Tuần lễ tâm điểm về lãi suất

Ông Donald Trump đã hứa hẹn thực hiện một loạt hành động ảnh hưởng đến lạm phát và hoạt động kinh tế, làm phức tạp thêm quyết định lãi suất của FED

Ít nhất 22 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, chiếm 2/5 nền kinh tế toàn cầu, sẽ có quyết định về lãi suất trong tuần này.

Trong số này, quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là tâm điểm chú ý. Theo giới phân tích, FED sẵn sàng tiếp tục cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % tại cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-12. Tuy nhiên, kịch bản về đòn thuế nhập khẩu sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc nhiều hơn đến tốc độ của các bước đi tiếp theo.

Vào tháng rồi, FED quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ khi giảm lãi suất 0,25 điểm %. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ về mức 4,5 - 4,75%. Theo trang Bloomberg, ông Trump đã hứa hẹn thực hiện một loạt hành động ảnh hưởng đến lạm phát và hoạt động kinh tế, làm phức tạp thêm quyết định lãi suất của FED. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách sẽ đánh giá khả năng thực hiện những đề xuất kinh tế của ông Trump và cân nhắc các rủi ro của chúng.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) dự kiến giữ nguyên lãi suất trong ngày 19-12, tiếp tục duy trì cách tiếp cận thận trọng đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Một ngày sau đó, Ngân hàng Trung ương Nga có thể tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục 23% sau khi các số liệu kinh tế cho thấy áp lực giá tiêu dùng vẫn ở mức cao gấp đôi mức mục tiêu 4%. Chỉ số giá tiêu dùng của Nga tiếp tục tăng bất chấp việc ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế sự gia tăng giá cả mạnh mẽ.

Ông Liam Peach, chuyên gia tại Công ty Tư vấn tài chính Capital Economics (Anh), nhận định Ngân hàng Trung ương Nga đang thất bại trong cuộc chiến chống lạm phát và sẽ buộc phải tăng lãi suất mạnh mẽ thêm lần nữa.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở hạt Arlington, bang Virginia - Mỹ Ảnh: REUTERS

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở hạt Arlington, bang Virginia - Mỹ Ảnh: REUTERS

Riêng các nước tại Bắc Âu có các quyết định chính sách khác nhau. Ngân hàng Trung ương Thụy Điển gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ 5 trong khi Ngân hàng Trung ương Na Uy có khả năng chờ đến năm sau để giảm lãi suất lần đầu tiên trong chu kỳ này.

Trước đó, theo đài CNBC, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần rồi đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm%, đưa lãi suất chủ chốt xuống còn 3%. Tại cuộc họp báo hôm 12-12, Chủ tịch ECB Christine Lagarde lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa tin rằng cuộc chiến chống lạm phát đã hoàn toàn kết thúc vì lạm phát dịch vụ vẫn là mối quan tâm. Chuyên gia kinh tế cấp cao Kamil Kovar tại Công ty Moody's Analytics (Mỹ) đã lập luận rằng lạm phát cốt lõi dai dẳng sẽ tiếp tục thúc đẩy ECB có động thái thận trọng vào năm tới.

Tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự kiến giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25% tại cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-12. Theo CNBC, nhiều chuyên gia tin rằng BOJ muốn chờ đợi về diễn biến của xu hướng tiền lương, chi tiêu trong nước và những thay đổi chính sách từ chính quyền sắp tới của ông Donald Trump. Ngoài ra, nhiều chuyên gia dự báo BOJ sẽ tăng lãi suất vào tháng 1-2025.

Tương tự BOJ, Ngân hàng Trung ương Thái Lan được dự báo sẽ quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25% trong ngày 18-12. Trong khi đó, Indonesia và Philippines đều dự kiến cắt giảm lãi suất 0,25 điểm%. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cam kết ổn định thị trường tài chính và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện liên tục các biện pháp tài chính và kinh tế cần thiết sau cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol tại quốc hội.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tuan-le-tam-diem-ve-lai-suat-196241216203734845.htm