Tuân thủ an toàn thực phẩm là 'chìa khóa' mở cửa thị trường xuất khẩu
Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay trong xuất khẩu (XK) nông sản là vấn đề an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. Nếu áp dụng các biện pháp trong Hiệp định kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) đối với hàng hóa, thì các doanh nghiệp XK nông sản và người nông dân sẽ đáp ứng được các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, kiêm Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) đã cho biết như vậy khi trả lời phóng viên TBTCVN.
PV: Thưa ông, việc áp dụng Hiệp định SPS có tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN) trong quá trình XK nông, lâm, thủy sản ra thị trường thế giới, đặc biệt các thị trường khó tính hay không?
Ông Lê Thanh Hòa: Hiệp định SPS áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm dịch động thực vật, được thỏa thuận bởi các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do với rất nhiều đối tác, những hiệp định này đã bao trùm tất cả các thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam.
Ngay từ khi gia nhập WTO, Chính phủ đã thành lập Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) thuộc Bộ NN&PTNT.
Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định SPS, thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS. Văn phòng có nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh ATTP, kiểm dịch động thực vật; yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh ATTP và kiểm dịch động thực vật.
Tôi cho rằng, đối với lĩnh vực ATTP và kiểm dịch động, thực vật thì việc tuân thủ các quy định của SPS là chìa khóa quan trọng nhất để mở cửa vào tất cả các thị trường kể cả những thị trường khó tính nhất.
Bên cạnh đó, khi Việt Nam tham gia XK các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt với sản phẩm thủy sản, chúng ta đã cơ bản hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề giám sát vệ sinh ATTP và hiện nay tất cả các doanh nghiệp (DN) XK thủy sản đều phải áp dụng các quy định như HACCP, ISO 22000 có quy trình giám sát những nguy cơ trong các quy trình từ nuôi, thu mua, sơ chế, chế biến để đảm bảo ATTP cho XK.
Gần đây, chúng ta cũng đã cơ bản hoàn thiện tất cả quy định liên quan đến vấn đề quản lý, giám sát ATTP trong nước cũng như hài hòa các quy định đó với các quy chuẩn quốc tế. Ví dụ, hoàn thiện Luật ATTP; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và Luật Thú y. Vấn đề là chúng ta thực thi các luật này như thế nào đảm bảo áp dụng vào thực tiễn.
Thực tế mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã xuất hiện ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là minh chứng cho việc chúng ta cơ bản đã đáp ứng tốt những quy định về ATTP cũng như yêu cầu về kiểm dịch động thực vật của các thị trường, trong đó có các thị trường khó tính như thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, New Diland, Nhật Bản, Hàn Quốc...
PV: Nói về vấn đề thực thi, hiện nay vẫn còn tình trạng nông sản XK bị trả về do không nắm rõ, đáp ứng các quy định về ATTP, kiểm dịch động thực vật của nước nhập khẩu. Làm thế nào để hạn chế tình trạng này, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hòa: Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, Bộ NN&PTNT và Văn phòng SPS đã phối hợp với các đơn vị để phổ biến, cập nhật các quy định liên quan đến vệ sinh ATTP trong các cơ quan quản lý và các DN. Thời gian vừa qua, rất nhiều DN và bà con nông dân cũng đã quan tâm đến các quy định về ATTP cũng như quy định về kiểm dịch động vật, thực vật.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục có những hoạt động tuyên truyền phổ biến các thông tin quy định của thị trường (dư lượng hóa chất trong các sản phẩm nông sản; các loại thuốc thú y liên quan đến nuôi trồng thú y, thủy sản; các vấn đề liên quan đến việc sử dụng hóa chất trong chăn nuôi…) để cho người sản xuất, các địa phương cũng như các DN XK hiểu rõ hơn, nắm bắt tốt hơn các quy định của thị trường, đặc biệt là một số thị trường khó tính.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền cho người dân cũng như các DN hiểu, nắm rõ các quy định. Như vậy, sản phẩm nông sản XK của Việt Nam mới tiếp tục đứng vững cũng như khẳng định vị thế của mình trên thị trường thế giới trong những năm tới.
Hiện nay, bên cạnh yêu cầu về vệ sinh ATTP, các thị trường còn yêu cầu cao hơn nữa, khắt khe hơn nữa về các yếu tố khác như vấn đề lao động (không sử dụng lao động là trẻ em và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và phải sản xuất theo hướng xanh). Vì vậy, thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động hơn từ phía cơ quan thị trường của Bộ NN&PTNT cũng như từ cơ quan chuyên môn để phổ biến các quy định này đến người dân cũng như đội ngũ sản xuất.
Tôi cũng khuyến cáo đến các DN XK là phải có bộ phận kỹ thuật hay bộ phận pháp lý để tiếp tục theo dõi, nắm bắt những quy định này bởi vì đối với DN nước ngoài rất chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm và họ có bộ phận pháp lý, tham vấn rất cặn kẽ trong khi các DN Việt Nam đang hời hợt trong vấn đề nắm bắt các quy định hay các yêu cầu kỹ thuật của thị trường.
Vì vậy, các DN XK nông sản Việt Nam cần phải thường xuyên trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý, với Văn phòng SPS để nắm được những quy định từ thị trường; từ đó có thể xử lý kịp thời nếu có vi phạm.
PV: Cùng với việc hỗ trợ DN, phía cơ quan quản lý cần hỗ trợ người nông dân như thế nào để họ đáp ứng quy định về quy trình sản xuất mà thị trường yêu cầu, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hòa: Tôi cũng kiến nghị cần có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý địa phương với trung ương và đặc biệt là các sở NN&PTNT - đơn vị phụ trách trực tiếp tất cả các vùng trồng, cơ sở chăn nuôi, chế biến phải cập nhật các thông tin kịp thời để hướng dẫn cho bà con nông dân.
Các thông tin đó chúng tôi đã cập nhật trên trang thông tin điện tử, nếu như bà con có điều kiện có thể tham khảo hoặc là các cán bộ kỹ thuật địa phương có thể tham khảo để biết được những thông tin đó và phổ biến lại cho người dân. Trong trường hợp muốn biết trực tiếp hoặc muốn hỏi một cách cặn kẽ thì có thể liên hệ với các đầu mối tại các cục thuộc Bộ NN&PTNT, hay đầu mối tại Văn phòng SPS Việt Nam để có thêm thông tin cũng như có những hướng dẫn cụ thể.
PV: Xin cảm ơn ông!