Dự thảo Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi): Hướng tới công nghệ hiện đại

Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) hướng đến tăng cường an toàn, nội địa hóa công nghệ và số hóa quản lý toàn diện, phù hợp chuẩn quốc tế.

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo – đã ghi nhận và cảm ơn các ý kiến đóng góp sâu sắc của các đại biểu Quốc hội. Ông khẳng định, dự thảo luật lần này hướng tới mục tiêu xây dựng hành lang pháp lý toàn diện cho phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, an ninh phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xu thế phát triển điện hạt nhân đang quay trở lại sau giai đoạn chững lại khoảng 10–15 năm trước. Trên thế giới, nhiều quốc gia tái khởi động hoặc tăng tốc các dự án điện hạt nhân nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon, tự chủ năng lượng và nâng cao năng lực công nghệ quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định điện hạt nhân là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, với tỷ trọng dự kiến từ 10–30% tổng công suất điện.

Bộ trưởng nhấn mạnh, công nghệ điện hạt nhân hiện nay đã đạt đến thế hệ 3+ và đang hướng tới thế hệ 4 với tiêu chuẩn an toàn cao hơn. Dự thảo luật đề cập rõ đến các yêu cầu về công nghệ, quản lý an toàn và cơ chế vận hành phù hợp với chuẩn mực của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng của dự thảo là việc quy định cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thống nhất trong việc đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân. Toàn bộ các hoạt động liên quan, từ cấp phép, kiểm soát đến thanh sát trong suốt vòng đời của nhà máy điện hạt nhân – từ khảo sát địa điểm, xây dựng, vận hành cho tới đóng cửa – đều phải tuân thủ các quy trình thẩm định nghiêm ngặt.

Để hỗ trợ triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, dự thảo luật cho phép áp dụng một số cơ chế đặc biệt, như cơ chế chỉ định thầu trong các trường hợp cần thiết, sử dụng tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của phía đối tác bán công nghệ. Đồng thời, các nội dung ưu đãi đặc thù theo Nghị quyết 198 của Quốc hội sẽ được thể hiện ở các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Một điểm nhấn khác trong dự thảo là việc phân định rõ trách nhiệm và nội dung quản lý nhà nước trong toàn bộ vòng đời của dự án điện hạt nhân. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các giai đoạn như lựa chọn vị trí, nghiên cứu khả thi, thi công, vận hành thử, vận hành chính thức và đóng cửa nhà máy đều cần trải qua quá trình thẩm định độc lập về an toàn bức xạ hạt nhân. Đây là phương pháp tiếp cận toàn diện đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Trong dự thảo, một chương riêng được dành để quy định về an toàn, an ninh đối với cơ sở hạt nhân, bao gồm nhà máy điện hạt nhân. Nội dung này đề cập đến việc duy trì giám sát thường xuyên bởi cơ quan quản lý an toàn, cũng như yêu cầu xây dựng năng lực ứng phó sự cố, thiết lập văn hóa an toàn – an ninh hạt nhân trong suốt quá trình hoạt động.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về danh mục hàng hóa nhập khẩu cần kiểm xạ, quy định trách nhiệm trong việc xử lý chất thải phóng xạ và thiệt hại hạt nhân. Một chương riêng về bồi thường thiệt hại được đưa vào nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm trong ứng dụng công nghệ hạt nhân.

Bên cạnh các vấn đề pháp lý và kỹ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò của nội lực công nghệ trong phát triển ngành công nghiệp hạt nhân. Theo ông, việc xây dựng năng lực chế tạo thiết bị, quan trắc phóng xạ và đánh giá an toàn là bước đi đầu tiên để tiến tới làm chủ công nghệ hạt nhân trong nước.

Dự thảo luật cũng đặt ra định hướng dài hạn về nội địa hóa công nghệ hạt nhân, thông qua phát triển công nghiệp phụ trợ và hệ sinh thái nghiên cứu – ứng dụng. Đặc biệt, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là nhiệm vụ then chốt. Bộ trưởng đề xuất cần có chính sách trọng dụng chuyên gia, hỗ trợ đào tạo trong và ngoài nước cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu – phát triển.

Về quản lý nhà nước, dự thảo đề xuất số hóa toàn bộ quy trình cấp phép, giám sát và khai thác năng lượng nguyên tử trên một nền tảng số thống nhất. Hệ thống này sẽ bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thông tin quan trắc và các báo cáo chuyên ngành khác. Bộ trưởng cho biết, Nhà nước sẽ đầu tư nền tảng số này để đảm bảo hiệu quả trong quản lý, giảm thiểu thủ tục hành chính và nâng cao minh bạch trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Ngoài ra, nội dung về giám sát cộng đồng và vai trò của thanh sát hạt nhân cũng được tiếp thu và thể hiện trong dự thảo. Bộ trưởng khẳng định, việc giám sát hoạt động hạt nhân sẽ phối hợp chặt chẽ với IAEA để đảm bảo các mục tiêu hòa bình, an toàn và tuân thủ các cam kết quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới và dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Minh Khôi

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/du-thao-luat-nang-luong-nguyen-tu-sua-doi-huong-toi-cong-nghe-hien-dai-98932.html