Tuần qua, giá dầu thế giới tăng, giảm trái chiều

Nếu ngày đầu tuần, tâm lý thận trọng bao phủ thị trường năng lượng khiến giá dầu tăng nhẹ thì 3 ngày cuối tuần, giá dầu lại quay đầu giảm.

Giá dầu thế giới trải qua tuần lên, xuống trái chiều. Ảnh: MXV

Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tuần 19-5, tâm lý thận trọng bao phủ thị trường năng lượng khi các thông tin trái chiều về nhu cầu và nguồn cung liên tục xuất hiện.

Đóng cửa, giá dầu Brent đã ghi nhận mức tăng 0,2%, lên mốc 65,54 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI dừng lại ở mốc 62,69 USD/thùng, tương đương với mức tăng 0,32%.

Đà tăng của giá dầu chủ yếu được hỗ trợ bởi những bất đồng quan điểm mới giữa Mỹ và Iran xoay quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Ở chiều ngược lại, thông tin về xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Mỹ và tình hình sản xuất tại Trung Quốc đã gây áp lực lên giá dầu trong phiên đầu tuần, đồng thời kìm hãm đà tăng trong suốt phần còn lại của phiên.

Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ mức cao nhất Aaa xuống Aa1 do lo ngại về nợ công, động thái có thể ảnh hưởng đáng kể tới chương trình cắt giảm thuế đang được Quốc hội Mỹ xem xét.

Bên cạnh đó, số liệu mới công bố từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, tăng trưởng sản lượng công nghiệp tháng 4 của nước này chỉ đạt 6,1% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh so với mức 7,7% của tháng 3, làm dấy lên lo ngại về "sức khỏe" nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cho đến phiên giao dịch ngày 21-5, bảng giá năng lượng chìm trong sắc đỏ khi lực bán tăng mạnh, hai mặt hàng dầu thô giảm phiên thứ ba liên tiếp. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 0,72% về 64,44 USD/thùng, còn dầu WTI cũng suy yếu 0,6% về 61,2 USD/thùng.

Theo MXV, giá dầu thô thế giới tiếp đà đi xuống trong mối lo ngại về triển vọng dư thừa nguồn cung ngày càng gia tăng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng cao OPEC+ sẽ tăng sản lượng dầu ra thị trường, có thể trở lại mức 2,2 triệu thùng/ngày vào tháng 11 năm nay, bù trừ các đợt cắt giảm trong năm ngoái. Điều này đã khiến các nhà đầu tư càng thêm lo lắng về tình trạng dư thừa nguồn cung trong tương lai.

Tại Mỹ, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và Viện Dầu mỏ Mỹ (API) đều thông báo về tuần tăng dự trữ dầu thô thương mại tại Mỹ, với mức khoảng 1,3 triệu thùng.

Cùng với thông tin tồn kho xăng tại Mỹ cũng tăng trong tuần qua đã khiến thị trường lo ngại về khả năng nhu cầu dầu sẽ không thể bắt kịp sự gia tăng về nguồn cung và gây nên chênh lệch cung-cầu, qua đó càng gây áp lực lên giá dầu.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tuan-qua-gia-dau-the-gioi-tang-giam-trai-chieu-703355.html