là ai đó làm việc càng lâu thì kết quả càng tốt”, Lee Sang Yoon, phó giám đốc chính sách tại Liên đoàn nghiệp đoàn Hàn Quốc, một trong những nhóm lao động lớn nhất cả nước cho biết. “Điều này đã lỗi thời”.

Mặc dù lời kêu gọi làm việc vào cuối tuần chỉ áp dụng cho nhóm quản lý cấp cao của các công ty nói trên, nhưng những nhân viên khác có thể cảm thấy áp lực phải theo chân.

 Kim Seol, đại diện của Liên đoàn Cộng đồng Thanh niên, đại diện cho những người lao động trẻ tuổi, tại văn phòng ở Seoul. Ảnh: New York Times.

Kim Seol, đại diện của Liên đoàn Cộng đồng Thanh niên, đại diện cho những người lao động trẻ tuổi, tại văn phòng ở Seoul. Ảnh: New York Times.

Ông Kim Seol - thuộc Liên đoàn Cộng đồng Thanh niên - cho hay “Văn hóa doanh nghiệp ở Hàn Quốc giống như một kim tự tháp”, các công ty lớn ở vị trí cao nhất định hình nên văn hóa kinh doanh của đất nước.

Những gì được viết trong luật lao động cũng không phải lúc nào cũng phản ánh trải nghiệm thực tế của người lao động. Người lao động ở Hàn Quốc ghi nhận số giờ làm việc cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, làm việc nhiều hơn khoảng 100 giờ mỗi năm so với người lao động trung bình ở Mỹ, theo dữ liệu năm 2022 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế công bố.

Eun Sung, một chuyên gia tư vấn ngoài 20 tuổi sống tại Seoul cho biết cô thường làm việc 6 ngày một tuần khi tham gia một dự án.

“Chúng tôi coi việc tan làm lúc 2 hoặc 3h sáng là ổn", cô nói. Eun Sung chỉ gặp bạn bè một lần sau vài tháng và sức khỏe của cô bị ảnh hưởng do thiếu ngủ. Mặc dù thích công việc tư vấn nhưng cô cho biết cô sẽ cân nhắc chuyển đến một quốc gia có thể cho phép cô cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.

Theo Ryu Jae Kang, người đứng đầu đơn vị chính sách tại Liên đoàn Nghiệp đoàn Hàn Quốc, một số công ty có cách để nhân viên làm việc nhiều giờ hơn. Họ có thể trả lương cố định đã bao gồm giờ làm thêm và không phải tất cả giờ làm việc cho mọi loại công việc đều có thể được theo dõi.

Joon Han, giáo sư xã hội học tại Đại học Yonsei khẳng định việc cắt giảm giờ làm việc theo luật định trong những năm qua là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của Hàn Quốc và sự thay đổi trong nhận thức của mọi người về việc tập trung nhiều hơn vào cuộc sống cá nhân.

 Giới hạn pháp lý 52 giờ cho tuần làm việc được đưa ra vào năm 2018, giảm từ 68 giờ/tuần. Ảnh: New York Times.

Giới hạn pháp lý 52 giờ cho tuần làm việc được đưa ra vào năm 2018, giảm từ 68 giờ/tuần. Ảnh: New York Times.

Năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người được coi là chủ trương ủng hộ doanh nghiệp, đã đề xuất tăng giới hạn tuần làm việc lên 69 giờ. Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ công chúng và các đảng phái chính trị đối lập, và tổng thống đã rút lại kế hoạch.

Một số người đang thúc đẩy việc giảm giờ làm việc. Tuần làm việc bốn ngày là một phần trong các chương trình của một số chính trị gia tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 4 của quốc gia này. Vào tháng 6, chính phủ đã thành lập một ủy ban cân bằng giữa công việc và cuộc sống có nhiệm vụ khám phá các phương pháp làm việc linh hoạt hơn.

“Thời thế đang thay đổi”, giáo sư Han cho biết. “Những người trẻ không muốn làm nô lệ cho công ty của họ nữa”.

Phương Hải

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuan-lam-viec-nhieu-thu-6-o-quoc-gia-co-ty-le-sinh-doi-so-toan-cau-post1491066.html