Tuân thủ hướng dẫn của IAEA về xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Chúng ta cần làm theo các hướng dẫn của IAEA về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Điều này nhằm tạo sự tự tin, yên tâm về bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.

Các đại biểu Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) chiều 5/5. Ảnh: Hồ Long
Cần chỉnh sửa khái niệm “khai báo”
Theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), “khai báo” là việc trình cho cơ quan pháp quy hạt nhân về ý định sẽ có nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ hoặc các hoạt động có thể dẫn đến gia tăng bức xạ ion hóa.
Mục đích của “khai báo” là để Cơ quan pháp quy hạt nhân biết trước ý định của tổ chức, cá nhân và có những đánh giá, hướng dẫn, khuyến cáo giúp tổ chức, cá nhân bảo đảm an toàn, tránh những rủi ro không mong muốn. Tổ chức, cá nhân chỉ được triển khai tiếp ý định khi đã khai báo đầy đủ và nhận được sự đồng thuận của Cơ quan pháp quy hạt nhân.
Đây là một cách tiếp cận quản lý rất tốt, giúp cơ quan pháp quy hạt nhân nắm được tình hình sớm, chủ động quản lý; về phía tổ chức, cá nhân tránh được các chi phí tốn kém do không hiểu biết các quy định pháp luật hoặc thiếu năng lực kỹ thuật gây ra.
Tuy nhiên, quy định về “khai báo” tại dự thảo Luật quy định chỉ khi có nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, tổ chức, cá nhân mới phải tiến hành khai báo; tức là cho phép tổ chức, cá nhân khai báo nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ sau khi đã có trên thực tế. Điều này vô hình trung đã vô hiệu hóa một công cụ rất tốt để bảo đảm an toàn.
Thực tế quản lý thời gian qua cho thấy, nhiều tổ chức, cá nhân khi đặt mua nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ không nắm được các quy định pháp luật, không có năng lực kỹ thuật, điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng, nhưng do Luật không có quy định phải “khai báo” nên khi triển khai mới gặp các vấn đề không vượt qua được dẫn đến trường hợp vi phạm pháp luật, nhiều năm liền không có giấy phép tiến hành công việc bức xạ. Thậm chí, máy móc thiết bị không triển khai được do phòng ốc, che chắn không phù hợp, nhân lực thiếu, công tác an toàn không bảo đảm, lãng phí một lượng rất lớn chi phí đầu tư.
Do vậy, khái niệm “khai báo” cần chỉnh sửa gấp trong lần sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử lần này, để bảo đảm hiệu quả thực thi.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đang có sự thiếu thống nhất giữa các quy định.
Theo phần Giải thích từ ngữ (Khoản 4 Điều 3 Dự thảo) thì phân loại chất phóng xạ giữa miễn trừ và không miễn trừ dựa trên nồng độ hoạt độ hoặc tổng hoạt độ. Nhưng tại Điều 65 Dự thảo yêu cầu trách nhiệm khai báo chỉ cần dựa trên hoạt độ mà không dựa trên “nồng độ”.
Việc khai báo chất phóng xạ phải dựa trên mức nồng độ hoạt độ và tổng hoạt độ. Một trong hai tiêu chí này nếu vượt quá đều buộc phải khai báo.
Kiểm soát chặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu chứa chất phóng xạ
Điều 66 dự thảo Luật quy định miễn giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phóng xạ (thực hiện theo quy định tại Điều 44 của Luật này).
Thực tế ở nước ta, có không ít cơ sở thuộc diện thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phóng xạ với lượng sản phẩm và thải có chất phóng xạ không nhỏ. Nếu không được quản lý chặt chẽ yếu tố phóng xạ thì nguy cơ ô nhiễm môi trường diện rộng sẽ rất cao và sẽ dấn đến hậu quả khôn lường đối với người dân, môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của cả một vùng.
Chính vì thế, việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phóng xạ là công việc bắt buộc phải có giấy phép tiến hành công việc bức xạ và chịu sự giám sát an toàn đầy đủ của Cơ quan An toàn bức xạ và hạt nhân.
Một điểm cần chú ý nữa là quy định kiểm soát hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu chứa chất phóng xạ (Điều 58 dự thảo Luật) đang có sự kiểm soát lỏng lẻo.
