Tuần lễ Phật đản: Mùa an lành trong lòng người con Phật khắp năm châu

Vậy là tuần lễ Phật đản Phật lịch 2568 đã khép lại. Những ngày qua, trên khắp quê hương Việt Nam, từ Nam ra Bắc, màu cờ Phật rộn ràng trong nắng sớm cũng như khi chiều muộn, mang đến niềm hoan hỷ trong lòng người.

Các hoạt động kính mừng Phật đản đã diễn ra trong không khí tươi vui.

Hoa sen trên hồ Nhân Cơ (Đắk Nông). Ảnh: Chúc Tấn

Hoa sen trên hồ Nhân Cơ (Đắk Nông). Ảnh: Chúc Tấn

Nhiều hoạt động, sáng kiến kính mừng Phật đản

“Đức Thế Tôn đản sanh bước đi bảy bước, ngước nhìn sáu phương và tuyên đọc về sự thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chính vì vậy, bảy đóa sen mang thông điệp cung đón sự thị hiện đản sanh của Người. Tháng Tư về, hình ảnh bảy đóa sen được thiết trí khắp nơi trên mọi miền đất nước, gợi cho những người con Phật về sự kiện ý nghĩa này và nhắc nhớ chúng ta chuyên cần tu học theo lời dạy của Đức Phật để từng bước hướng về thành tựu giác ngộ, mang lại niềm an vui trong cuộc sống”, Đại đức Thích Chúc Tấn, trụ trì chùa Phước Quang (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông), nói.

Đây là năm thứ 2, Đại đức Chúc Tấn thiết trí bảy đóa sen ở hồ Nhân Cơ nhân mùa Phật đản.

Mùa Phật đản năm nay, ngoài các hoạt động thắp sáng bảy đóa sen ở những nơi công cộng để cúng dường, một số địa phương, tự viện đã có sáng kiến trong thiết kế lễ đài, tổ chức các hoạt động nhân sự kiện quan trọng này.

Thượng tọa Thích Thiện Thuận, Phó ban kiêm Chánh Thư ký, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trụ trì Viện Chuyên Tu cho biết, tại chùa ngoài lễ đài truyền thống cho Phật tử lớn thì còn tổ chức lễ đài cho Phật tử bé. “Lễ đài của các con sẽ thấp hơn, do quý thầy hướng dẫn riêng, nhằm gieo duyên cho các con được tắm Phật”, Thượng tọa Thích Thiện Thuận nói.

Lễ đài cho trẻ ở Viện Chuyên Tu thu hút hơn 200 trẻ tham gia, thầy Thiện Thuận thông tin.

Những hình thức như lễ đài tắm Phật hay khóa tu dành riêng cho từng độ tuổi giúp trẻ về chùa trải nghiệm, ươm mầm Bồ đề chính là cách làm cho Phật giáo gần hơn với thế hệ Phật tử tương lai. Giúp các em nhỏ hiểu biết nhân quả để làm lành lánh ác, đó chính là cách giáo dục mang tính tự nguyện điều chỉnh hành vi, lời nói, suy nghĩ của đạo Phật.

“Các con có thể chưa hiểu nhiều về giáo lý thâm sâu nhưng hành động đến chùa, tìm thấy niềm vui qua từng sinh hoạt nhỏ ở những khóa tu, hội hè sẽ giúp các con có ấn tượng tốt về Tam bảo”, Đại đức Thích Minh Thạnh, Chánh Thư ký Phật giáo Q.6, trụ trì chùa Thiên Khánh (TP.HCM) chia sẻ.

Đại đức Minh Thạnh là vị thầy trẻ có nhiều sáng kiến trong việc hoằng pháp cho người trẻ, với các chương trình trò chuyện về Phật pháp, khóa tu nửa ngày ý nghĩa như Đêm thiền trà, khóa học Làm người có ích, khóa tu An lạc từng phút giây

“Để người trẻ đến chùa học Phật cần sự đổi mới trong cách tiếp cận, kiến tạo chương trình sinh hoạt gần gũi, không nặng về nghi lễ, giúp các bạn giải quyết những khó khăn trong đời sống. Đó là những buổi thầy trò ngồi chơi với nhau, tập hát thiền ca, uống trà, nói chuyện cởi mở, mời các vị tu sĩ, Phật tử có tu có học đến trao đổi một chủ đề nào đó…”, Đại đức Minh Thạnh gửi gắm.

Nói về sáng kiến, phải kể tới lễ đài Phật đản của Ban Trị sự GHPGVN huyện Triệu Phong - chùa An Trú (xã Triệu Tài, Triệu Phong, Quảng Trị). Theo chư tôn đức Phật giáo huyện này, lễ đài được làm hoàn toàn từ tre không chỉ mang đến một không gian quen thuộc, đầy sắc màu chốn làng quê mà còn truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường.