Theo đó, điểm b khoản 2 cho phép “áp dụng các biện pháp loại bỏ chất phóng xạ, tẩy xạ hàng hóa chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ, trừ trường hợp tái xuất ngay” trên lãnh thổ Việt Nam.
Hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ thì nhất quyết phải buộc tái xuất, chỉ được nhập trở lại sau khi đã loại bỏ chất phóng xạ. Không được phép tẩy xạ trên lãnh thổ Việt Nam vì chất phóng xạ sau khi loại bỏ khỏi hàng hóa nhiễm bẩn sẽ trở thành chất thải phóng xạ, vô hình trung chúng ta đã cho phép nhập chất thải phóng xạ. Đây là điều pháp luật nghiêm cấm.
Hiện, không có bất kỳ công nghệ nào có khả năng biến chất phóng xạ thành chất không phóng xạ ngoài việc lưu giữ đợi phân hủy đến dưới mức thanh lý!

Các đại biểu tham dự hội thảo Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tháng 3/2024. Ảnh: Thanh Chi
Áp dụng mô hình thống nhất một cơ quan pháp quy độc lập
Mô hình quản lý an toàn nhà máy điện hạt nhân được phân chia theo lĩnh vực ngành là mô hình kiểu cũ và là loại mô hình thất bại, đã được thấy rõ qua tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011. Sau tai nạn này, Nhật Bản đã buộc phải cải cách triệt để, lập ra Cơ quan Pháp quy Nhật Bản (NRA).
Do đó, chúng ta nên đi theo mô hình tiên tiến hơn, quản lý hiệu quả hơn - đó là mô hình thống nhất một cơ quan pháp quy độc lập, duy nhất quản lý pháp quy an toàn cho công trình hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân từ giai đoạn đầu tiên (khảo sát, phê duyệt địa điểm) tới thiết kế, chế tạo, triển khai xây dựng, vận hành thử, đưa vào sử dụng, vận hành cho đến khi dừng vĩnh viễn, đưa ra khỏi hệ thống điện quốc gia, tháo dỡ, vệ sinh làm sạch mặt bằng, trả mặt bằng về nguyên trạng đầu tiên, chấm dứt quản lý.
Tuổi thọ của nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ hiện tại khoảng 60 năm. Tuy nhiên, xu hướng gần đây cho thấy, sau khi hết thời hạn này, người ta thường kéo dài thêm khoảng 20 năm nữa, như vậy tuổi đời của nhà máy có thể lên 80 năm. Cộng thêm thời gian tháo dỡ, làm sạch, trả lại mặt bằng, thực chất việc quản lý pháp quy bảo đảm an toàn có thể kéo dài tới 100 năm, chưa kể quản lý chất thải có thời gian bán hủy kéo dài lâu hơn thế.
Quản lý an toàn theo mô hình phân chia bộ ngành sẽ không thể đảm nhiệm được nhiệm vụ này. Chỉ mô hình cơ quan pháp quy duy nhất theo dõi liên tục suốt thời gian vòng đời nhà máy điện hạt nhân mới có thể đảm đương trách nhiệm này. Nói cách khác, mô hình tiên tiến phải là cơ quan pháp quy duy nhất chịu trách nhiệm.
Mặt khác, các quy định quản lý chủ yếu dựa trên các luật chuyên ngành là không đủ bảo đảm an toàn và tiểm ẩn nguy cơ cho công trình nhà máy điện hạt nhân.
Trước tiên, chúng ta cần làm rõ xây dựng công trình hạt nhân nói chung, xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân có khác gì so với xây dựng một công trình dân sự thông thường?
Quốc tế đã có câu trả lời. Luật xây dựng công trình dân sự thông thường không đủ để điều chỉnh việc xây dựng công trình hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân.
Ở các quốc gia tiên tiến phát triển điện hạt nhân, họ cũng có Luật Xây dựng, nhưng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, họ có bộ luật riêng với những quy định đặc thù.
Tuy nhiên, theo dự thảo Luật, các quy định về xây dựng nhà máy điện hạt nhân hoàn toàn chỉ dựa trên luật xây dựng chung cho các công trình dân sự, không hạt nhân. Điều này sẽ không đủ bảo đảm an toàn ở mức cao mà nhà máy điện hạt nhân cần có.
Do vậy, chúng ta cần làm theo các hướng dẫn của IAEA về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Điều này nhằm tạo sự tự tin, yên tâm về bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.