Thầy Nguyên Hiếu (Quảng Trị) cho biết, công trình biểu tượng tháp Đại Giác là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt làm từ hàng nghìn cây tre, được cắt tỉa và xếp chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc truyền thống của các ngôi chùa Phật giáo. Công trình do các nghệ nhân nghiệp dư, người dân, Phật tử thực hiện.

“Không chỉ là kỹ năng tinh xảo trong việc chọn lựa và xử lý tre mà phải có khả năng thiết kế và thực hiện các chi tiết phức tạp của tháp”, thầy Nguyên Hiếu nhận định.

Cũng theo Đại đức Nguyên Hiếu, quá trình tạo ra tháp Đại Giác từ tre đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. “Mỗi cây tre phải được cắt tỉa cẩn thận và lắp ráp chính xác để tạo ra hình dáng, kiến trúc hoàn hảo của tháp”.

Có lẽ với sự gia công và gia tâm rất nhiều này mà lễ đài của huyện Triệu Phong được báo chí, truyền thông trong và ngoài Phật giáo chia sẻ rất nhiều.

Lễ đài Phật đản bằng tre tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị) được báo chí, truyền thông chia sẻ rộng rãi. Ảnh: Nguyên Hiếu

Lễ đài Phật đản bằng tre tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị) được báo chí, truyền thông chia sẻ rộng rãi. Ảnh: Nguyên Hiếu

Phật đản: Trở về chăm sóc tâm mình

Không chỉ tham gia các hoạt động lễ hội ở chùa, Phật tử còn trở về chăm sóc ngôi nhà của mình bằng việc thiết kế các lễ đài mini, vườn Lâm Tỳ Ni tại gia cùng hòa trong không khí của mùa đón Phật về.

Phật tử Chúc Lực (Quảng Nam) cho biết, năm nào cũng thiết trí vườn Lâm Tỳ Ni tại nhà, nhiều người hàng xóm đến tham gia nghi lễ tắm Phật, lễ Phật, dâng hương, dâng trầm cầu nguyện. “Mỗi người yêu mến Phật đều có thể trở thành hoằng pháp viên qua những dịp như đại lễ Phật đản, quan trọng hơn là qua lối sống hàng ngày của mình”, Phật tử Chúc Lực chia sẻ.

Một sinh hoạt gắn kết người trẻ do Đại đức Minh Thạnh thực hiện - Ảnh: Thiên Khánh

Một sinh hoạt gắn kết người trẻ do Đại đức Minh Thạnh thực hiện - Ảnh: Thiên Khánh

Sống có Phật chất trong mọi việc chính là bài pháp để mọi người cảm nhận về Phật giáo, hay đó là thân giáo khiến người khác nhìn vào và yêu mến đạo Phật. Để có được điều này không phải chỉ bằng sự dụng công, cố diễn bằng hình thức mà là một biểu hiện tự nhiên. “Muốn vậy, Phật tử phải về chăm sóc tâm mình, tưới tắm cho hạt giống Phật được nẩy mầm”, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Ủy viên thư ký HĐTS, Phó Văn phòng 2 Trung ương cho biết.

Hoạt động về chăm sóc vườn tâm của Phật tử biểu hiện qua việc tham gia các khóa tu, làm thiện nguyện, về chùa lễ Phật, tắm Phật hoặc dành thời gian cho thiền tập, niệm Phật được hưởng ứng nhiều nhất. Một số cuộc thi viết về việc tu học Phật hay cảm xúc mùa Phật đản được tổ chức trong khuôn khổ một ngôi chùa, một đạo tràng nhỏ cũng là phương tiện giúp Phật tử ngồi yên lại, lắng sâu, ngắm nhìn tâm mình, những thọ cảm hoan hỷ để chia sẻ.

Việc cho trẻ vẽ Phật hoặc cùng vẽ, cùng chép kinh, ôn nhắc lời Phật rồi phát nguyện sửa ý-khẩu-thân trong đời sống cũng chính là phát nguyện theo dấu chân Như Lai. Mùa Phật đản là cơ hội học và hành lời Phật dạy. Vì vậy mà tháng Tư được xem là tháng hoan hỷ với những năng lượng tích cực được gieo trồng trong tâm người con Phật cũng như trên khắp nẻo đường, từ thành thị đến miền biên ải xa…

Đón Phật về trên không gian mạng

Những ngày diễn ra đại lễ Phật đản, Phật tử đã thay avatar và hình bìa trang cá nhân là ảnh Đức Phật đản sinh, gửi lời chúc Phật đản an lành và nhắc nhau nghĩ, nói, làm điều thiện, giữ tâm ý trong sạch để dâng lên cúng dường Đức Thế Tôn.

Nhiều nhóm Phật tử khuyến khích chung tay đem nước ngọt đến vùng hạn mặn và mời người thân ăn chay, đi chùa, cùng góp sức kiến tạo an lành, hòa bình tự thân và trong gia đình mình.

Lưu Đình Long

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhin-lai-tuan-le-phat-dan-mua-an-lanh-trong-long-nguoi-con-phat-khap-nam-chau-2283611.html